Bài 3: Công nhân trẻ “ứng phó” với bão giá
Nhiều gia đình công nhân tại các khu công nghiệp phải hạn chế mua thịt lợn vì giá quá cao
Bài liên quan
Đời sống khó khăn vì giá thực phẩm tăng vọt
Đời sống khó khăn vì giá thực phẩm tăng vọt - Bài 2: Người lao động tự do chật vật xoay sở
Tăng rau, giảm thịt
Chị Thủy quê ở Thái Bình, làm công nhân khu công nghiệp Phú Thị gần chục năm nay. Chồng chị quê ở Lào Cai nên năm nào chị cũng phải cố gắng tiết kiệm dành một khoản không nhỏ để về hai quê sắm Tết. Chị Thủy cho biết: “Ai ở hoàn cảnh “một chốn đôi quê” như mình mới hiểu, riêng tiền tàu xe về quê nội, ngoại đã tốn một khoản tiền lớn. Bên cạnh đó còn tiền biếu bố mẹ hai bên, lo sắm Tết cho gia đình, con cái… Mọi năm giá thực phẩm không quá đắt đỏ mình còn dễ xoay sở…”.
Chị Thủy bỏ dở câu nói, quay ra nhẩm tính xem một ngày hai vợ chồng với ba đứa con tiêu hết bao nhiêu tiền cho sinh hoạt, ăn uống. Lương của anh chị, mỗi người gần chục triệu đồng nhưng tiền thuê nhà, nuôi ba đứa nhỏ vốn đã chật vật nay còn khó khăn hơn nhất là hai tháng gần đây giá thịt lợn tăng cao. Các mặt hàng khác cũng rủ nhau lên giá khiến chị Thủy lo lắng.
Trước kia, mỗi khi đi chợ ngoài mua thức ăn, chị Thủy vẫn còn tiền mua hoa quả, sữa chua cho con. Nay chị hạn chế, thậm chí cắt luôn khoản sữa. “Bữa cơm hàng ngày mình cũng tăng rau, giảm thịt thay thế bằng đậu phụ, cá khô… Thằng lớn nhà mình đang tuổi ăn, tuổi lớn nhìn mâm cơm toàn rau, không ăn nhưng nếu không tiết kiệm, Tết tiêu bằng gì?” - chị Thủy kể.
Bữa ăn của nhiều gia đình công nhân trẻ trở nên nghèo nàn, phải "tăng rau giảm thịt" |
Gia đình anh Việt Hoàng, công nhân Công ty Panasonic Việt Nam cũng đang trong tình cảnh tương tự. Đi chợ để vừa đảm bảo bữa cơm đủ chất vừa tiết kiệm không phải là điều dễ dàng với vợ chồng anh. “Mình hay đi chợ thay vợ nên nắm khá rõ giá các mặt hàng, so với trước cao hơn rất nhiều. Trước đây, hai vợ chồng mua khoảng 30.000 - 35.000 đồng là có thể để tủ lạnh rồi ăn cả ngày. Bây giờ, mỗi lần đi chợ mua thịt mất khoảng từ 80.000 đồng đến 85.000 đồng. Bữa ăn trở nên nghèo nàn hơn” – anh Hoàng nói.
Cả hai vợ chồng anh Hoàng đều là công nhân. Bữa trưa anh sẽ ăn tại công ty, tối mới ăn cơm ở nhà. Số tiền mỗi lần đi chợ tăng lên trong khi tiền lương vẫn như cũ khiến anh lo lắng tiêu thâm hụt vào số tiền tích góp để về quê ăn Tết của hai vợ chồng. Từ khi thịt lợn tăng giá ảnh hưởng rất nhiều đến số tiền vợ chồng anh dành dụm. Giá thực phẩm tăng khiến những mặt hàng khác cũng tăng theo. Đầu tháng bà chủ nhà thông báo tăng giá khiến cả dãy trọ nơi anh Hoàng ở nháo nhào.
Buổi trưa ăn ở cơ quan nhiều lên chút…
Theo anh Hoàng, giá cả khó có thể bình ổn ngay được bởi nhu cầu thực phẩm cuối năm tăng cao. Bên cạnh đó, chỉ còn tháng nữa là đến Tết nên vợ chồng anh chị vạch kế hoạch chi tiết cho việc đi chợ hằng ngày. “Vợ mình còn bảo, buổi trưa ở công ty ăn nhiều lên chút, tối về tiết kiệm dành phần con. Trước đây 1 tuần nhà mình sử dụng thịt lợn 4 ngày thì nay giảm xuống còn 2 và chuyển sang sử dụng thực phẩm khác như cá, gà..” - anh Hoàng chia sẻ.
Không chỉ lên kế hoạch chi tiêu hàng ngày, nhiều công nhân khác nhờ đến sự “viện trợ” gia đình. Anh Nguyễn Thành, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) kể: “Vợ mình đi chợ về than, giá thịt lợn phần nạc vai và ba chỉ gần 200.000 đồng/kg. Các loại thịt khác như ngan, gà, bò đều đồng loạt tăng 10.000 đồng/kg… dẫn đến khó lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Thời gian đầu, để đảm bảo dinh dưỡng cho cả gia đình, vợ mình vẫn “cắn răng” móc ví ra mua dù ngân sách của gia đình sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên cứ kéo dài mãi không được, mình đã điện thoại về quê để được hỗ trợ trứng gà, gạo… nhằm giảm bớt khó khăn. May ở nhà mẹ mình nuôi được nhiều gà không chả biết làm thế nào”.
Giá thực phẩm tăng cao khiến nhiều công nhân phải tính toán chi li |
Tận dụng những thực phẩm sẵn có ở quê cũng là cách chị Phạm Thị Loan, công nhân Công ty Hoya đối phó với bão giá. Hai tuần trước có người nhà ở quê ra chơi, chị gọi điện cho mẹ gửi thêm cá khô, mắm tép, trứng… “Quê mình ở miền biển nên những thức ăn này rất sẵn. Bây giờ, cái gì cũng đắt nếu không tiết kiệm, chi tiêu hợp lý thì đồng lương công nhân của hai vợ chồng chẳng đủ nuôi con. Sắp đến Tết rồi, mình cũng muốn mua cho bố mẹ, hai đứa con bộ quần áo mới” - chị Loan tâm sự.
Chị Loan cho biết thêm, những ngày cuối năm, chị nghe đài, đọc báo thấy rất nhiều hàng giả, kém chất lượng. Bên cạnh việc chi tiêu hợp lý của công nhân, chị cũng mong các cơ quan chức năng sớm có những biện pháp bình ổn giá, kiểm tra, kiểm soát việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu chợ gần khu công nghiệp, khu chế xuất. Chị Loan lo ngại giá thực phẩm tăng cao, các tiểu thương có thể trộn lẫn các mặt hàng kém chất lượng vào bán kèm dẫn đến ngộ độc, như thế đời sống công nhân vốn đã khó khăn càng thêm lao đao.
(Còn nữa)