Bài 3: Chung tay để thực phẩm bẩn không còn “đất sống”
Việc tuyên truyền để người dân nhận thức, nói không với thực phẩm bẩn cũng vô cùng quan trọng (ảnh minh họa)
Bài liên quan
Đảm bảo an toàn thực phẩm: Trách nhiệm không của riêng ai
Bài 2: Thói quen dễ dãi của người tiêu dùng đã "nuôi dưỡng" thực phẩm bẩn
Kiểm tra công tác an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể và kiểm soát sữa học đường
Quản lý an toàn thực phẩm phải có sự đóng góp của người dân
ATTP là việc của mọi người
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 27/10/2016 của Thành ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội, công tác bảo đảm ATTP đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm ATTP vẫn diễn ra gây lo ngại, bức xúc cho nhân dân. Nổi lên là tình hình vận chuyển, buôn bán, nhập lậu thực phẩm; hoạt động giết mổ nhỏ lẻ còn tồn tại trong khu dân cư; việc triển khai quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm còn chậm; ý thức của người dân về ATTP chưa cao…
Tại phiên giải trình của HĐND TP Hà Nội diễn ra mới đây, lý giải những tồn tại trên, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường TP Hà Nội cho hay, nguyên nhân do lực lượng thanh, kiểm tra còn mỏng, thông tin địa bàn chưa đầy đủ. Việc vi phạm chủ yếu xảy ra ở các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và tại các huyện, trong khi lực lượng quản lý ở tuyến xã, phường, thị trấn khi thanh tra chỉ nhắc nhở, không đủ sức răn đe.
Cũng tại phiên giải trình, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã thẳng thắn chỉ rõ, để xảy ra những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực ATTP hiện nay có trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã và cơ quan ngành y tế.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, cung ứng; tăng cường quản lý chặt chẽ, kiểm tra, giám sát, kiên quyết đóng cửa cơ sở không đảm bảo; công khai rộng rãi những cơ sở không đạt yêu cầu... Sở Y tế mong muốn các ngành cần tăng cường thêm công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân phát hiện, tố cáo những đơn vị sản xuất không an toàn.
Cũng tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thẳng thắn nhìn nhận mặc dù đã có chuyển biến tích cực song công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố vẫn còn rất nhiều tồn tại; vấn đề liên quan đến ATTP chưa đạt theo tiêu chuẩn quy định, chưa như mong muốn của người dân.
Do đó, thời gian tới, thành phố sẽ siết chặt thanh tra, kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ thực phẩm. Hà Nội cũng đang đề xuất Chính phủ sớm cho thành phố lấy nguồn đầu tư công để sửa chữa các chợ an sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh, đảm bảo ATTP; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ tập trung...
Người đứng đầu thành phố khẳng định, để thực hiện tốt việc quản lý này, rất cần sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri và nhân dân Thủ đô. “Người dân cần tự nâng cao ý thức trong việc sử dụng thực phẩm trên địa bàn, nâng cao công tác giám sát, phát hiện để cùng thành phố thực hiện tốt việc quản lý ATTP”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Trên thực tế, nhận thức của người dân về ATTP luôn thay đổi tích cực qua mỗi năm. Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, nhận thức đúng về ATTP đã tăng từ 38,3 (năm 2006) lên 83,8% (năm 2014) và hướng đến tỷ lệ 90% vào năm 2020. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã lựa chọn phát triển nền văn hóa ATTP đặt người tiêu dùng ở vị trí trung tâm, đặc biệt là việc hình thành các vùng nguyên liệu sạch, chế biến thực phẩm an toàn...
Gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp
ATTP đang gióng lên hồi chuông đáng lo lắng khi mất ATTP đã len lỏi vào các bếp ăn trường học và thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng. Điển hình như đầu năm 2019, xã hội rung động với vụ việc đưa thịt lợn gạo vào một trường học tại Bắc Ninh và nấu ăn cho các cháu học sinh.
Thực trạng ấy cho thấy, mất ATTP như con bạch tuộc đang vươn những chiếc vòi của mình len lỏi khắp mọi nơi. Việc bảo đảm ATTP không không chỉ còn là việc của riêng Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hay lực lượng thanh tra của các quận, huyện…
Nhắc lại vụ việc trên tại Bắc Ninh, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phân tích, để thực phẩm không đảm bảo vào bếp ăn của nhà trường thì trách nhiệm trước hết là do nhà trường, cụ thể là trách nhiệm của người đứng đầu nơi đây. Với hình thức tổ chức học bán trú chủ yếu như hiện nay thì vai trò của nhà trường là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, để cho nhiều phụ huynh phải đưa con ra Hà Nội làm xét nghiệm thì cũng có trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc. Bên cạnh đó, các ngành giáo dục, y tế, nông nghiệp, cũng có liên quan.
Vì vậy, để nỗi lo mất ATTP không còn trở nên ám ảnh, cần kịp thời chấn chỉnh và siết chặt công tác quản lý, kèm theo đó là chế tài có đủ sức răn đe, cơ chế giám sát chặt chẽ, sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các cấp, ngành liên quan.
Thực tế cho thấy, ở đơn vị nào có sự tham gia quyết liệt của người đứng đầu thì ở đó công tác bảo đảm ATTP đạt kết quả cao. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố đặt ra trong thời gian tới, đó là tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về ATTP của chính quyền các địa phương, nhất là đối với cấp quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.
Qua phiên giải trình của HĐND TP Hà Nội mới đây, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đề nghị UBND TP rà soát lại tất cả đề án, quy hoạch, kế hoạch đã được ban hành khi triển khai Chỉ thị số 10-CT/TU; mối quan hệ giữa các sở, ngành trong giải quyết công việc theo văn bản chỉ đạo của Trung ương để đổi mới cách kiểm tra nhằm tăng phát hiện vi phạm; đưa ra những đề xuất xử lý nghiêm hơn những cơ sở vi phạm.
Chủ tịch HĐND thành phố cũng nhấn mạnh yêu cầu, Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về ATTP trên địa bàn phụ trách, coi đây là một tiêu chí để xác định nông thôn mới, tổ dân phố văn hóa; đổi mới cách kiểm tra nhằm tăng phát hiện vi phạm…
Dù vậy, theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, với 10 triệu người dân hàng ngày sử dụng thực phẩm trên địa bàn, với thói quen dựng xe xuống là mua ngay được thực phẩm, thì để quản lý ATTP ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý còn cần nhân dân, cử tri đóng góp…