Sức sống của các phường rối nước
Sức sống phường rối nước
Ra đời trong lòng xã hội nông nghiệp truyền thống, trải qua lịch sử hàng nghìn năm hình thành và phát triển, rối nước tiếp nhận, thừa hưởng những thành tựu phong phú của văn hóa dân gian, nó đích thực là đặc sản văn hóa Việt. Từ đó, hóa thân thành điểm khởi nguồn cho nhiều ý tưởng sáng tạo của những nhà thiết kế say mê văn hóa dân gian, luôn hướng mình về mục tiêu lan tỏa nét đẹp dân dã với thế giới.
Nghệ thuật múa rối nước với mặt nước là chỗ diễn của con rối. Con rối có thể múa và cử động thông qua việc điều khiển (hay còn gọi là giật trò) của các nghệ nhân đứng trong buồng trò và giấu kín mình. Nếu như ở rối cạn, con rối là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất thì ở rối nước đòi hỏi sự kết hợp của hai yếu tố: rối và nước. Rối nước có múa, có rối, có nước, chính vì vậy cái tên “múa rối nước” ra đời theo một cách giản dị và dễ hiểu nhất.
Là loại hình nghệ thuật độc nhất vô nhị chỉ có tại Việt Nam với sân khấu nước kì lạ và đặc sắc, cùng hình tượng đặc trưng là chú Tễu, múa rối nước là bộ môn nghệ thuật đậm đà sắc thái, tâm hồn người Việt, phản ánh chân thực chất đời, chất dân dã và văn hóa của nông thôn vùng châu thổ sông Hồng.
Trải qua hàng nghìn năm tồn tại, hiện nay chỉ còn 18 phường rối nghiệp dư chủ yếu thuộc 6 tỉnh, thành phố vùng châu thổ sông Hồng: Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh. Hoạt động của các phường rối phần lớn vẫn theo hình thức phục vụ hội hè, đình đám… với thành viên là những người nông dân của làng, xã.
Những nghệ nhân của các phường rối ngày ngày vẫn cần mẫn với ruộng đồng, với con trâu cái cày nhưng đêm đêm hoặc bất cứ lúc nào nếu có yêu cầu họ sẵn sàng biểu diễn. Đó là điều ghi nhận ở lòng yêu nghề và say mê giữ gìn nghệ thuật rối dân gian truyền thống.
Chính từ niềm đam mê vô tư, hồn nhiên, thỏa mãn cái thú được “chơi” nghệ thuật trong những dịp hội làng, những ngày nông nhàn nên ngày hôm nay, nhiều địa phương có các phường rối dân gian đã trở thành một địa điểm du lịch trong các tour du lịch.
Tại những buổi trình diễn rối dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đã nhiều vị trưởng phường rối không giấu nổi niềm tự hào làm rối nước. Đại diện của phường Hồng Phong, Thanh Hải, Nam Chấn, Đào Thục, Đồng Ngư… đã kể về những suất diễn liên tục phục vụ khách du lịch không chỉ ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mà ngay tại địa phương, họ cũng đã biểu diễn những suất diễn liên tục trong tuần, trong tháng…
Từ nhiều năm nay, người dân xã Hồng Phong (Hải Dương) đã quen với việc thường xuyên có đoàn khách du lịch về xem biểu diễn rối nước. Để thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, ông Phạm Văn Tòng, trưởng phường rối Hồng Phong đã mạnh dạn vào các trang web của một số công ty du lịch trong nước mời xây dựng tour đưa khách về. Ông Tòng cho hay, trước đây, chủ yếu khách du lịch tìm đến phường rối nước Hồng Phong thông qua các công ty lữ hành. Việc công nhận điểm du lịch này góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch của tỉnh. Đây cũng là điểm quan trọng giúp tour tuyến du lịch về Ninh Giang (phường múa rối nước Hồng Phong - đền Tranh - đình Trịnh Xuyên - đền Khúc Thừa Dụ) có sự kết nối bền chặt hơn.
Ngoài ra, được công nhận là điểm du lịch của tỉnh còn giúp phường rối nước Hồng Phong thu hút sự quan tâm đầu tư và mở ra hướng phát triển mới, đồng bộ. Không chỉ nâng tầm văn hóa phi vật thể là nghệ thuật múa rối nước, quảng bá cho di sản văn hóa vật thể là đình Đông của làng Bồ Dương mà còn tạo cơ hội phát triển các dịch vụ trải nghiệm phụ trợ khác như: cấy cày, câu cá, dệt vải… Khi tiềm năng du lịch được khai thác tốt sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Mỗi năm, phường đón gần 1.000 lượt khách quốc tế, trung bình mỗi tháng có khoảng 15 buổi diễn. Có tháng, phường rối Hồng Phong đón gần 200 khách, phục vụ 26 buổi diễn. Các nghệ nhân múa rối đã khéo léo kết hợp cả việc giới thiệu làng nghề truyền thống như nghề mộc, nghề làm bánh… Khách du lịch tới địa phương xem rối dân gian, đồng thời có thể trực tiếp tham gia làm bánh và thưởng thức các món bánh nổi tiếng của Hải Dương như bánh tráng, bánh trôi, bánh bèo, bánh khúc… là điều họ thấy rất thú vị.
Trong khi đó, phường rối Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội) lại chọn hướng đi hoàn toàn mới. Thay vì diễn đi diễn lại những tích trò cũ, họ đã sáng tác thêm nhiều tiết mục mới ca ngợi quê hương, đất nước như: Rước ảnh Bác Hồ, chiến thắng Điện Biên Phủ 12 ngày đêm… Chính nhờ sự sáng tạo này mà từ nhiều năm nay, các nghệ nhân Đào Thục đã đi biểu diễn tại nhiều nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Còn ở trong nước, mỗi tháng các công ty du lịch Hà Nội lại mang tới cho Đoàn múa rối Đào Thục hai đợt khán giả, mỗi đợt khách chừng trên dưới 40 khán giả quốc tế.
Một trong những phường rối được biết đến về khả năng quảng bá chính là phường rối Thanh Hải (Hải Dương), Bảo Hà (Hải Phòng). Hai đơn vị này đã tham gia các liên hoan múa rối tại Hà Nội và Huế, Liên hoan nghệ thuật rối nước toàn quốc… đều giành nhiều giải cao.
Gỡ rối cho rối nước
Phát triển nghệ thuật rối nước dân gian trong cơ chế thị trường là một bài toán khó, không phải phường rối nào cũng tìm được lời giải cho mình. Vẫn biết vốn truyền thống cần phải lưu giữ nhưng làm cách nào thì lại vô cùng khó khăn, từ kinh phí cho tới việc duy trì lực lượng nghệ nhân trẻ kế tục.
Nhìn vào độ tuổi của mấy trăm nghệ nhân Múa rối Hải Phòng mở rộng lần thứ 2 - tháng 5/2024 thấy độ tuổi trung bình là khoảng 50. Thiếu người trẻ là nỗi lo thường trực đối với các phường hiện nay. Bên cạnh đó, số tiền cát-xê trung bình khoảng 100 - 120 nghìn đồng cho một suất diễn đã không giữ chân được lớp trẻ đến với nghề rối. Những người trẻ, khi có bằng đại học, cao đẳng thì thường chọn cho mình con đường khác thay vì làm rối ở địa phương. Thiếu nghệ nhân trẻ biểu diễn đã đành, nhiều phường rối còn thiếu luôn cả nhạc công trong dàn nhạc biểu diễn. Bởi vậy, thay vì dàn nhạc sống cần có thì các phường đành phát nhạc bằng băng ghi âm, làm giảm đi đáng kể chất lượng biểu diễn nghệ thuật.
Các phường rối muốn phát triển hoạt động, đòi hỏi phải có thêm tiết mục mới, có vậy mới đủ sức cạnh tranh, tạo chỗ đứng cho mình giữa biết bao trò vui chơi, thể loại văn hóa giải trí hiện đại. Để có thể tạo tiết mục mới, đục tạc quân trò biểu diễn mới, các phường cần có nghệ nhân làm công việc thiết kế, tạo hình rối. Tuy nhiên, lực lượng này lại quá thiếu.
Có nhiều phường trước đây thiết kế tạo hình rối rất đẹp như Thạch Thất, Đào Thục… nay lại bị ảnh hưởng bởi các hình thức mỹ thuật hiện đại nên tạo đục rối bị xấu đi, không giữ được chất mộc mạc, giản dị, thuần hậu của nghệ thuật điêu khắc dân gian của rối nước từ xưa vốn có.
Điều mong mỏi lớn nhất của các nghệ nhân múa rối là truyền tải được chiều sâu của nghệ thuật tới lớp trẻ. Vì nghệ thuật truyền thống không chỉ mang giá trị giải trí, mà còn rất nhiều giá trị khác to lớn như giá trị văn hóa, lịch sử của một dân tộc. Từ đó, người trẻ có thể hiểu được rõ nét và khơi dậy niềm tự hào về dân tộc, có nhận thức sâu sắc hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống nói chung và múa rối nước nói riêng.
Bên cạnh đó, các nghệ sỹ múa rối cũng mong muốn sẽ có nhiều cơ quan có trách nhiệm đứng ra góp sức cùng các phường rối để củng cố, đào tạo đội ngũ nghệ nhân rối dân gian.
Nghệ sĩ Ưu tú Chu Lượng, nguyên Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: “Rối nước không chuyên của Hà Nội dần hồi phục thể hiện sự cố gắng của từng phường và sự quan tâm của địa phương. Tuy nhiên, nếu phát triển tự phát sẽ bị pha trộn giữa các phường. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cần có sự định hướng lại để hiểu rõ giá trị bản sắc, cốt lõi của từng phường và có công tác bảo tồn đúng hướng”.