Bài 2: Lơ là thực thi, hậu quả nhãn tiền
Cần xốc lại việc thực hiện Nghị định 100 Tạm giữ hơn 17 nghìn phương tiện vi phạm nồng độ cồn sau một tháng áp dụng Nghị định 100 Nghị định 100 giúp giảm sâu các vụ tai nạn giao thông |
Những đêm không ngủ ở Bệnh viện Việt - Đức
Hơn 10 giờ đêm, tại Bệnh viện Việt - Đức, tiếng còi xe cấp cứu kêu inh ỏi, tiếng bước chân vội vã, những chiếc cáng lần lượt được đưa xuống từ xe cấp cứu. Những khuôn mặt biến dạng, tiếng kêu la trộn lẫn trong tiếng khóc nấc nghẹn khiến ai nhìn cũng đau nhói tâm can...
Chứng kiến nhiều ca tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng vào cấp cứu tại đây mới thấy hết tấn bi kịch của nhiều gia đình phải gánh chịu chỉ vì “ma men” cầm lái. Có người uống rượu rồi tự gây tai nạn, người thì bị kẻ say rượu tông vào, lại có người uống rượu rồi gây họa cho chính mình và người thân.
Thời gian gần đây, các bệnh viện tiếp nhận không ít bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì tai nạn giao thông do bia rượu |
Sau khi đưa chồng vào cấp cứu, suốt một đêm dài không chợp mắt, mắt chị Trần Thị Hằng (26 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) thâm quầng. Chị kể, sau khi đi nhậu cùng nhóm bạn, chồng chị lái xe máy về nhà và đâm vào cột điện rồi lao xuống ruộng. Vụ tai nạn khiến chồng chị bị gãy xương hàm, rách màng mắt.
“Em chán lắm chị ạ. Lấy phải người chồng nghiện rượu, một tuần 7 ngày thì 6 ngày say. Mẹ con em cũng nhiều lần thâm tín mặt mũi vì bị “ma men” đánh rồi. Bỏ thì thương, vương thì tội. Đêm qua, nhà không còn tiền, phải đi vay hàng xóm mới được hơn 1 triệu đưa anh ấy đi viện”, chị Hằng nói trong hàng nước mắt.
Cùng chung hoàn cảnh, suốt 2 ngày qua bà Nguyễn Thị Lan (53 tuổi, ở Lý Nhân, Hà Nam) túc trực ngoài phòng Hồi sức cấp cứu 1, Bệnh viện Việt - Đức. Bà không ăn uống được gì và cũng không thể chợp mắt vì con trai đang nằm bất động trên giường do TNGT.
Theo lời kể của bà Lan, từ trước đến nay, con trai bà thỉnh thoảng uống rượu sau đó vẫn tự điều khiển xe máy. Những lần trước, sau khi uống rượu, anh thường được bạn bè trở về nhà; Lần này, tự lái xe về, giữa đường tránh con chó nên đâm vào xe máy ngược chiều, gây tai nạn.
“Nhà mẹ góa con côi, tiền ăn hằng ngày phải phụ thuộc vào việc đi chợ bán rau, đâu có dư dả gì. Giờ nó lại nằm viện như thế này, tôi chưa biết trông cậy vào đâu. Không biết chi phí nằm viện hết bao nhiêu, tiền chục còn ráng vay mượn, chứ đến trăm triệu thì tôi chỉ có nước cắm sổ đỏ”, bà Lan than thở.
Đây có lẽ chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp tai nạn “đặt cược mạng sống, tương lai trên bàn nhậu” được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức.
Ở Phòng Khám cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ liên tục phải tiếp nhận, khám và cấp cứu bệnh nhân. Tại đây, bệnh nhân bị tai nạn vào cấp cứu rất đông, trong đó có không ít bệnh nhân TNGT. Có ca bệnh người nhà đi theo hớt hải, vừa đẩy băng ca vào xếp hàng khám vừa khóc. Nhiều bệnh nhân quần áo lấm lem và nhuốm máu, khuôn mặt đã gần như biến dạng nằm bất tỉnh.
Những cuộc vui khởi nguồn từ rượu, bia và điểm kết thúc là giường bệnh, là hạnh phúc gia đình tan vỡ, mạng sống bị bán rẻ. Quá nhiều hậu quả, số phận phía sau vô lăng thế nhưng không phải người lái xe nào cũng nhận thức được điều ấy. Chứng kiến và nghe kể về câu chuyện của họ, ai cũng xót xa quặn lòng, giá như đừng để “ma men” cầm lái, giá như họ ghim trong tâm trí mình thông điệp "Đã uống rượu bia, không lái xe".
Hiện trường vụ nữ tài xế say rượu lái xe Lexus tông liên hoàn trên phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ |
Mỗi ngày nước ta có 21 người ra đường mãi không trở về
Những ngày này, trên khắp các ngả đường, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền “Đã uống rượu bia, không lái xe”. Việt Nam đang tiến hành các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” được tổ chức toàn quốc từ ngày 26/10 đến 15/11 để chia sẻ những đau thương, mất mát đối với gia đình các nạn nhân; Đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo các nguy cơ, nguyên nhân gây TNGT. Bởi lẽ, những con số biết nói về những vụ TNGT khiến ai nghe cũng phải giật mình, thảng thốt.
Theo số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 10 tháng năm 2020, toàn quốc xảy ra 11.653 vụ TNGT. 10 tháng qua, TNGT đã cướp đi sinh mạng 5.456 người, làm bị thương hơn 8.600 người. Đáng nói, 70% người tử vong do TNGT là thanh niên.
Thông tin tại hội nghị triển khai một số văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế tổ chức mới đây cho thấy, tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ TNGT ở nam giới từ độ tuổi 15 đến 49; 70 - 80% nạn nhân của những vụ TNGT thường ở độ tuổi lao động, là trụ cột của gia đình, có thể đóng góp dài lâu cho xã hội. Bên cạnh đó, chi phí giải quyết hậu quả của TNGT liên quan đến rượu, bia chiếm khoảng 1% tổng thu nhập quốc dân GDP.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT của Cục Cảnh sát giao thông cho biết, tính sơ bộ trong 8 tháng năm 2020, cơ quan chức năng đã xử lý hơn 110.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Dù thu được hiệu ứng tốt từ Nghị định 100 trong quá trình triển khai nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn có thời điểm phức tạp. Đặc biệt, số vụ tai nạn do xe vận tải tăng, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiệm trọng ở Đắk Nông, Kon Tum, Quảng Bình... và trong đó có cả ở Hà Nội.
Từ những con số trên cho thấy, ý thức tự giác chấp hành của một bộ phận người dân đang có dấu hiệu “trùng xuống”. Rõ ràng đã đến lúc cần các ngành chức năng quyết liệt vào cuộc để “xốc” lại tinh thần của Nghị định 100, tránh dẫn đến tình trạng thực hiện Nghị định này theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”.
(Còn nữa)
10 năm trước, lần đầu tiên trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đã gọi tên TNGT là “thảm họa”, khi số người tử vong do TNGT ở Việt Nam được đem ra so sánh với số người tử vong do thảm họa sóng thần ở Nhật Bản. Đến nay, con số ấy đã giảm khoảng 30%. Nhiều người kỳ vọng sẽ tiếp tục kéo giảm nhiều hơn nữa số vụ TNGT nhờ Nghị định 100. |