Cần xốc lại việc thực hiện Nghị định 100
Nghị định 100 giúp giảm sâu các vụ tai nạn giao thông Nghị định 100 phát huy hiệu quả, tai nạn giao thông do "ma men", ngộ độc rượu giảm hẳn Tính đúng đắn và kịp thời của Nghị định 100! |
Bài 1: “Cú đấm thép” đang mất dần uy lực?
Hiệu quả của đợt ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 đã kéo giảm được số vụ tai nạn giao thông - vấn đề gây nhức nhối xã hội trong nhiều năm gần đây. Những tưởng với kết quả ban đầu khả quan như vậy, Nghị định này sẽ tiếp tục phát huy tác dụng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, các quán nhậu trên địa bàn Hà Nội bắt đầu tấp nập trở lại, những vụ tai nạn giao thông do “ma men” gây ra liên tục xuất hiện trên các kênh truyền thông, để lại nỗi đau mất mát lớn lao cho mỗi gia đình…
Quán bia tấp nập trở lại
Theo ghi nhận của phóng viên trong những ngày cuối tháng 10/2020, nhiều địa điểm ăn uống, các quán bia hơi trên địa bàn TP Hà Nội đã tấp nập trở lại. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 19 đến 22 giờ, nhiều quán “nhậu” luôn chật kín. Vẫn theo thói quen, phần lớn mọi người đều tự đi xe máy, ô tô của mình đến quán... Ðiều đáng nói, sau khi uống rượu, bia, dù có biểu hiện say xỉn nhưng nhiều người vẫn loạng choạng tự điều khiển xe về nhà. Chủ quán hay nhân viên cũng không còn hướng dẫn, gọi taxi hay xe ôm cho khách như khi Nghị định 100 mới có hiệu lực.
Quán bia tấp nập trở lại, thực khách quên Nghị định 100? |
Khi được hỏi, anh Nguyễn Ngọc Trường, một khách hàng "ruột" của nhà hàng Phương Nam trên đường Trần Thủ Độ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) mặt đỏ tưng bừng chia sẻ: “Nói đến Nghị định 100 thì chúng tôi, ai cũng biết và có phần e ngại. Từ khi giãn cách xã hội lần 2, anh em chúng tôi lâu không gặp nhau. Giờ cuộc sống trở lại bình thường, đợt này công việc lại ít thành ra cũng hay đi nhậu. Ai cũng biết uống rượu bia xong thì không nên lái xe nhưng mà nhiều khi chủ quan”.
Ở trong quán nhậu cách đó khoảng 100m, nhà hàng Thu Hằng cũng rất đông khách. Đi ra với khuôn mặt đỏ phừng phừng vì đã uống rượu và ăn lẩu với nhóm bạn nhưng anh Lại Quốc Huy, công nhân lao động tự do ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) vẫn khẳng định, anh chỉ uống vài ly nên vẫn đủ tỉnh táo lái xe về nhà. “Tôi uống thế này chưa ăn thua gì đâu. Tửu lượng của tôi rất tốt. Tôi vẫn lái xe được. Nhà tôi cũng gần đây mà”, anh Huy phân bua.
Khảo sát tại các con phố như Lương Ngọc Quyến, Huỳnh Thúc Kháng, Trung Kính… lượng khách tìm đến các quán nhậu tại đây vẫn tấp nập, đặc biệt là sau giờ làm. Theo quan sát của phóng viên, có những cuộc ăn nhậu thậm chí còn kéo dài từ chiều đến nửa đêm. Đáng nói, sau những “cuộc vui” như vậy, đa số người uống rượu bia thường tự lái xe về nhà.
Một chủ quán bia hơi ở Long Biên, Hà Nội tiết lộ: “Đợt đầu năm, khi các lực lượng chức năng làm gắt gao việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, lượng khách của quán cũng giảm nhiều. Một số khách đến nhậu thường đi taxi về. Gần đây thì mọi việc bình thường trở lại rồi, lượng khách đông hơn. Khách đến quán chủ yếu cũng ở gần đây nên ăn xong thường tự lái xe về”.
Khi Nghị định 100 được triển khai rầm rộ, rất nhiều phụ nữ lên mạng xã hội bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ. Thời gian gần đây, khi việc xử phạt “bớt nóng”, nhiều người tỏ ra hụt hẫng. Chị Nguyễn Hồng Nhung (ở phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội) phàn nàn: “Được một thời gian đầu xử phạt nặng, chồng tôi ít đi nhậu hơn. Dạo này, anh ấy lại đi suốt ngày rồi. Ngày nào về cũng nồng nặc mùi rượu. Tuần trước lái xe còn đâm cả vào cột điện trước ngõ, may mà người không sao. Giờ chỉ mong, các lực lượng chức năng lại mạnh tay xử lý như trước, phạt thật nặng cũng được, mất tiền còn hơn mất người”.
Nhiều người dân ở tòa nhà CT2B, khu đô thị Văn Quán, phường Phúc La (Hà Đông, Hà Nội) phản ánh tới đường dây nóng báo Tuổi trẻ Thủ đô về việc quán bia Tiên Huyền lấn chiếm sân chơi, vỉa hè của khu chung cư, bày bàn ghế, để ô tô, xe máy của khách. Mặt khác, tại quán bia này, khách đến nhậu rất đông, sau khi uống bia, rượu xong vẫn lái ô tô, xe máy. Người dân đã phản ánh đến cơ quan chức năng phường nhiều lần nhưng không được xử lý.
Người dân lại “thờ ơ” với Nghị định 100?
Còn nhớ tháng 1/2020, khi Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực đã tạo nên một “cơn địa chấn”, đánh mạnh vào ý thức, thói quen lâu nay của nhiều người dân khi lái xe. Quy định mới, chế tài mạnh trước nay chưa từng có, các tỉnh thành, trong đó có Hà Nội ra quân đồng loạt, người cầm lái không dám uống bia rượu như trước.
Khi vừa hết giãn cách, quay lại cuộc sống “bình thường mới”, dường như tinh thần quyết liệt, tự giác trong thực hiện Nghị định 100 đã thay đổi. Ðêm 26/6 vừa qua, trên một diễn đàn mạng xã hội về ô tô đã đăng tải một đoạn phim ghi lại cảnh lái xe ô tô BKS 30E-042.41 không làm chủ được tay lái, tông vào một xe máy đi cùng chiều tại khu vực gần nút giao Bà Triệu - Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ðiều đáng nói, lái xe có biểu hiện say xỉn, sau khi gây tai nạn giao thông vẫn ngồi yên trong xe và... lim dim ngủ.
Hiện trường vụ tai nạn Nguyễn Quang H gây ra tại thị xã Sơn Tây |
Tương tự, thanh niên vừa tròn 18 tuổi Nguyễn Quang H bị khởi tố vì đã gây ra tai nạn giao thông khi đang trong tình trạng say rượu. Sự việc diễn ra trên địa bàn phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), Nguyễn Quang H điều khiển ô tô Mazda 5 chỗ va chạm liên hoàn với nhiều xe máy. Vụ tai nạn khiến ông Nguyễn Ngọc H (SN 1967, ở phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây) tử vong. 5 nạn nhân bị thương tích nhẹ, 2 người phải điều trị tại bệnh viện do bị gãy xương. Qua điều tra, cơ quan CSĐT Công an thị xã Sơn Tây đã làm rõ, tài xế Nguyễn Quang H vi phạm nồng độ cồn mức 0,959 mg/lít khí thở.
Chứng kiến sự việc xảy ra, nhiều người vừa giận vừa thương. Giận bởi sự bốc đồng, thiếu hiểu biết và sự liều mạng của thanh niên trẻ, thương bởi mới vừa tròn tuổi thành niên, cậu phải đối diện với một bản án cùng bản lý lịch "đen" theo cậu đến suốt cuộc đời. Trăn trở về cậu thanh niên đó bao nhiêu, người viết lại kì vọng nhiều hơn về sự quyết liệt trong thực thi Nghị định 100, để vớt vát những mảnh đời; Để những vụ tai nạn nặng trĩu lòng người do bia rượu không còn tái diễn.
Theo lời TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chia sẻ với báo chí mới đây, thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, tai nạn giao thông giảm rất sâu do nhu cầu đi lại giảm nên việc thực hiện Nghị định 100 không có vấn đề gì. Trong giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19 với những giải pháp quyết liệt, hiệu lực của Nghị định 100 rất rõ ràng, tai nạn giao thông đã giảm sâu cả ba tiêu chí, không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan nồng độ cồn. Điều này khẳng định việc triển khai Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và NĐ100 là có hiệu quả tốt, được người dân đồng tình ủng hộ. Chính vì vậy, lúc này cần nhắc lại hiệu lực của Nghị định này trong cuộc sống.
Hiệu quả của Nghị định 100 rất rõ ràng nhưng khi cả nước trở lại nhịp sống bình thường mới sau đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19, vấn nạn “ma men sau tay lái” lại diễn biến phức tạp, khó lường. Dường như không còn ai e ngại, đắn đo trước khi nâng chén. Phải chăng “cú đấm thép” giờ đây đã không còn đủ uy lực phát huy tác dụng?
(Còn nữa)
Theo nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (trường Đại học Việt Đức) thực hiện, quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu cho thấy, tỉ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm tỉ lệ 68% (xe máy 62%, ô tô 6%). Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say. Nghiên cứu cũng chỉ ra, những người lái xe sau khi sử dụng rượu bia có đến 98% trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 74% người điều khiển đi ngược chiều, 64% trường hợp không bật xi-nhan khi điều khiển phương tiện. Đặc biệt, khảo sát chuyên sâu, những nạn nhân nghĩ mình vẫn “bình thường” đủ khả năng điều khiển xe máy ra về thì lại có tỷ lệ bị chấn thương nặng cao hơn những nạn nhân cảm thấy “không bình thường”. |