Ăn nhiều nước hầm rau củ quả có khiến trẻ bị vàng da?
Phân biệt vàng sinh lý và vàng da bệnh lý
Các bà mẹ nên nhận biết được một số dấu hiệu để phân biệt vàng da sơ sinh sinh lý và vàng da bệnh lý.
Vàng da sinh lý sẽ xuất hiện 1 ngày sau sinh, mức độ vàng nhẹ, chỉ tập trung ở vùng mặt, cổ, ngực và bụng (trên rốn). Vàng da bệnh lý khi mức độ vàng đậm, toàn thân và cả mắt, không tự khỏi sau 1-2 tuần. Kết hợp với các biểu hiện bất thường như lừ đừ, bỏ bú, co giật...
Mức độ vàng da nhẹ là chỉ vàng da đơn thuần (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn) không kèm theo các triệu chứng bất thường khác ( thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ...).
Phân biệt vàng sinh lý và vàng da bệnh lý ở trẻ nhỏ |
Nồng độ Bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ thiếu tháng... Tốc độ tăng Bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ. Ngoài ra, nước tiểu của trẻ sơ sinh có màu tối hoặc màu vàng ( nước tiểu của trẻ sơ sinh thường không màu) và phân nhạt màu.
Nguyên nhân gây hiện tượng vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh là do sự tích tụ của Bilirubin, một chất có màu vàng được sinh ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ giải phóng ra. Hiện tượng này xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh vì các bé có lượng tế bào hồng cầu cao, các tế bào này thường xuyên bị phá vỡ và được thay mới.
Trong khi đó, gan của trẻ lại chưa đủ trưởng thành để lọc bỏ hết Bilirubin khỏi máu vì vậy gây nên vàng da. Khi trẻ được khoảng 2 tuần tuổi, gan đã phát triển đầy đủ hơn và đủ sức xử lý Bilirubin nên bệnh vàng da sẽ tự khỏi mà không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào
Phụ huynh cần theo dõi vàng da ở trẻ dưới ánh sáng mặt trời hằng ngày. Các bà mẹ có thể dùng tay ấn vào vùng trán, mặt, ngực, bụng, trên rốn, dưới rốn, đùi, cẳng chân, bàn chân, bàn tay... của trẻ để xác định trẻ bị vàng da.
Một số em bé da đỏ sẽ khó thấy, nên khi ấn vào thấy để lại màu vàng của da phía dưới chỗ ấn, đây là cách nhận biết vàng da dễ nhất mà phụ huynh có thể lưu ý để theo dõi trẻ.
Trong một số trường hợp, vàng da là biểu hiện của một căn bệnh tiềm tàng nào đó và ở những trường hợp này vàng da sẽ xuất hiện sớm, trong vòng 24 giờ sau sinh.
Biểu hiện của vàng da sơ sinh bệnh lý là vàng da đậm xuất hiện sớm, không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng, mức độ vàng toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt. Đồng thời với vàng da, có sự xuất hiện của các triệu chứng bất thường khác như: trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật...
Việc xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng hơn bình thường.Nếu không phát hiện và điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý kịp thời có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh do Bilirubin gián tiếp thấp vào não làm cho trẻ tử vong hoặc bị hại não suốt đời.
Một số nguyên nhân gây vàng da sơ sinh bệnh lý như: Bất đồng nhóm máu mẹ con (ABO, Rh), bệnh lý tan máu (thiếu men G6PD, hồng cầu hình liềm, nhiễm trùng), xuất huyết dưới da, chậm đi phân su, nhiễm virus bào thai, bệnh lý gan mật bẩm sinh (teo đường mật, giãn đường mật).
Bé bị vàng da kéo dài vì… ăn quá nhiều rau củ?
PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Nhiều trường hợp trẻ nhỏ cũng bị vàng da do ăn nhiều các loại chào hầm với các loại rau củ chứa beta carotene trong thời gian dài. Bởi nếu ăn với lượng quá nhiều trong một thời gian thì sẽ dẫn đến việc dư thừa beta carotene, cơ thể không kịp đào thải hết gây vàng da.
Beta carotene là tiền chất vitamin A, có nhiều trong rau củ, trái cây màu đỏ, cam, vàng, như : cà rốt, bí đỏ, cà chua, củ dền, gấc, xoài… Những quả này là những thức ăn bổ dưỡng, dễ tìm mua, dễ chế biến.
Beta carotene là tiền chất vitamin A, có nhiều trong rau củ, trái cây màu đỏ, cam, vàng như : Cà rốt, bí đỏ, cà chua... |
Những trẻ bị vàng da nếu xét nghiệm chức năng gan bình thường thì là do thừa beta caroten, khi đó chỉ cần ngừng ăn các thực phẩm trên một thời gian da sẽ hết vàng, và cũng không nguy hiểm gì đến sức khoẻ của trẻ.
Để tránh tình trạng vàng da do thừa vitamin A, bà mẹ không nên cho ăn quá nhiều các thực phẩm có màu đỏ và vàng như cà rốt, bí đỏ, dầu gấc, đu đủ… Trẻ dưới 2 tuổi một ngày chỉ ăn khoảng 30 – 50g cà rốt, bí đỏ, không quá 100g đu đủ và không quá 5ml dầu gấc mỗi ngày.
Một tuần cũng chỉ ăn 2 – 3 lần các thực phẩm trên mà không nên ăn liên tục; khi ăn cũng chỉ ăn một loại thực phẩm trên mà không nên ăn đồng thời cả bí đỏ , cà rốt, dầu gấc… trong cùng 1 ngày.
"Về thời gian ăn thì không hạn chế vì đây là thực phẩm nên có thể ăn suốt cả cuộc đời, miễn sao không ăn nhiều quá trong một ngày và không ăn liên tục mà nên ngắt quãng, khi thấy có dấu hiệu vàng da thì nên dừng lại, khi hết vàng da có thể ăn tiếp nhưng ăn ít đi.
Bé ăn nhiều rau củ, trái cây là điều tốt nhưng nên đa dạng vì mỗi loại rau củ, trái cây đều chứa những vitamin khác nhau cần thiết cho sức khỏe. Để phát triển tốt, trẻ em không phải chỉ cần mỗi vitamin A. Vì vậy, ngoài các loại rau củ, trái cây các bà mẹ hãy cân đối thêm khẩu phần bằng rau xanh và các loại trái cây khác", BS Hà khuyến cáo.