8% thành phố Châu Á “thông minh về thực phẩm”
Ấn phẩm mới của Ngân hàng Thế giới (WB) có tên “Thực phẩm tốt, thành phố thông minh” kết luận rằng, tại các thành phố tại Châu Á, hệ thống lương thực, thực phẩm có ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, từ các hoạt động cốt lõi như tạo ra việc làm và kinh doanh, đến quản lý chất thải và tắc nghẽn giao thông.
Cuốn sách kêu gọi các thành phố “thông minh hơn để giàu có hơn”, nghĩa là, theo đuổi các chính sách thúc đẩy hệ thống lương thực tin cậy, bao trùm, cạnh tranh và lành mạnh, phù hợp hơn với những thách thức và mong muốn của các thành phố.
Với sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới đã thực hiện cuộc khảo sát có hệ thống đầu tiên về các chính sách lương thực đô thị tại 170 thành phố châu Á thuộc 21 quốc gia.
Kết quả cho thấy chỉ có 8% các thành phố được khảo sát là “thông minh về thực phẩm”, tức là tiếp cận quản lý hệ thống lương thực, thực phẩm mang tính hướng tới tương lai, toàn diện và bao trùm.
Gần 3/4 các thành phố đang ở giai đoạn bắt đầu xem xét quản lý lĩnh vực này một cách có hệ thống hoặc còn đang trong trạng thái thụ động giải quyết các vấn đề phát sinh. Cách tiếp cận ứng phó có thể rất tốn kém, cả về khía cạnh rủi ro đã biết trước và cơ hội bị bỏ lỡ.
Ảnh minh họa |
Ấn phẩm của Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã làm nổi lên những chức năng thiết yếu của các chuỗi cung ứng và doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm tại đô thị và khả năng dễ bị tổn thương của người dân thành thị trước tình trạng mất an ninh lương thực.
Các chuyên gia là tác giả của cuốn “Thực phẩm tốt, thành phố thông minh” cho rằng, nhà quản lý đô thị có vai trò then chốt trong việc định hình tương lai của hệ thống lương thực, thực phẩm và đưa ra một số khuyến nghị.
Việc chuyển từ cách tiếp cận ứng phó sang quản lý chủ động hơn hệ thống thực phẩm sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách đô thị đạt những bước tiến mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng đối với người dân, từ tiếp cận thực phẩm với chi phí hợp lý đến sức khỏe tốt, cơ hội việc làm, giảm thiểu ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông, tạo ra môi trường đáng sống.
Ấn phẩm của WB cũng nhận định: "Nhiều thành phố ở các quốc gia mới nổi ở châu Á là những "điểm nóng" quốc gia, nếu không muốn nói là quốc tế, về các nguy cơ mất an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, rác thải thực phẩm và tích tụ rác thải nhựa".