Ngân hàng Thế giới: Đổi mới sáng tạo là chìa khóa thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững ở Đông Á
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là nhân tố quan trọng để tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Đông Á trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Các quốc gia đang phát triển tại khu vực Đông Á đã có những thành tựu ấn tượng trong tăng trưởng bền vững và giảm nghèo. Tuy nhiên, khi tăng năng suất có dấu hiệu chững lại, thương mại toàn cầu gặp nhiều bất ổn và công nghệ tiến bộ nhanh chóng, để duy trì tăng trưởng kinh tế các quốc gia cần phải chuyển đổi sang những hình thức sản xuất mới và tốt hơn.
Để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách giải quyết thách thức này, báo cáo Đổi mới sáng tạo cho các quốc gia đang phát triển Đông Á xem xét tình hình ứng dụng đổi mới trong khu vực, phân tích những hạn chế chính mà các doanh nghiệp gặp phải và đưa ra chương trình hành động nhằm thúc đẩy tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, mặc dù khu vực Đông Á là cái nôi của nhiều nhân vật nổi bật trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, dữ liệu từ báo cáo rằng cho thấy trừ trường hợp Trung Quốc, các nước trong khu vực đổi mới sáng tạo ở mức độ thấp hơn so với kỳ vọng dành cho các quốc gia có mức thu nhập bình quân tương tự. Hầu như các công ty còn chưa đạt tới ranh giới công nghệ cao. Khu vực này đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến về độ phủ và cường độ sử dụng công nghệ mới.
Tại buổi thảo luận công bố báo cáo, ông Xavier Cirera, một trong những tác giả chính của báo cáo cho biết: "Bên cạnh một số ví dụ đáng chú ý, đại đa số các công ty trong tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á hiện không tìm tòi đổi mới. Do đó, cần phải có một mô hình đổi mới trên diện rộng - hỗ trợ một lượng lớn các công ty áp dụng các công nghệ mới, đồng thời cho phép các công ty đã đạt trình độ phát triển cao thực hiện các dự án đòi hỏi hàm lượng sáng tạo lớn”.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham gia phát biểu tại buổi thảo luận công bố báo cáo |
Báo cáo cũng chỉ ra một số yếu tố cản trở quá trình đổi mới trong khu vực, bao gồm thông tin không đầy đủ về công nghệ mới, sự không chắc chắn về lợi nhuận cho các dự án đổi mới, khả năng của các công ty còn yếu, trình độ nhân viên chưa cao và hạn chế lựa chọn các phương án tài chính. Ngoài ra, các chính sách và thể chế đổi mới hiện hành không phù hợp với khả năng và nhu cầu của doanh nghiệp.
Để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, các chuyên gia cho rằng các nước cần định hướng lại chính sách để thúc đẩy sự “khuếch tán” của các công nghệ hiện có, không chỉ riêng sáng chế; hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực dịch vụ, không chỉ riêng ngành sản xuất và nâng cao khả năng sáng tạo của doanh nghiệp. Thực hiện các chính sách đổi mới sáng tạo ở phạm vi bao quát hơn sẽ rất quan trọng để tăng năng suất cho một số lượng lớn các công ty trong khu vực.
Các quốc gia cũng cần tăng cường các yếu tố bổ trợ cho đổi mới sáng tạo, bao gồm kỹ năng của người lao động và các công cụ tài chính để tài trợ cho các dự án đổi mới; Xây dựng mối liên kết mạnh hơn giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp cũng sẽ là nhiệm vụ cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo trong khu vực.
Tham dự buổi thảo luận công bố báo cáo, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam cho rằng đây là một báo cáo toàn diện, chi tiết và Việt Nam đã tìm được rất nhiều những thông tin hữu ích để có thêm những ý tưởng mới đưa vào khuyến nghị chính sách trong thời gian tới.
Ông Kiên cũng cho rằng, Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động đông đảo và dồi dào nhưng nguồn lao động này lại thiếu chuyên môn sâu và có trình độ cao về mặt công nghệ để có thể chủ động áp dụng đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Do đó, nếu muốn thực hiện đổi mới sáng tạo thì đòi hỏi Việt Nam phải dịch chuyển cơ cấu kinh tế vĩ mô và cơ cấu kinh tế nội ngành gắn với giáo dục và những chính sách này đòi hỏi Việt Nam thực hiện trong một khoảng thời gian dài từ 10-15 năm chứ không thể áp dụng ngay lập tức.