Xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân phải dựa trên quy định nào?
Chủ tịch nước quyết định đặc xá hơn 3.000 phạm nhân dịp 2/9 Hà Nội: Sẵn sàng cho ngày đặc xá dịp 2/9 của các phạm nhân Hà Nội: Thiết lập “vùng an toàn” ở Trại tạm giam, Nhà tạm giữ |
5 cán bộ Tòa án tỉnh Quảng Ninh bị kỷ luật
Vụ án đánh bạc với quy mô lớn qua game bài Rikvip/Tip.club đã được TAND tỉnh Phú Thọ xét xử sơ thẩm vào tháng 11/2018. 92 bị cáo trong vụ án đã bị tuyên phạt các tội: Đánh bạc; Tổ chức đánh bạc; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ; Mua bán trái phép hóa đơn và Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Phan Sào Nam bị tuyên phạt tổng cộng 5 năm tù cho hai tội "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền".
Theo bản án phúc thẩm, ngày 12/3/2019, Phan Sào Nam bị TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phạt 2 năm tù về tội "Tổ chức đánh bạc", 3 năm tù về tội "Rửa tiền", tổng cộng buộc phải thi hành 5 năm tù, phải khắc phục hơn 1.475 tỷ đồng. Đến tháng 4/2020, trong khi chấp hành án tại Quảng Ninh, phạm nhân Phan Sào Nam đã được TAND tỉnh Quảng Ninh ra các quyết định giảm thời gian chấp hành án phạt tù với thời gian 19 tháng.
Ngày 6/2/2021, Phan Sào Nam ra trại sớm 22 tháng so với thời hạn sau khi được TAND tỉnh Quảng Ninh lần thứ hai chấp nhận đề nghị của Trại giam Quảng Ninh, giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại là 3 tháng 7 ngày. Tuy nhiên, đến tháng 4, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm với 2 quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong năm 2020 và 2021 của TAND tỉnh Quảng Ninh với Phan Sào Nam.
Phan Sào Nam tại phiên tòa sơ thẩm tháng 11/2018 |
Ngày 9/9, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã họp xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trong việc xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân Phan Sào Nam tại Trại giam Quảng Ninh.
UBKT Trung ương đã công bố quyết định kỷ luật đối với Ban Cán sự Đảng (BCSĐ), Bí thư BCSĐ các nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025, một số ủy viên BCSĐ, lãnh đạo và cán bộ TAND tỉnh Quảng Ninh, do đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; Vi phạm các quy chế làm việc của Tỉnh ủy, BCSĐ TAND tỉnh Quảng Ninh; Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong việc xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân Phan Sào Nam khi không đủ điều kiện.
UBKT Trung ương cũng quyết định cảnh cáo các đồng chí: Hoàng Văn Tiền, Chánh án TAND tỉnh; Phạm Thị Hương Giang, Phó Chánh án TAND tỉnh; Nguyễn Trí Chinh, Phó Chánh án TAND tỉnh; Nguyễn Thúy Hằng, Chánh tòa Dân sự và Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án, TAND tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời, UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, BCSĐ TAND tối cao, BCSĐ VKSND tối cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Quảng Ninh, Phú Thọ chỉ đạo xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm liên quan đến việc xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân Phan Sào Nam, báo cáo kết quả thực hiện về UBKT Trung ương.
Có thể bị xem xét tội ra quyết định trái pháp luật
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về những quy định trong việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla, cho biết: Theo quy định tại Điều 6 và 8 của Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND tối cao và VKSND tối cao hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân, thì điều kiện để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có mức án 5 năm bao gồm: Phạm nhân đã chấp hành được 1/3 thời hạn phạt tù và phải có ít nhất 6 tháng hoặc 2 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. Nếu thuộc trường hợp đặc biệt được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì phạm nhân phải “lập công” hoặc phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo hay đã quá già yếu.
Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla |
Thứ hai, nguyên tắc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cũng được quy định rõ tại Điều 3 Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC, theo đó thì việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cần tuân thủ quy định của pháp luật; Bảo đảm tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa, khách quan, công bằng và có tác dụng khuyến khích phạm nhân thi đua cải tạo tiến bộ; Phải căn cứ vào kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù, tính chất và mức độ phạm tội, độ tuổi và các đặc điểm nhân thân khác của phạm nhân.
Ngoài ra, những phạm nhân phạm tội lần đầu, cải tạo tốt, lập công chuộc tội được xét, đề nghị và quyết định mức giảm cao hơn những phạm nhân khác. Những phạm nhân bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân, phạm nhân có nhiều tiền án, nhân thân xấu, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm thì phải có nhiều thời gian thử thách hơn và phải xem xét rất chặt chẽ với mức giảm thấp hơn so với phạm nhân khác.
Cơ quan có thẩm quyền đề nghị việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù là các cơ quan thi hành án hình sự như: Công an cấp tỉnh; Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an; Bộ Quốc phòng khi đã được Hội đồng thẩm định của Cơ quan thi hành án Công an cấp tỉnh, cấp quân khu; Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng duyệt. Tòa án Nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền tiến hành thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
“Như vậy, đối với trường hợp cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đề xuất, ban hành quyết định xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân chưa đủ điều kiện theo quy định tại Điều 6, Điều 8 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC thì có thể bị xem xét là hành vi xâm phạm sự “đúng đắn” của hoạt động tố tụng và thi hành án.
Điều 371, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội “Ra quyết định trái pháp luật": Hành vi ra quyết định trái pháp luật, được hiểu là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động thi hành án và ban hành quyết định mà biết rõ là quyết định đó không đúng với quy định pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm”, luật sư Trương Quốc Hòe nói.
Điều 371. Tội ra quyết định trái pháp luật 1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 368, 369, 370, 377 và 378 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. |