Xây dựng nông thôn mới có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cùng đoàn công tác tham quan mô hình sản xuất bưởi hữu cơ tại xã Nam Phương Tiến
Bài liên quan
Khống chế dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm số một
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy kiểm tra sản xuất nông nghiệp và kiểm dịch tại Sóc Sơn
Hà Nội – Bắc Ninh: Tăng cường kết nối, hợp tác, phát triển
Bồi dưỡng kinh nghiệm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cho cán bộ nguồn
Trước khi làm việc với lãnh đạo huyện Chương Mỹ, đoàn công tác đã đi tham quan hai mô hình sản xuất bưởi hữu cơ tại thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến(Chương Mỹ). Đây là hai mô hình trồng bưởi cho hiệu quả kinh tế cao của huyện Chương Mỹ.
Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội trong sáu tháng đầu năm 2019, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Thành Ủy – HĐND – UBND thành phố Hà Nội, cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, công tác xây dựng nông thôn mới có nhiều kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn, đời sống nông dân trong huyện đã có nhiều đổi mới. Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực nông thôn của huyện, nhất là các xã xa trung tâm huyện vẫn còn khó khăn, hạn chế như công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi còn chậm, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, thiên tai dịch bệnh kéo dài gây thiệt hại lớn trong sản xuất và đời sống nhân dân.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu tại Hội nghị |
Về công tác phát triển nông nghiệp, hiện diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân của huyện được 13.726 ha, đạt 58,8% kế hoạch năm và bằng 104,3% so với cùng kì năm trước. Trong đó, huyện đã triển khai các mô hình phát triển kinh tế theo chương trình khuyến nông thành phố hỗ trợ như: Mô hình trình diễn máy cấy vụ Xuân tại xã Nam Phương Tiến với diện tích cấy máy là 50ha; Mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ sông trong ao với quy mô 2ha tại xã Trung Hòa và Thanh Bình; mô hình xử lý rơm rạ tại ruộng sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học với quy mô 50 ha, 399 hộ tham gia...
Về phát triển chăn nuôi, hiện tổng đàn lợn trên địa bàn huyện có 248.202 con, tăng 48,4% so với cùng kì năm trước; đàn bò có 16,7 nghìn con, tăng 1,2% so với cùng kì; đàn gia cầm có 4.210 nghìn con, tăng 0,7% so với cùng kì. Giá thực phẩm trâu, bò và gia cầm trên địa bàn huyện khá ổn định, trong khi đó giá thịt lợn hơi giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, có thời điểm chỉ khoảng 30.000 đồng/kg. Do đó, tỷ trọng ngành chăn nuôi trong toàn ngành nông nghiệp giảm so với cùng kì năm 2018.
Đối với công tác xây dựng nông thôn mới, Chương Mỹ có 25/30 xã về đích nông thôn mới. 5 xã còn lại đã đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Tính đến tháng 6/2019 cả 5 xã đều đạt và cơ bản đạt từ 16-17 tiêu chí (xã Tốt Động; Tiên Phương, Phụng Châu đạt và cơ bản đạt 17 tiêu chí; xã Hoàng Văn Thụ; Thanh Bình; đạt và cơ bản đạt 16 tiêu chí).
Đoàn công tác tham quan mô hình trồng bưởi Diễn tôm vàng của gia đình anh Phùng Văn Hà tại thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến (Hà Nội) |
Báo cáo về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện, đồng chí Nguyễn Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ cho biết: Chương Mỹ là huyện thứ 8 của thành phố phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi. Ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại xã Lam Điền, ngày 22/3/2019. Tính đến ngày 4/6 dịch đã xảy ra tại 32/32 xã, thị trấn, 171/216 thôn, với 1.247/6.956 hộ chăn nuôi (chiếm 17,9% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi). Tổng số lợn phải tiêu hủy 15.817 con (chiếm 6,37% tổng đàn), trọng lượng tiêu hủy 1.105 tấn.
Các xã có ổ dịch bùng phát nhiều và phải tiêu hủy số đầu gia súc lớn gồm: Đông Sơn (116 ổ dịch, tiêu hủy 1.848 con), Nam Phương Tiến (94 ổ dịch, tiêu hủy 1.226 con), Tân Tiến (93 ổ dịch, tiêu hủy 1.219 con). Trong số 1.247 ổ dịch, có 2 trang trại chăn nuôi lớn (hộ gia đình ông Trần Văn Khanh, xã Đông Sơn 550 con; hộ gia đình bà Đào Xuân Nga, xã Hoàng Diệu 662 con); 64 gia trại ngoài khu dân cư và 1.180 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Nói về các phương án ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Minh Ngọc nhấn mạnh: Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ lấy mẫu, dụng cụ chuyên ngành và bảo hộ lao động trong quá trình phòng, chống dịch. Song song với đó sẽ triển khai các đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trong môi trường theo đúng kế hoạch, yêu cầu kỹ thuật. Đồng thời, hướng dẫn các hộ, gia trại, trang trại chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Kiểm soát người và phương tiện ra vào trại...
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại địa bàn, nghe đại diện lãnh đạo huyện Chương Mỹ báo cáo, các ý kiến phát biểu của các đại biểu, kiến nghị của huyện, của các xã, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chương Mỹ trong triển khai thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực thăm mô hình trồng bưởi hữu cơ tại xã Nam Phương Tiến |
Nói về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh: Trước mắt, tập trung dập dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn. Trong đó, các đồng chí lãnh đạo huyện, các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi. Trong vùng đang xảy ra dịch, khuyến cáo nhân dân tuyệt đối không được nhập, tái đàn mới. Đặc biệt nghiêm cấm các cơ sở chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tái đàn khi chưa công bố hết dịch...
Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu Chương trình 02 của Thành ủy, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Ban chỉ đạo huyện Chương Mỹ cần tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực để người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Các xã đã đạt nông thôn mới thì phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với đó, huyện phải đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm để góp phần gia tăng giá trị sản xuất. Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức, làm tốt công tác phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và làm tốt công tác bảo vệ quốc phòng, an ninh...
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương