Vẽ bức tranh làng quê bằng sự chung sức, đồng lòng
Đoàn đồng hành cùng thanh niên xây dựng những “Làng quê đáng sống” Trái ngọt OCOP của làng quê Hà thành ven dòng sông Hồng |
Niềm tự hào trên quê hương Nông thôn mới
Là địa phương điển hình trong xây dựng Nông thôn mới của huyện Ứng Hòa, xã Liên Bạt là xã đầu tiên đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Trò chuyện với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, Bí thư Đảng ủy xã Liên Bạt Nguyễn Anh Tuấn phấn khởi chia sẻ: “Nhờ sự chung sức, đồng lòng, sẵn sàng vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, xã Liên Bạt sớm về đích các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới và đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Cuộc sống của bà con Nhân dân đã có nhiều khởi sắc. Thu nhập bình quân đạt 75 triệu đồng/người/năm; cao hơn mức bình quân của huyện”.
Xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa đổi thay từng ngày nhờ chương trình xây dựng Nông thôn mới |
Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng Nông thôn mới, Đảng ủy xã Liên Bạt đã chỉ đạo cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện để người dân làm theo và đã dần thành nếp trong hầu hết các gia đình ở địa phương.
Nhiều công trình công cộng, nhà ở của dân được xây dựng mới khang trang, bền vững; trình độ dân trí, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao… Để đạt được thành quả này phải kể đến những việc làm thiết thực mà người dân trong xã luôn hưởng ứng như hiến đất, góp công, góp của xây dựng công trình văn hóa…
Ở Liên Bạt, nhà ai có điều kiện thì hiến đất mở rộng ngõ. Các gia đình khác thì đóng góp kinh phí xây dựng cổng làng, giao thông nông thôn. Nhờ sự chung sức, đồng lòng ấy mà Liên Bạt ngày càng đổi thay từ nếp sống đến cảnh quan...
Người dân xã Liên Bạt chung sức, đồng lòng xây dựng Nông thôn mới |
Ngoài ra, người dân thực hiện tốt quy tắc ứng xử nơi công cộng, toàn xã có 8/8 làng đều được công nhận Làng văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục ở địa phương, bảo vệ và phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng.
Không chỉ có Liên Bạt, sự chung sức, đồng lòng cũng là chìa khóa để nhiều địa phương khác của huyện nhanh chóng về đích mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Như tại xã Hoa Sơn, để đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Kim Chung cho biết, kinh nghiệm của địa phương là tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của Trung ương, thành phố và huyện. Bên cạnh đó, địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp, nguồn lực nội sinh từ sự chủ động, đoàn kết, quyết tâm, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương…
Xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa nhìn từ trên cao |
Trong sản xuất nông nghiệp, xã Hoa Sơn quy hoạch đất trồng lúa còn khoảng 360ha, ngoài ra, xã tập trung phát triển các vùng chuyên canh rau màu và trồng giống lúa J02 theo tiêu chuẩn VietGAP; đưa chăn nuôi tập trung xa khu dân cư để bảo đảm môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương; phối hợp với hội đoàn thể xã mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp...
Xây dựng Nông thôn mới hiện đại, bền vững
Ghi nhận những nỗ lực của địa phương, mới đây, ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1224/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Ứng Hoà, đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Ứng Hoà tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng Nông thôn mới.
Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi khang trang, hiện đại minh chứng cho cuộc sống ngày càng khá giả của bà con nơi đây |
Để có được thành quả hôm nay là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương trong suốt hành trình hơn 10 năm qua. Vốn là huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp nên khi bắt đầu thực hiện, huyện Ứng Hòa đã từng gặp rất nhiều khó khăn. So với bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, khi đó, hầu như các xã đều chỉ đạt 1/19 tiêu chí; 6/19 tiêu chí đạt trên 50%, 12/19 tiêu chí chưa đạt hoặc đạt thấp...
Cùng với phát huy tinh thần đoàn kết, tranh thủ mọi nguồn lực, bám sát Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020 và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021-2025, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng Nông thôn mới của huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân...
Người dân Ứng Hòa gặt lúa |
Vui mừng, phấn khởi bởi sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương được ghi nhận, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết bồi hồi chia sẻ: “Quá trình triển khai, huyện luôn xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, được đặt lên hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức trong Nhân dân về ý nghĩa, tác dụng của xây dựng Nông thôn mới, qua đó huy động được sức mạnh toàn dân.
Cùng với đó, huyện phát huy tối đa quy chế dân chủ trong xây dựng Nông thôn mới; thực hiện công khai, minh bạch các nguồn lực để người dân bàn bạc, quyết định, kiểm tra, giám sát và chính người dân được thụ hưởng thành quả xây dựng Nông thôn mới. Vì vậy, Nhân dân đã vào cuộc tích cực, tham gia góp công sức, tiền của cùng chính quyền địa phương tạo thêm nguồn lực đầu tư, hoàn thiện các công trình xây dựng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, đến nay huyện Ứng Hòa đã có 28/28 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, 3/28 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, thị trấn Vân Đình đạt chuẩn đô thị văn minh và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện Nông thôn mới. Tổng nguồn vốn huy động giai đoạn từ 2010 đến hết năm 2022 của huyện Ứng Hòa là 8.491.580 triệu đồng.
Ngoài nghề nông, phát triển làng nghề, nuôi trồng thủy sản cũng đem lại mức thu nhập đáng kể cho người dân |
Thu nhập bình quân của người dân toàn huyện tăng từ 12,38 triệu đồng/người/năm (2010) lên 61,527 triệu đồng/người/năm (2022), tăng 49,147 triệu đồng so với năm 2010. Từ năm 2010 đến nay huyện đã đầu tư 1.429.750 triệu đồng xây mới, cải tạo nâng cấp 388,84km đường giao thông nông thôn (gồm 73,9km đường trục xã, liên xã; 47,67km đường trục thôn
Hệ thống trường học trên địa bàn huyện ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, mạng lưới, quy mô trường lớp đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn huyện, chất lượng giáo dục đào tạo được nâng cao. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 145/145 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, điểm sinh hoạt cộng đồng với cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân địa phương.
“Những thành quả này là nền tảng, động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ứng Hòa tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Huyện đặt ra mục tiêu xây dựng Nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc.
Ứng Hòa phấn đấu đến hết năm 2025, có 15 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao (chiếm 53,6%); 8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 28,6%)”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Thiết nhấn mạnh.