Đoàn đồng hành cùng thanh niên xây dựng những “Làng quê đáng sống”
11.012 điểm cầu tiếp sóng diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn” |
Gửi tâm tư đến diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn” diễn ra chiều 17/3 do Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức, bạn Nguyễn Văn Trường, Bí thư Đoàn xã Tân Bình (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) tâm sự: “Là một thanh niên sinh ra và lớn lên ở khu vực nông thôn, giàu bản sắc, văn hóa, người dân hài hòa thân thiện. Mình mong muốn làng quê tạo ra bản sắc riêng thu hút người dân xa quê quay trở về cũng như khách phương xa tìm đến trải nghiệm. Từ đó, sản phẩm từ làng được tiêu thụ nhiều hơn, ưa chuộng hơn, thu nhập người dân được nâng thêm”.
Ban Bí thư Trung ương Đoàn tham dự diễn đàn |
Bạn Trường băn khoăn: “Trung ương Đoàn có kế hoạch, hướng dẫn nào, hay dự định gì để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới thôn bản trở thành những “Làng quê đáng sống” hay không?”.
Trước câu hỏi của bạn Trường, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cho biết, câu hỏi của bạn Trường cũng là nhiệm vụ rất quan trọng Trung ương Đoàn đang triển khai xây dựng nông thôn và xây dựng thôn bản trở thành “Làng quê đáng sống”.
“Để phát huy vai trò của thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng nông thôn mới thôn, bản trở thành những “Làng quê đáng sống”, Trung ương Đoàn triển khai nhiều nội dung, nhiệm vụ. Ngay từ đầu năm, Trung ương Đoàn có hướng dẫn các cấp bộ Đoàn trong việc triển phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, từ đó các cấp bộ Đoàn chọn lựa những giải pháp cụ thể để triển khai cho phù hợp với từng địa phương, đơn vị”, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương chia sẻ.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương, ngày 12/3/2023 vừa qua, các cấp bộ Đoàn đã triển khai đồng loạt trên toàn quốc “Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới”; mỗi cấp bộ Đoàn, mỗi đoàn viên thanh niên nông thôn có việc làm cụ thể để xây dựng thôn, bản trở thành “Làng quê đáng sống”.
Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương |
Đặc biệt, sau khi dịch bệnh COVID-19 ổn định, rất nhiều lao động từ thành phố lớn về quê không trở lại làm việc. Vì vậy tổ chức Đoàn, ngoài việc vận động người lao động trở lại thành phố làm việc thì cũng có giải pháp để hỗ trợ cho những thanh niên ở lại lập nghiệp ngay trên chính quê hương mình, như: Tư vấn hỗ trợ kiến thức, giới thiệu mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Bên cạnh đó hỗ trợ vốn thông qua vốn 120, vốn ủy thác, vốn ưu đãi khác…
Trung ương Đoàn cũng khuyến khích tổ chức đoàn tham mưu cấp ủy chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan để giới thiệu vốn cho đoàn viên thanh niên nông thôn khởi nghiệp, lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Lan tỏa rộng rãi giá trị văn hóa
Quan tâm đến việc lan tỏa rộng rãi giá trị văn hóa, nhiều bạn trẻ mong muốn được Ban Bí thư Trung ương Đoàn chia sẻ những giải pháp để thanh thiếu nhi ngày nay có cơ hội được tìm hiểu và quan tâm nhiều hơn nữa đến các giá trị truyền thống, đạo đức, lối sống văn hóa, lịch sử cách mạng của dân tộc trong bối cảnh hội nhập văn hoá ngày càng sâu rộng?
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết |
Trả lời câu hỏi này, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết cho biết, đây là một nội dung mà Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII rất quan tâm, thảo luận, đưa ra giải pháp để đoàn viên thanh niên có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức về lịch sử, văn hóa đất nước.
Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, một trong những giải pháp để tạo điều kiện cho các bạn trẻ tiếp cận nhiều hơn đó là đưa được các nội dung về giáo dục lịch sử, văn hóa đất nước đến gần với thanh niên thông qua những giải pháp về số. Làm sao để hình thức gần gũi, dễ nhớ, dễ tiếp cận, dễ tham gia hơn là vấn đề cần quan tâm và đầu tư. Bằng tình yêu với văn hóa, lịch sử, các bạn trẻ không chỉ tiếp nhận thông tin mà đã từng bước sản xuất nội dung hiện đại, rất gần gũi về các kiến thức, nội dung về văn hóa, lịch sử dân tộc.
Toàn cảnh diễn đàn |
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cũng nhấn mạnh, khi nhắc đến việc tiếp cận giá trị truyền thống, có 2 hình thức cơ bản: Trực tiếp và trực tuyến. Nếu tiếp cận trực tiếp thì chi phí cao hơn rất nhiều. Hiện nay, hình thức các cấp bộ Đoàn đang làm để quảng bá văn hóa là giới thiệu di tích lịch sử, thành lập đội hình tình nguyện để giới thiệu, quảng bá văn hóa. Đã có một số cơ sở làm rất tốt việc này. Với giải pháp trực tuyến, cần làm mạnh mẽ hơn chuyện số hóa các di tích lịch sử, tổ chức các cuộc thi để lan truyền rộng rãi giá trị văn hóa.