Từ vụ đòi tiền sau hẹn hò, bàn về văn hóa ga lăng...
Từ cốc nước mía đến ly sữa chua
Mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng xôn xao câu chuyện một thanh niên đi xe SH đòi 10 nghìn đồng nước mía sau buổi hẹn hò.
Chàng du học sinh Nhật Bản nhắn tin đòi bạn gái 35 nghìn đồng tiền sữa chua |
“Sau khi ăn xong anh ấy hỏi đi đâu nữa không em bảo đi uống nước và anh ý dẫn đi uống nước mía. Được một lúc nhìn đồng hồ 22h15 em có bảo chỗ em đóng cửa 23 giờ nên về sớm. Đang đi trên đường đến đoạn có nhiều nhà nghỉ thì anh phóng thẳng vào làm em hết hồn luôn. Em sợ quá nhảy xuống xe và bắt Grab về. Về đến nhà anh nhắn tin đòi 10 nghìn tiền nước mía vừa nãy chưa chia và nhục mạ em”, cô gái bức xúc kể lại tình huống của mình trên mạng xã hội.
Khi câu chuyện thanh niên đòi bạn gái 10 nghìn đồng nước mía còn chưa kịp lắng, thì dân mạng lại “dậy sóng” với bởi một câu chuyện tương tự, chàng du học sinh Nhật Bản nhắn tin đòi bạn gái 35 nghìn đồng tiền sữa chua.
Những tin nhắn đòi tiền sữa chua của người bạn trai được cô gái đưa lên mạng xã hội |
“Khi tôi nói, phải về nhà nấu cơm, anh ấy bỗng quay ngoắt 180 độ, đứng dậy trả tiền sữa chua, rồi đùng đùng đi về, bỏ mặc tôi bơ vơ không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Đúng 12 giờ đêm, anh ấy nhắn tin đòi tiền ly sữa chua đã trả nhưng phải gặp trực tiếp để trả. Dù đã dùng lời lẽ rất lịch sự để đối thoại, nhưng tôi “sốc toàn tập” trước ngôn ngữ tục tĩu, vô văn hóa mà anh ấy dành cho tôi”, cô gái chia sẻ.
Sau khi đọc câu chuyện được đăng tải, bạn Đinh Hồng Hạnh, sinh viên Đại học Công đoàn, Hà Nội bày tỏ ý kiến: “Cách hành xử của bạn nam này không đáng mặt nam nhi. Dù có thế nào đi nữa thì cũng không nên nhục mạ bạn gái khi chính mình là người chủ động hẹn hò”.
Tin nhắn đòi 10 nghìn đồng tiền nước mía của một cặp đôi khác |
Còn bạn Nguyễn Phương Nhung, sinh viên Đại học Ngoại thương, Hà Nội, chia sẻ: “Nước mía 10 nghìn chưa kịp tan thì đến lượt cốc sữa chua 35 nghìn. Đàn ông thời nay sống trong sự văn minh, tiến bộ của nhân loại sao lại có cách hàng xử không thể chấp nhận được như vậy. Hơn nữa, cùng chung một đất nước mà sao cứ mở miệng là ngoại tỉnh thế này, thế nọ. Tôi thực sự "cạn lời”".
Được biết, một trong hai đôi ở trên quen nhau thông qua một ứng dụng hẹn hò trên mạng. Ở góc độ này, bạn Hoàng Mai Anh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Thật khó để đặt niềm tin rằng các ứng dụng hẹn hò sẽ se duyên. Không thể nào có những cuộc hẹn hò siêu tốc từ những ứng dụng như vậy được. Tham gia cho vui thì được, chứ còn trông đợi sẽ có tình yêu, tìm được người trong mộng thì rất khó.
Ngay từ đầu, chàng trai đến với cô gái bằng chủ đích khác, nhưng khi chủ đích đưa cô gái vào nhà nghỉ bất thành thì các chàng trai "lật mặt" đòi tiền. Nghĩ sao 12 giờ đêm gọi con gái nhà người ta ra trả tiền ly sữa chua 35 nghìn đồng. Ứng dụng hẹn hò cũng như là mạng xã hội ảo nên khi các bạn nữ tham gia, phải cảnh giác, cận trọng kẻo trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo, lừa tình”.
Bàn về văn hóa ga lăng
Trước những ồn ào về việc đòi tiền trên mạng, nhiều người đặt ra câu hỏi về văn hóa ga lăng của đàn ông thời nay. Nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa ga lăng luôn tồn tại trong mỗi đàn ông nhưng nó tồn tại ở hai dạng, ga lăng “tự nhiên” và ga lăng có chủ đích.
Chị Đoàn Thị Mai Trang (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi khi nghĩ đến từ ga lăng, tôi thường liên tưởng đến từ gentleman. Một người ga lăng đúng nghĩa phải là một gentleman - một quý ông. Nghĩa là, những cử chỉ, hành động ga lăng của họ không phải để “làm màu” để chứng tỏ hay cưa cẩm mà xuất phát từ bản chất, suy nghĩ và sự thấu hiểu rằng phụ nữ là để nâng niu, mình là đàn ông lịch lãm thì phải nhường nhịn, tử tế và hỗ trợ họ trong những hoạt động cần thiết. Tóm lại là không vụ lợi hay lừa lọc nhau. Còn đàn đông ga lăng có chủ đích, mới thực sự khiến chị em e sợ”.
Chị Lê Huyền, chuyên viên truyền thông (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng: “Những đàn ông ga lăng có chủ đích trông cũng như bao anh khác nhưng khác biệt ở lời ăn tiếng nói, hành động. Về cơ bản, mức độ ân cần của anh đó phụ thuộc vào người phụ nữ trước mặt là ai, có xinh xắn, nóng bỏng và đáng để ga lăng hay không?”.
Thường thì, ga lăng có chủ đích mang tính đưa đẩy, chèo kéo phụ nữ nhiều hơn chứ không chỉ đơn giản là việc làm tốt chẳng trông chờ báo đáp. Chẳng thiếu những anh chỉ xun xoe săn đón phụ nữ đẹp, còn những cô “nhàng nhàng” thì coi như không tồn tại. Thậm chí, họ còn nặng lời và sỗ sàng với phụ nữ. Đàn ông kiểu này thì không coi sự ân cần thấu hiểu phụ nữ là phẩm chất, mà coi đó là phương tiện để mang đi chinh phục, để đạt được mục đích cá nhân”, chị Lê Huyền chia sẻ thêm.
Nhìn dưới góc độ tâm lý học, TS Trịnh Thị Lý, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Thời gian gần đây, một bộ phận lớn giới trẻ có lối sống vị kỷ. Cũng từ bộ phận này, hình thành lên những cách ứng xử, hành động kém văn minh, thiếu ga lăng khiến cộng đồng phải lên án.
Nhìn từ hai vụ việc trên, 10, 20 hay 30 nghìn đồng không phải là số tiền lớn nhưng nó đã “lột trần” bộ mặt giả tạo và sự ga lăng có chủ đích của hai thanh niên kia. Đặc biệt là vụ việc bạn trai đưa bạn gái đi uống nước rồi phi thẳng vào nhà nghỉ và về đòi lại 10 nghìn nước mía".
Cũng theo TS. Lý, việc hẹn hò, gặp mặt của hai thanh niên này không phải mục đích để tìm hiểu, chia sẻ lẫn nhau mà chủ đích chỉ để thỏa mãn quan hệ tình dục.
“Kiểu hẹn hò, yêu đương này không có chút cảm xúc nào cả. Rõ ràng có thể thấy thái độ của hai bạn nam rất thiếu tôn trọng bạn gái, thiếu tôn trọng mối quan hệ cũng như cảm xúc yêu thương. Khi không đạt được mục đích thì những chàng trai quay sang nhục mạ các cô gái. Nói không quá, điều này đang minh chứng cho sự thấp học.
Ích kỉ, chỉ biết biết đến nhu cầu, mục đích cá nhân, liên tục nhục mạ người bạn gái mới quen, đòi tiền khi không đạt được mục đích của bản thân… câu chuyện này không chỉ còn là vấn đề riêng về sự ga lăng của đàn ông mà là hồi chuông cảnh báo cho sự giáo dục, định hướng sống giới trẻ hiện nay”, TS Trịnh Thị Lý bày tỏ quan điểm.
Bài 5: Để văn hóa Hà Nội lan tỏa mạnh mẽ... TTTĐ - Với họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, yêu là phải thể hiện, phải làm bật được tình yêu ấy, để những nét đẹp, để ... |