Trẻ suýt mù lòa do phụ huynh không phát hiện sớm
Tỷ lệ chữa được lác khá cao nếu được phát hiện sớm
TS.BS Lê Thúy Quỳnh, Trung tâm Mắt kỹ thuật cao - Bệnh viện Đông Đô cho biết, lác mắt hay lé mắt là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn. Đây là tình trạng hai mắt nhìn nhưng không thẳng hàng, không cùng một phía mà theo các hướng khác nhau.
Một mắt có thể nhìn thẳng về trước, trong khi mắt kia có thể nhìn vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Bệnh có nhiều nguyên nhân, trong đó 30% có tính di truyền trong gia đình.
Bệnh lác ở trẻ phát hiện sớm có thể chữa khỏi |
"Cha mẹ không nên chủ quan khi thấy con bị lác mắt vì đó có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm, trong đó có đục thủy tinh thể bẩm sinh dẫn đến tế bào thị giác của trẻ sẽ thoái hóa và rất khó phục hồi. Ngoài ra, các tật khúc xạ như viễn thị, loạn thị hoặc viễn - loạn thị phối hợp cũng gây lác mắt ở trẻ em, nhất là khi khúc xạ hai mắt lệch nhau" - bác sĩ Quỳnh nói.
Chưa đầy 5 tuổi nhưng mắt trái của bệnh nhi N.G.L (ở Bắc Ninh) gần như không nhìn thấy gì. Mẹ bệnh nhi cho biết lúc 3 tuổi bé đã được phát hiện tật khúc xạ với 2 mắt chênh nhau hơn 2 độ.
Cách đây vài tháng, gia đình mới phát hiện cháu có dấu hiệu hay nhìn lệch, nghiêng đầu khi quan sát, thường nheo mắt, nháy mắt, hai mắt nhìn theo 2 hướng khác nhau.
Khi đi khám, bác sĩ phát hiện ngoài lác mắt, bệnh nhi còn bị nhược thị. Bệnh nhi có chỉ định tập nhược thị để mắt phục hồi thị lực, sau đó mới phẫu thuật để chỉnh lại độ lác.
Tỷ lệ chữa được lác khá cao, tuy nhiên khả năng này còn phụ thuộc vào việc trẻ có được điều trị sớm hay không. Trước khi tiến hành điều trị, trẻ cần được đánh giá về chức năng của mắt, đo độ lác, chẩn đoán hình thái và các biểu hiện bất thường của nhãn cầu.
Bác sĩ Phạm Xuân Tịnh, Khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: “Khi các bậc cha mẹ thấy mắt của cháu bất thường như mắt nhìn lệch thì cần đưa trẻ đi khám mắt ngay, đó là trường hợp bị lác.
Lời khuyên cho bố mẹ là đối với tất cả các trẻ, kể cả những trẻ bình thường trước tuổi đi học cần phải được đưa đi khám mắt ít nhất 1 lần. Trông có vẻ bình thường nhưng có thể trẻ sẽ có tật khúc xạ gây ra nhược thị thì điều trị càng sớm càng tốt.
Đối với những ca lác đơn thuần phải có phác đồ điều trị riêng gồm 3 bước: Chỉnh thị, phẫu thuật điều trị lệch trục nhãn cầu và điều trị phục hồi thị giác. Trên thực tế, có bệnh nhân bị một mắt nhưng lại phải mổ 2 mắt và ngược lại, có trường hợp lác 2 mắt mà chỉ cần mổ 1 mắt vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố liên quan".
Cần quan tâm đến thị lực của trẻ
Theo thống kê, ở nước ta có khoảng 2-3 triệu người bị lác. Lác mắt là tình trạng hai mắt không thẳng hàng ở tư thế nguyên phát (nhìn thẳng về phía trước), một mắt lệch so với mắt còn lại. Bệnh xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như tật khúc xạ (cận thị, viễn thị) không được điều trị, tổn thương ở dây thần kinh vận nhãn gây liệt cơ vận nhãn hoặc có các bệnh lý bẩm sinh tại mắt như đục thủy tinh thể…
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, vào mùa hè, trẻ đến khám và mổ mắt lác cũng tăng khoảng 5 lần so với thời điểm khác trong năm. Bình thường, các bác sĩ tại đây chỉ mổ 1 ca/ngày nhưng vào thời điểm nghỉ hè mổ khoảng 5 ca/ngày.
PGS Hà Huy Tài thăm khám cho bệnh nhân 19 tuổi có chỉ định phẫu thuật lác mắt |
PGS.TS Hà Huy Tài, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: "Người dân vẫn quan niệm rằng, mắt lác chỉ là vấn đề thẩm mỹ, do đó để khi trẻ lớn điều trị cũng được. Thậm chí, nếu bác sĩ không phải chuyên khoa mắt cũng sẽ khuyên người bệnh chờ đến lớn hãy đi mổ.
Ngược lai, lác mắt không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị lực. Khi thị lực giảm, khả năng phân biệt khoảng cách kém, các cơ vận nhãn bị rối loạn rất dễ dẫn đến nhược thị. Từ đó, ảnh hưởng nhiều đến việc học tập và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày".
“60-70% trẻ bị lác sẽ kèm theo tật khúc xạ, lác trong kèm theo viễn thị, lác ngoài kèm theo cận thị. Ngược lại, trẻ bị tật khúc xạ cũng dễ gây ra lác mắt. Đặc biệt, hai mắt lệch khúc xạ, tức là hai mắt đeo kính số khác nhau càng dễ gây ra lác. Có những trường hợp, trẻ đến khám kính vì tật khúc xạ nhưng bác sĩ lại phát hiện ra bị lác”, PGS.TS Hà Huy Tài lưu ý thêm.
Hiện có 2 phương pháp chính điều trị lác mắt là chỉnh kính và phẫu thuật. Trong đó, phương pháp phẫu thuật chỉnh mắt lác được áp dụng khi các phương pháp trên không đạt được kết quả mong muốn hoặc nguyên nhân gây lác mắt là do bất thường của cơ, thần kinh.
Theo đó, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật điều chỉnh lại các cơ bám trên mắt. Mổ mắt lác thường được tiến hành như một thủ thuật ngoại trú với thời gian dưới 60 phút. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể xuất viện về ngay và tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
Có tới 90% trường hợp lác mắt sẽ được cải thiện lớn về hướng nhìn sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phải phẫu thuật 2 - 3 lần.