Sử dụng những loại thực phẩm bổ dưỡng để có đôi mắt sáng
Báo động “đỏ” thiếu niên mắc tật khúc xạ
Theo PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. Gần 30% trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Kết quả điều tra đánh giá nhanh phòng, chống mù lòa có thể phòng tránh được mới nhất cho thấy, hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 300.000 người mù.
Thực tế cho thấy, gánh nặng mù lòa ngày càng gia tăng đã trở thành vấn đề xã hội. Tình trạng này sẽ gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, mù lòa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, dẫn tới nghèo đói, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế… Theo những nghiên cứu được Bộ Y tế công bố, có trên 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được.
Xem tivi, smart phone, dùng máy tính quá gần trong hơn 3 giờ đồng hồ/ngày khiến thị lực suy giảm |
Đáng lo ngại hơn, số liệu thống kê từ Bệnh viện Mắt Trung ương cũng cho thấy những diễn biến phức tạp, đáng báo động của các tật khúc xạ ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Cụ thể, tỷ lệ mắc tật khúc xạ hiện nay vào khoảng 15 - 20% ở học sinh nông thôn, 30 - 40% ở thành phố.
Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi, cả nước có khoảng gần 15 triệu em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị.
PGS.TS Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, theo các nghiên cứu gần nhất, tỷ lệ cận thị ở trẻ ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố, thậm chí có lớp học trên 50% học sinh bị cận thị.
Khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em trên một số trường tiểu học và trung học cơ sở cho thấy, tại Hà Nội có 51% trẻ mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm khoảng 8% và loạn thị là 5%; tại TP HCM, tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ lên tới hơn 75%, trong đó, số trẻ bị cận thị chiếm gần 53%.
Các loại thực phẩm giúp bảo vệ đôi mắt thế hệ tương lai
Để phòng các tật khúc xạ ở trẻ em, cha mẹ cần lưu ý tăng cường cho trẻ chơi ngoài trời, cho trẻ không gian mở, hạn chế sử dụng các thiết bị có màn hình.
Đồng thời, các phụ huynh cần nhắc nhở trẻ tuân thủ nguyên tắc 20 - 20 - 20, nghĩa là cứ sau 20 phút nhìn màn hình thiết bị điện tử, trẻ nghỉ ít nhất 20 giây và tập trung mắt vào một vật cách xa hơn 20 bộ (khoảng 6m). Ngoài ra, việc bổ sung chế độ dinh dưỡng để trẻ có đôi mắt sáng khoẻ cũng rất quan trọng.
Vitamin A có trong đa dạng các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa |
ThS. BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cho biết: Trong đó, các loại thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật cung cấp các loại vitamin, chất khoáng giúp cho đôi mắt sáng và tăng cường trí nhớ cho trẻ.
Các loại vitamin A cần cho sự tăng trưởng, giúp sáng mắt, tăng cường hệ thống miễn, tăng sức đề kháng có nhiều trong gan, lòng đỏ trứng, dầu cá…; tiền vitamin A là betacaroten có nhiều trong các loại củ, quả màu vàng, đỏ: cà rốt, bí đỏ ,gấc, đu đủ, chuối cam và các loại rau xanh đậm như rau ngót, rau muống …
Vitamin E bảo vệ các chất béo trong não khỏi các gốc tự do, đặc biệt là các chất béo omega-3 DHA và EPA, trong đó tập trung ở tế bào thần kinh. Nguồn cung cấp vitamin E tốt nhất: các loại rau mầm, hạnh nhân, ô liu.
Sắt (Fe) là thành phần cấu tạo của hemoglobin (huyết cầu tố) và myoglobin (thành phần của sợi cơ). Ngoài ra, sắt cần thiết cho việc sử dụng năng lượng của tế bào. Thiếu sắt là một nguyên nhân quan trọng của thiếu máu, dẫn đến tình trạng hay mệt mỏi, học kém tập trung và dễ buồn ngủ trong giờ học.
Chất sắt có nhiều trong huyết, gan, thịt, cá hoặc rau xanh như rau giền, rau ngót và các loại đậu. Sắt có nguồn gốc động vật thì dễ hấp thu hơn thực vật.
Kẽm là thành phần của rất nhiều emzyme khác nhau liên quan đến nhiều hoạt động khác nhau trong cơ thể. Kẽm giúp chuyển hóa năng lượng và tổng hợp protein; hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch; hoạt động và chuyển hóa insulin; hấp thu và vận chuyển vitamin A; ảnh hưởng đến tri giác và nhận thức; tăng tốc độ lành vết thương.
Thiếu kẽm sẽ dẫn đến rất nhiều các rối loạn không đặc hiệu như mệt mỏi, chán ăn, giảm thị lực, chậm tăng trưởng do giảm tốc độ tổng hợp ADN và tổng hợp protein, dậy thì chậm, giảm hoạt động của các tuyến nội tiết… Kẽm được cung cấp chủ yếu qua thức ăn động vật như thịt heo bò, cá gia cầm... có nhiều trong các loại hải sản như ngao, hàu, …
Canxi cũng là một chất bổ sung mà hầu hết mọi người nghĩ là có lợi cho xương, nhưng canxi cũng có lợi cho cơ thể theo những cách khác, bao gồm cả trong tinh thần minh mẫn giúp tăng cường trí nhớ và học tập. Sữa, các chế phẩm của sữa, tôm, cua cá… là nguồn cung cấp tốt nhất canxi cho trẻ.