TP HCM: Bất cập tại dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc
Một góc trong dự án Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc
Bài liên quan
Dự án công viên trên… giấy: Hàng ngàn người dân yêu cầu minh bạch
"Những người khốn khổ" vì dự án Công viên văn hóa 2.000 tỷ nằm trên… giấy
Hà Nội quy hoạch khu Công viên văn hoá - vui chơi giải trí, thể thao rộng gần 100 ha ở Hà Đông
Hà Đông sắp có Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao
Nhiều khuất tất
Ngày 20/5/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 426/1998/QĐ-TTg về việc giao 3.811.020 m² đất tại phường Long Bình, Quận 9 cho Công ty Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc để thực hiện dự án Khu Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc (Quận 9). Ngày 16/10/1998, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 937/1998/QĐ-TTg về việc giao 269.167m² đất tại xã Bình An, huyện Thuận An, Bình Dương cho Công ty Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc thực hiện dự án.
Từ năm 1999 - 2012, UBND TP HCM, UBND Quận 9 cùng các cơ quan, Sở ngành ban hành nhiều văn bản liên quan công tác di dời, đền bù, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng. (Tổng số tổ chức, hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án phải di dời là 1.626 hộ. Trong đó, địa bàn Quận 9 có 1.501 hộ và 26 tổ chức; Địa bàn Dĩ An, Bình Dương có 99 hộ).
Bản đồ quy hoạch dự án Khu Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc |
Đến ngày 2/10/2013, UBND TP HCM ban hành Quyết định số 5446/2013/QĐ-UBND về việc điều chỉnh diện tích giao đất cho Công ty Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc là 3.758.140,9m², gồm khu I: 391.940,7m² và khu II: 3.366.200,2m² theo bản đồ hiện trạng vị trí số 15127-1/ĐĐBĐ-CNTĐ do Trung tâm đo đạc bản đồ lập ngày 23/8/2013.
Quá trình thực hiện dự án đã phát sinh nhiều đơn thư khiếu kiện của hàng trăm hộ dân và đến nay vẫn còn nhiều đơn thư chưa giải quyết dứt điểm. Hiện tại, theo Kết luận thanh tra, đa số hộ dân nhận tiền đền bù và đã di dời nhưng cũng có nhiều hộ, tổ chức chưa nhận tiền nên không chịu di dời, đồng thời xảy ra tình trạng nhiều hộ đã nhận tiền nhưng chưa chịu di dời mà tái chiếm đất để sử dụng, dẫn đến dự án đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Gần đây, rất nhiều hộ dân ở phường Long Bình, Quận 9 đồng loạt có đơn gửi đến các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương về việc đề nghị tạm đình chỉ quyết định cưỡng chế thu hồi đất tại dự án Khu Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc vì có nhiều dấu hiệu khuất tất trong quá trình triển khai thực hiện cần làm rõ.
Trong đơn kêu cứu, nhiều hộ dân cho biết: “Chúng tôi là những người dân thuộc diện bị thu hồi đất để thực hiện dự án Khu Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc tại phường Long Bình, Quận 9. Dự án này được triển khai từ năm 1998 theo Quyết định 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao đất cho Công ty Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc (nay là Ban Quản lý dự án Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc) thực hiện đầu tư xây dựng. Trải qua rất nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, dự án bắt đầu tiến hành thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho người dân chúng tôi từ năm 2005 cho đến nay.
Thanh tra thành phố – địa chỉ quen thuộc mà các hộ dân thường xuyên lui tới gửi đơn |
Vừa rồi, chúng tôi nhận được thông báo từ UBND Quận 9 là từ ngày 24/4/2019 đến ngày 31/12/2019 sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất. Việc cưỡng chế thu hồi đất vào thời điểm này là chưa phù hợp với các quy định pháp luật và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của gia đình chúng tôi”.
Đặc biệt đáng chú ý, điều khiến rất nhiều hộ dân vô cùng bức xúc và khó hiểu đó là nhiều hộ chưa hề nhận được quyết định thu hồi đất (quyết định thu hồi đất từng cá nhân hộ gia đình) từ cơ quan có thẩm quyền nhưng lại bất ngờ nhận được thông báo có quyết định cưỡng chế. (?!)
Bà Nguyễn Thị Kiều Lam – một trong số những hộ dân có đất bị thu hồi cho biết: “Gia đình tôi cũng như các hộ dân khác trong khu vực bị cưỡng chế nhiều lần được chính quyền Quận 9 mời lên nhận quyết định cưỡng chế, nhưng chúng tôi không thể nhận. Lý do là khi nhận, đại diện bàn giao quyết định của quận bắt chúng tôi phải ghi vào biên nhận là cam kết tự nguyện bàn giao mặt bằng vào một ngày cụ thể, sau đó mới cho nhận quyết định, trong khi bản thân nội dung việc thu hồi đất ra sao và lý do gì lại bị cưỡng chế mình còn chưa hề được giải thích rõ. Trường hợp UBND Quận 9 có sai sót hay nhầm lẫn gì trong việc cưỡng chế mà chúng tôi lại ký và đồng ý với những sai lầm đó thì chả khác gì “bút sa gà chết””, bà Lam trình bày.
Lộ bất cập
Nhiều hộ dân cho biết, thời hạn cưỡng chế đã đến gần, nhưng họ vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng về giải quyết khiếu nại từ mười mấy năm qua của chính quyền địa phương.
“Kể từ năm 2005 khi các cơ quan chức năng bắt đầu tiến hành thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, tôi cũng như các gia đình trong diện bị thu hồi đất đã gửi biết bao nhiêu đơn khiếu nại, một năm tôi lên làm việc với cơ quan biết bao nhiêu lần và vụ việc này đã kéo dài cả chục năm rồi. Nhưng đến thời điểm hiện tại tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ một câu trả lời hay văn bản cụ thể nào về vấn đề thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư”, một hộ dân bức xúc cho biết.
Còn ông Dương Phú Quí (ngụ phường Long Bình, Quận 9) cho biết: “Cho tới ngày 2/5/2019, chúng tôi đã lên Ban Tiếp Công dân Thành phố đề nghị Ban lắng nghe, góp ý, tiếp nhận khiếu nại, kiến nghị giải quyết. Tuy nhiên, số lần chúng tôi đã lên đây đã là hàng chục lần thì đáng lẽ ra, chúng tôi đã được giải quyết khiếu nại từ lâu nhưng tại sao lại kéo dài cho tới bây giờ? Trong khi mọi thông tin chúng tôi cung cấp là thể hiện ý chí của cả trăm hộ dân trong một dự án quy mô như vậy và yêu cầu giải quyết đều mạch lạc, rõ ràng, có căn cứ”.
Trao đổi với phóng viên, một hộ dân cho biết: “Chúng tôi chỉ biết duy nhất rằng, quyền sử dụng đất của mình bị thu hồi được thể hiện trong Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 20/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó dự án qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, mà văn bản điều chỉnh gần nhất là Quyết định 5446/QĐ-UBND ngày 2/10/2013 của UBND TP HCM nhưng cả hai quyết định rất quan trọng trên, hàm chứa các thông tin về dự án và thu hồi đất thì chúng tôi không nhận được. Vì vậy, chúng tôi không biết nội dung như thế nào dẫn tới quyền lợi chính đáng của chúng tôi đã bị xâm phạm. Tới nay, UBND Quận 9 vẫn chưa thực hiện tống đạt quyết định cưỡng chế cho chúng tôi mà chỉ thông báo bằng miệng việc cưỡng chế thu hồi đất là trái với quy định của pháp luật”.
Việc cho thuê kho bãi trong khu vực dự án đã được Thanh tra thành phố chỉ ra sai phạm |
Trước những bất cập nêu trên, nhiều hộ dân đã đồng loạt có đơn khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền Trung ương và địa phương nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc, kiến nghị tạm đình chỉ quyết định cưỡng chế thu hồi đất; Công khai các quyết định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Niêm yết công khai quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế thu hồi đất; Thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng quy định của pháp luật; Đồng thời giải quyết các khiếu nại của người dân về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định...
Cũng liên quan đến vụ việc này, ngày 27/11, phóng viên đã liên hệ đến UBND Quận 9 và Thanh tra Thành phố để xác minh và làm rõ một số nội dung liên quan. Hiện các đơn vị đã tiếp nhận và báo Tuổi trẻ Thủ đô đang chờ phản hồi từ các đơn vị này.
Hồ sơ của rất nhiều hộ dân cung cấp cho báo Tuổi trẻ Thủ đô. Hiện các hộ dân cho biết, đang nhờ các luật sư vào cuộc hỗ trợ |
Mặc dù thông tin chính thức vẫn đang chờ phản hồi từ phía cơ quan chức năng, thế nhưng với những gì người dân phản ánh đang khiến dư luận hoài nghi về những bất cập, khuất tất tại dự án? Do đó, người dân rất cần các cơ quan, ban ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc thanh tra, xác minh, làm rõ và có thông tin chính thức gửi đến người dân và báo chí, nhằm tránh trường hợp khiếu nại đông người, kéo dài, vượt cấp, tiềm ẩn việc mất an ninh trật tự địa phương và gây bức xúc trong dư luận.
Trước đó, ngày 17/7/2018, Thanh tra TP HCM đã có Kết luận thanh tra số 25/KL-TTTP-P5 về việc thanh tra công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và quản lý sử dụng đất thuộc dự án Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc. Qua đó đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình thực hiện dự án. Tuy nhiên, những bất cập trong việc thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân vẫn còn nhiều điều chưa được làm rõ...