Tin tức trong ngày 21/12: Áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão
Áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão
Trước diễn biến áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão, ngày 20/12, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp triển khai các giải pháp ứng phó.
Thông tin tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, ATNĐ hiện di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Dự kiến, chiều nay (20/12), ATNĐ mạnh lên thành bão. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10.
Chủ động ứng phó ATNĐ sau mạnh dần lên thành bão, Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 46.682 phương tiện với 255.393 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh, không đi vào hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Dù vậy, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), quan sát trên Hệ thống giám sát tàu cá, tính đến trưa ngày 20/12, vẫn còn khoảng 138 tàu thuyền đang hoạt động ở trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ trong vòng 24h giờ tới. Cụ thể, Bình Định 63; Khánh Hòa 21; Phú Yên 41; Quảng Nam 1; Quảng Ngãi 12 (tàu thuyền).
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đánh giá, diễn biến ATNĐ còn phức tạp, kéo dài. Chính vì vậy, đề nghị các bộ ngành, tỉnh, TP tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 41/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo về triển khai công tác ứng phó với ATNĐ.
Nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài chủ trìcuộc họp |
Ông Trần Quang Hoài cũng đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức bắn pháo hiệu để thông báo cho ngư dân chủ động phòng tránh. Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng kích hoạt hệ thống nhắn tin. Tổng cục Thủy sản cung cấp thông tin cho người dân để có phương án bảo vệ lồng bè và nuôi trồng thủy sản.
Các địa phương chủ động phát thông tin về ATNĐ trên các hệ thống giám sát thiên tai của tỉnh, TP. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tuyển khoảng 19,8 triệu người học nghề giai đoạn 2021-2025
Giai đoạn 2021-2025, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đề ra mục tiêu tuyển khoảng 19,8 triệu người học nghề ở các bậc trình độ, trong đó có 3,2 triệu người học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng.
Sau khi hoàn thành các khóa đào tạo nghề, các đơn vị chức năng và địa phương bảo đảm giải quyết việc làm cho ít nhất 85% số người tham gia học nghề, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta đạt khoảng 70% vào năm 2025.
Nhằm đạt mục tiêu nêu trên, các bên liên quan tiếp tục củng cố, sắp xếp hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và nhu cầu học nghề của từng nhóm đối tượng.
Công tác đào tạo nghề lấy người học làm trung tâm, gắn liền với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường. Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, đủ khả năng tiếp thu những kiến thức nghề nghiệp mới để truyền thụ cho học trò.
Hà Nội sẽ thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, thuế
Theo Bộ Tư pháp, triển khai Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hải Dương là 3 địa phương sẽ thực hiện thí điểm liên thông khi có yêu cầu của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.
Từ đó, giúp phát hiện, ngăn chặn các giao dịch giả tạo, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Mặt khác, nghị quyết cũng khuyến khích UBND cấp tỉnh khác thực hiện thí điểm liên thông đối với các thủ tục này.
Nghị quyết số 172/NQ-CP của Chính phủ ra đời với mục tiêu phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận dịch vụ, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Các nhóm công việc các tỉnh, thành phố, nhất là 3 đơn vị thực hiện thí điểm sẽ phải hoàn chỉnh trong thời gian tới gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng, kế hoạch triển khai, hướng dẫn việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, dân cư với cơ sở dữ liệu công chứng bảo đảm việc kết nối liên thông giữa các sở, ban, ngành có liên quan với các tổ chức hành nghề công chứng.
Chuẩn bị cho việc thực hiện công chứng trên môi trường điện tử… Bộ Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra và kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.