Tin tức trong ngày 7/8: Hà Nội phân bổ thêm gần 232.000 liều vắc xin Covid-19 cho các quận, huyện
Hà Nội phân bổ thêm gần 232.000 liều vắc xin Covid-19 cho 30 quận, huyện, thị xã
Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn khẩn số 323/SYT-NYV về việc triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên địa bàn thành phố đợt 8 gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; bệnh viện trong và ngoài công lập; trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã.
Theo đó, căn cứ số lượng vắc xin mà Bộ Y tế cung cấp cho Hà Nội phân bổ thêm 231.950 liều vắc xin phòng Covid-19 cho 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 134.400 liều vắc xin phòng Covid-19 Spikevax (vắc xin Moderna); 17.550 liều vắc xin BNT162b2 (Comirnaty) của Pifzer; 80.000 liều vắc xin AstraZeneca.
Còn lại, 3.360 liều vắc xin Moderna và 1.170 liều vắc xin Pifzer được lưu giữ tại kho của CDC Hà Nội và sẽ được phân bổ tiếp căn cứ vào đối tượng ưu tiên theo Phương án số 170/PA-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Hà Nội phân bổ thêm gần 232.000 liều vắc xin Covid-19 cho 30 quận, huyện, thị xã |
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 các đợt tiếp theo căn cứ đối tượng cần tiêm, đã tiêm, số lượng vắc xin Covid-19 được phân bổ đảm bảo minh bạch, đúng đối tượng và khẩn trương tổ chức tiêm ngay sau khi nhận được vắc xin. Đối tượng ưu tiên tiêm chủng căn cứ theo Nghị quyết số 21/NĐ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ và Quyết định 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị rà soát tiêm chủng cho các đối tượng theo thứ tự ưu tiên trong Phương án số 170 của UBND thành phố Hà Nội: Nhân viên y tế các bệnh viện trong và ngoài công lập, phòng khám tư nhân, nhà thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội; người trên 65 tuổi; người làm trong các chuỗi cung ứng, khu công nghiệp; người thu ngân, giao hàng và các đơn vị tham gia, ủng hộ cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Hà Nội tăng cường các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2542/UBND-SNV ngày 5/8/2021 về việc tăng cường các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước (SIPAS) năm 2021.
Công văn nêu rõ, theo kết quả Bộ Nội vụ khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước của thành phố Hà Nội đạt 85,15%, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố. Mặc dù kết quả Chỉ số hài lòng của thành phố năm 2020 thuộc nhóm các tỉnh có chỉ số bền vững, cao nhất kể từ khi đánh giá (năm 2017), tăng 19 bậc so với năm 2019 và 5/5 tiêu chí đều cao hơn năm 2019, tuy nhiên, qua phân tích kết quả chỉ số, một số tiêu chí, tiêu chí thành phần còn thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Hà Nội tăng cường các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS |
Để tăng cường các giải pháp nâng cao Chỉ số SIPAS của thành phố năm 2021 và các năm tiếp theo, các sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã trên cơ sở báo cáo phân tích kết quả Chỉ số SIPAS năm 2020 (Báo cáo số 2144/BC-SNV ngày 23/7/2021 của Sở Nội vụ Hà Nội) nghiên cứu, đề ra các giải pháp khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót; tập trung hoàn thành các nhiệm vụ tại các kế hoạch của UBND thành phố về nâng cao Chỉ số SIPAS năm 2021 và giai đoạn 2021-2026.
UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị phải chỉ đạo, thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo quy định của Chính phủ; nâng cao số lượng thủ tục hành chính liên thông; không để xảy ra tình trạng quá hạn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính...
Bên cạnh đó, các đơn vị phải tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính tại các cơ quan, đơn vị; tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mở rộng các kênh để người dân, doanh nghiệp giám sát hoạt động tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính…
Đề xuất lập 5 điểm trung chuyển hàng hóa, thực phẩm vào Hà Nội
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã về việc lập 5 điểm trung chuyển hàng hóa trên địa bàn nhằm giảm tải áp lực cho chợ đầu mối.
Theo thống kê đến ngày 3/8, Hà Nội có 20 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối, 25 siêu thị và 35 cửa hàng tiện lợi phải dừng hoạt động do có liên quan đến ca nhiễm Covid-19. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc những kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại phải đóng cửa khiến việc cung ứng nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đề xuất lập 5 điểm trung chuyển hàng hóa, thực phẩm vào Hà Nội |
Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị UBND thành phố xem xét, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thành phố sử dụng Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại quận Cầu Giấy, Hà Nội làm nơi tập kết trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh để giảm tải cho chợ đầu mối.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Sở Công Thương nghiên cứu, phối hợp quận, huyện, thị xã rà soát đề xuất 5 vị trí trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành phố và các huyện để giảm tải cho chợ đầu mối; sẵn sàng bố trí cho hàng hóa, thực phẩm nông, lâm, thủy sản từ các tỉnh chuyển về Hà Nội phục vụ người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Các điểm được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất gồm: Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông), sân vận động huyện Thanh Trì, sân vận động huyện Hoài Đức và một số điểm khác của huyện Gia Lâm.