Tin tức trong ngày 20/12: Dự kiến công bố thành lập thành phố Thủ Đức ngày 31/12
Dự kiến công bố thành lập thành phố Thủ Đức ngày 31/12
Bộ Nội vụ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định và hướng dẫn tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định và hướng dẫn thực hiện 2 nghị quyết nói trên của Quốc hội.
Dự thảo Nghị định gồm 7 chương, 44 điều, trong đó đề cập đến vấn đề tổ chức và hoạt động của UBND quận, UBND phường; tổ chức bộ máy nhà nước khi UBND quận, UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn quận, phường (không tổ chức HĐND); chế độ công vụ khi triển khai mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt đối với các cơ quan chính trị đóng trên địa bàn quận, phường…
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị định do Bộ Nội vụ chuẩn bị, thành phố đề xuất bổ sung 1 chương trong dự thảo Nghị định, nhằm quy định cụ thể các vấn đề làm cơ sở, nền tảng cho việc thành lập thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh (cụ thể là chương “Thành phố Thủ Đức”) như cơ cấu tổ chức bộ máy, vấn đề ngân sách.
Dự kiến công bố thành lập thành phố Thủ Đức ngày 31/12 |
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất các cơ quan Trung ương xem xét thêm về số lượng Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức không quá 4 người; các cơ quan chuyên môn không quá 13 phòng; Số lượng Phó Trưởng phòng bình quân mỗi phòng là 3 người. Trên cơ sở đó, UBND thành phố Thủ Đức có thể trình HĐND cùng cấp thành lập các cơ quan khác phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đây là cơ sở để Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới. Hiện, Thành phố đang chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tổ chức công bố thành lập thành phố Thủ Đức, dự kiến vào ngày 31/12.
Hà Nội sẽ xử nghiêm ép giá, ăn xin, trộm cắp, mê tín dị đoan tại lễ hội
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành công văn về thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021.
Công văn nêu rõ, để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; Các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; Không để việc tổ chức lễ hội biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; Tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã, bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ, tiết kiệm không phô trương, hình thức.
Ban tổ chức lễ hội các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình dịch bệnh thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác đến người dân để chủ động phòng dịch. Chỉ đạo tất cả các địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa phải thường xuyên khử khuẩn, bố trí nước dung dịch rửa tay trước và sau khi ra vào khu di tích, văn hóa, hạn chế tổ chức lễ hội với quy mô lớn...
UBND thành phố giao Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh về công tác lễ hội trên địa bàn thành phố. Căn cứ kết quả triển khai thực hiện của các đơn vị, đề xuất biểu dương, khen thưởng các đơn vị tổ chức tốt, nhắc nhở, phê bình các đơn vị để xảy ra sai phạm trong tổ chức lễ hội năm 2021...;
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ tổ chức phần lễ và phần hội; sắp xếp, bố trí các địa điểm đón tiếp hợp lý; Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy, nổ, giữ gìn và bảo vệ các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội. Kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp, bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức…
Ngân hàng phải phát hành thẻ chip nội địa từ ngày 31/3/2021
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Theo đó, từ ngày 31/3/2021, các tổ chức phát hành thẻ phải thực hiện việc phát hành thẻ nội địa mới là thẻ chip, thay vì thẻ từ như hiện tại.
Trong quy định trước đó, mốc thời gian 100% thẻ ghi nợ nội địa (ATM) đang lưu hành trên thị trường phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa là ngày 3/12/2021. Như vậy, thời gian đã được NHNN rút ngắn lại.
Theo lý giải của ban soạn thảo, việc bổ sung thời hạn bắt buộc khi mở thẻ ATM mới cho khách hàng phải là thẻ chip nội địa nhằm để ngân hàng thương mại tích cực trong công tác phát hành thẻ chip. Đồng thời, ngân hàng phải cử nguồn nhân lực, kinh phí trong việc hỗ trợ khách hàng chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip để không ảnh hưởng tới quá trình sử dụng thẻ của khách.
"Quy định mới cũng nhằm ngăn ngừa hiện tượng một số ngân hàng vẫn tiếp tục phát hành thẻ từ cho khách hàng, ảnh hưởng đến lộ trình chuyển đổi thẻ chip nội địa năm 2021", đại diện ban soạn thảo NHNN khẳng định.