Tag

Tìm em - trong tình yêu đất nước!

Văn học - Nghệ thuật 30/05/2023 17:14
aa
TTTĐ - Sau khi báo Tuổi trẻ Thủ đô đăng bài thơ TÌM EM của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, tòa soạn nhận được lời bình của nhà phê bình văn học, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú về bài thơ này. Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu bài viết “Tìm em - trong tình yêu đất nước” của PGS.TS Nguyễn Thanh Tú.
Khoảng lặng của tình yêu Như là quy luật của tình yêu Mùa hoa đời thắm đượm tin yêu Chan chứa tình yêu “Em hòa màu thủy chung” Hương vị tình yêu

Không nhất thiết phải có tứ mới có thơ hay, nhưng một bài thơ hay thường có tứ, vì đó là linh hồn, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt xâu chuỗi các yếu tố cảm xúc, tình điệu, hình tượng, ngôn ngữ… Trong tiếp nhận cũng thường nắm bắt lấy cái tứ để từ đó khám phá các chi tiết cụ thể.

Vì lẽ này, thơ cổ điển ngắn gọn, hàm súc nên rất trọng tứ, nhưng thời buổi hiện tại, do cuộc sống muôn vẻ, đa dạng và phồn tạp tràn vào, thơ dài ra, nên có hiện tượng cảm xúc miên man, làm cho cái tứ có phần nhạt nhòa. Nhưng những nhà thơ viết theo lối truyền thống thì vẫn dụng tâm chọn tứ cho vững, lấy đó làm nền móng rồi xây ngôi nhà ngôn ngữ thơ.

Nguyễn Hồng Vinh là một trong không nhiều thi sỹ đi theo lối này mà vẫn mới mẻ, hiệu quả, tinh tế. Bài thơ Tìm em vừa in là một ví dụ.

Tìm em - trong tình yêu đất nước!

TÌM EM

Nguyễn Hồng Vinh

Gió trốn đâu mà lá cây ủ rũ

Em nấp đâu để sa mạc nóng hun

Chị Hằng như cũng cạn tình thương

Giăng đêm mịt mùng sôi thêm chảo lửa!

Sau những ngày ở Trường thành vạn dặm

Tuyết phủ trắng những bậc đá tít cao

Anh về một mình với đồng bằng sông Hậu

Mùa lũ dâng sóng cuộn ầm ào

Cứ ngờ ngợ dáng em trong các miệt vườn

Đỏ chín chôm chôm và sầu riêng thơm nức

Anh tìm đến con thuyền men kênh rạch

Tưởng có giọng em hòa trong tiếng đờn ca?

Đành quay sang Đồng Tháp rực kiểng hoa

Những chậu bon sai, người vây quanh tấm tắc

Cứ tưởng có em trong dòng người chen chúc

Đi hết chục vòng, vẫn tròn trịa số không!

Tìm em - trong tình yêu đất nước!

Ngược ra Bắc, anh lên đất Mộc Châu

Hoa ban, hoa lê mùa này nở sớm

Chiều đã buông vẫn rực màu trắng tím

Ai giống như em đang vui thú ghi hình?!

Hờn giận chi mà đồi núi cũng lặng thinh

Giấu kín em trong bản làng heo hút

Mặc đêm tối, anh băng đèo, lội suối

Hy vọng gặp em trong hội uống rượu cần!

Trái đất tròn và Trời rủ lòng thương

Em chạy ra với nụ cười vồn vã:

Muốn thử lòng anh chung thủy

Nên đã lên đây từ giữa tháng Ba

Làm cô giáo, đúng mùa mận bung hoa!

Tháng 6/2023

Ở đây là cái tứ tìm-gặp trong tình yêu, nhưng đó chỉ là cái cớ, là điểm tựa để ghi lại những cảnh đẹp đặc trưng, những nét bản sắc vùng miền. Bài thơ là một kết cấu song hành của câu chuyện tình yêu trai gái và câu chuyện thời sự của đất nước. Bài ca tình yêu lồng trong bài ca chung tình yêu đất nước. Vừa nói được cái khách quan, phổ quát, vừa nói được nỗi lòng chủ quan, cái riêng. Đó là một lựa chọn thông minh.

Tìm em - trong tình yêu đất nước!

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nhất là “buồn” trong tình yêu thì càng thấy không gian chung quanh chẳng có gì đáng yêu cả. Tìm em là một mở đầu như vậy:

Gió trốn đâu mà lá cây ủ rũ

Em nấp đâu để sa mạc nóng hun

Chị Hằng như cũng cạn tình thương

Giăng đêm mịt mùng sôi thêm chảo lửa!

Cả một không gian nóng bức, ngột ngạt. Không phải nguyên nhân do elnino hay elnina mà là “Em nấp đâu để sa mạc nóng hun”. Một lời khen khéo. Em trở thành một nhân tố ngang tầm vũ trụ, chi phối vũ trụ: vắng em nên “sa mạc nóng hun”. Một người như thế thì chàng trai này cất công đi “tìm” là cũng xứng đáng! Còn đi thật xa:

Sau những ngày ở Trường thành vạn dặm

Tuyết phủ trắng những bậc đá tít cao

Anh về một mình với đồng bằng sông Hậu

Mùa lũ dâng sóng cuộn ầm ào

Cứ ngờ ngợ dáng em trong các miệt vườn

Đỏ chín chôm chôm và sầu riêng thơm nức

Anh tìm đến con thuyền men kênh rạch

Tưởng có giọng em hòa trong tiếng đờn ca?

Thì ra cái câu ca dao: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu đèo cũng qua” là có thật. Tình yêu nhân lên tình yêu, nếu cặp đôi nào cũng như thế sẽ góp phần làm cho xã hội đẹp hơn, thi vị và đáng yêu hơn nhiều. Chàng trai này vượt lên cả Vạn lý Trường thành nên mới thấy “tuyết phủ trắng những bậc đá tít cao”. Rồi chàng về “với đồng bằng sông Hậu”. Có một sự đối lập về không gian: nếu xứ người tuyết trắng lạnh lẽo thì về với quê nhà, dù buồn nhưng với không gian sôi động và ấm áp hơn nhiều. Lúc này chủ thể trữ tình được dịp quan sát, miêu tả.

Tìm em - trong tình yêu đất nước!

Tìm “em” trong các miệt vườn cũng là cách để “anh” ghi lại những gì đẹp nhất, tiêu biểu nhất của những vùng đất nên thơ: “Đỏ chín chôm chôm và sầu riêng thơm nức”. Không thấy em ở nơi thiên nhiên. Anh đi tìm tới miền văn hóa “đờn ca”. Rồi “sang Đồng Tháp rực kiểng hoa” - một vùng xứ sở của những bàn tay vàng, những tâm hồn yêu cái đẹp tạo ra “Những chậu bon sai, người vây quanh tấm tắc”. Đúng với cảnh “đi tìm”, nhịp thơ hổi hả, da diết. Chàng trai ấy ngược về miền Tây Bắc:

Ngược ra Bắc, anh lên đất Mộc Châu

Hoa ban, hoa lê mùa này nở sớm

Chiều đã buông, vẫn rực màu trắng tím

Ai giống như em đang vui thú ghi hình?!

Tình yêu có muôn vàn dạng thái và cũng có muôn vàn lý do. Chuyện đó không quan trọng bằng có yêu nhau thật lòng không. Công cuộc đi tìm này chứng minh trái tim chàng trai ấy đã thuộc về cô gái. Đã thuộc về nhau thì không một ngăn trở không gian nào có thể cản được tình yêu. Chàng trai có thể đi bất cứ đâu miễn là có thể đến được nơi em đang sống. Huống chi không gian này đều là đất nước mình:

Hờn giận chi mà đồi núi cũng lặng thinh

Giấu kín em trong bản làng heo hút

Mặc đêm tối, anh băng đèo, lội suối

Hy vọng gặp em trong hội uống rượu cần!

Trời không phụ lòng người. Tình yêu không phụ tình yêu. Họ đã tìm thấy nhau khi đã vượt qua thử thách:

Trái đất tròn và Trời rủ lòng thương

Em chạy ra với nụ cười vồn vã:

Muốn thử lòng anh chung thủy

Nên đã lên đây từ giữa tháng Ba

Làm cô giáo, đúng mùa mận bung hoa!

Bài thơ là một “cổ tích” mới với một kết thúc đẹp, viên mãn. Chàng “hoàng tử” và “công chúa” sẽ kết duyên đẹp nhất. Càng đẹp hơn khi tình yêu của họ hòa vào tình yêu đất nước, cùng tôn lên vẻ đẹp đất nước. “Nàng” sẽ là cô giáo hạnh phúc với nghề “trồng người” đáng quý, đáng trọng! Không so sánh, nhưng bài thơ này dễ gợi liên tưởng đến bài thơ tình nổi tiếng những năm cuối thế kỷ trước Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng của tác giả Khổng Văn Đương: “Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng / Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng…”.

Tìm em - trong tình yêu đất nước!

Một chàng trai Việt và một cô gái Romani yêu nhau tha thiết, nhưng không thể đến được với nhau nên cứ đi tìm hoài, tìm mãi: “Vẫn trèo lên đỉnh núi cao Cácpat / Vẫn theo dòng Đanuyp những đêm trăng / Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt / Đi tìm anh trên bán đảo Bancăng!”. Nhưng ở Tìm em của Hồng Vinh đi tìm nhau rất dài và rất xa, nhưng được gặp gỡ, đoàn tụ và hạnh phúc. Cả hai bài thơ đều hay vì có cái tình thật!

Đọc thêm

Các chương trình nghệ thuật quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bão, lũ Văn học - Nghệ thuật

Các chương trình nghệ thuật quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bão, lũ

TTTĐ - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức 6 chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.
Trải nghiệm Thư viện số Nguyễn An Ninh tại TP Hồ Chí Minh Văn học - Nghệ thuật

Trải nghiệm Thư viện số Nguyễn An Ninh tại TP Hồ Chí Minh

TTTĐ - Kỷ niệm 124 năm Ngày sinh của chí sĩ Nguyễn An Ninh, TP Hồ Chí Minh cho ra mắt không gian trải nghiệm Thư viện số Nguyễn An Ninh - Chuyên đề Nam Bộ tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1).
Triển lãm về những khu vườn nổi tiếng của Bắc Kinh tại Hà Nội Văn hóa

Triển lãm về những khu vườn nổi tiếng của Bắc Kinh tại Hà Nội

TTTĐ - Sáng 11/9, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm quản lý Công viên Bắc Kinh tổ chức khai mạc triển lãm “Bảo vật phương Đông, danh viên Bắc Kinh” với chủ đề “Triển lãm về các khu vườn cổ của Bắc Kinh” tại Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).
50 tác phẩm màu nước đặc sắc trưng bày tại "Hà Nội trong tôi" Văn hóa

50 tác phẩm màu nước đặc sắc trưng bày tại "Hà Nội trong tôi"

TTTĐ - Kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với nhóm họa sĩ “Màu nước Hà Nội” ra mắt triển lãm tranh với chủ đề “Hà Nội trong tôi”.
8 tài năng trẻ đoạt giải "Âm thanh tình anh em" Văn học - Nghệ thuật

8 tài năng trẻ đoạt giải "Âm thanh tình anh em"

TTTĐ - Ban Tổ chức dự án “Âm thanh tình anh em: Khám phá tài năng” vừa trao 8 giải thưởng cho các nghệ sĩ ở lĩnh vực Nghệ thuật thị giác, âm nhạc và sân khấu.
600 đại biểu tham dự Gala Tiếng Việt thân thương Văn học - Nghệ thuật

600 đại biểu tham dự Gala Tiếng Việt thân thương

TTTĐ - 20h ngày 8/9/2024, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2024 và Chương trình Gala Tiếng Việt thân thương.
Họa sĩ Sophie Trịnh gửi gắm thông điệp ý nghĩa về phụ nữ Văn học - Nghệ thuật

Họa sĩ Sophie Trịnh gửi gắm thông điệp ý nghĩa về phụ nữ

TTTĐ - Với triển lãm "Lớp lang cảm xúc", điều khiến nữ họa sĩ Sophie Trịnh tự hào là có thể lan tỏa thông điệp của sự sẻ chia, là sợi dây kết nối những nỗi niềm sâu kín, khát khao yêu thương của chính mình và những bản thể khác thông qua những tác phẩm hội họa.
Dấu ấn thời gian và những hoạt động ý nghĩa Văn học - Nghệ thuật

Dấu ấn thời gian và những hoạt động ý nghĩa

TTTĐ - Dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 năm nay, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật và thể thao. Thông qua đó, người dân có thể hiểu thêm về những trang sử hào hùng của dân tộc cũng như ý nghĩa quan trọng của ngày Quốc khánh.
Ấn tượng với triển lãm “Nghiên bút còn thơm” Văn hóa

Ấn tượng với triển lãm “Nghiên bút còn thơm”

TTTĐ - Sau 4 tháng miệt mài, sáng tạo, 15 tác giả thư pháp từ mọi miền đất nước cùng với giám tuyển đã mang đến Triển lãm “Nghiên bút còn thơm” những tác phẩm nghệ thuật thư pháp độc đáo, ấn tượng.
“Rèn nhân cách - Luyện tài năng” theo gương sáng của Bác Hồ Văn hóa

“Rèn nhân cách - Luyện tài năng” theo gương sáng của Bác Hồ

TTTĐ - Nhân dịp Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024) và 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024), Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản bộ sách "Rèn nhân cách - Luyện tài năng". Ấn phẩm nhằm giúp các em học sinh có thêm tư liệu tìm hiểu về Bác Hồ kính yêu, phấn đấu, học tập, rèn luyện theo gương sáng của Người gồm 5 cuốn với 5 chủ điểm: Yêu nước, Đoàn kết, Khiêm tốn, Giản dị, Tiết kiệm.
Xem thêm