Thủ khoa Đại học Kiểm sát Hà Nội: Hạnh phúc là khi biết cho đi
Thủ khoa đa tài Học viện Ngoại giao: Mọi người xung quanh đều là tấm gương Bảng thành tích "khủng" của Thủ khoa Đại học Kiến trúc Hà Nội Hành trình thay đổi bản thân của Thủ khoa Đại học Kinh tế |
Vượt qua những khác biệt
Cô bạn Trần Ngọc Thảo sinh ra và lớn lên tại Bạc Liêu, một tỉnh miền Tây Nam Bộ xa xôi. Với tình yêu màu áo ngành Kiểm sát xanh thiên thanh bình dị nhưng góp phần mang đến bình yên cho cuộc sống, Thảo quyết định ra Hà Nội theo học Đại học Kiểm sát Hà Nội.
“Mình tìm hiểu và biết được công việc của một người kiểm sát viên là vô cùng ý nghĩa, thú vị. Qua hình tượng của những cán bộ kiểm sát, sự khắc họa của các cô chú, anh chị trong ngành đã thôi thúc mình quyết tâm thực hiện ước mơ”, Thảo chia sẻ.
Ngọc Thảo trong bộ trang phục của kiểm sát viên đầy tự hào |
Sinh viên Kiểm sát đến từ mọi miền Tổ quốc với những khác biệt về giọng nói và văn hóa nên trong thời gian đầu nhập học, việc thấu hiểu và học hỏi lẫn nhau gặp không ít khó khăn. “Mình đã chủ động giao tiếp với thầy cô, bạn bè và mọi người nhiều hơn. Mình cũng tìm hiểu về văn hóa, đặc trưng của mỗi vùng miền để nhanh chóng hòa nhập và gần gũi hơn với mọi người”, Thảo chia sẻ. Nhờ sự năng nổ ấy mà việc học tập của Thảo cũng trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.
Cô bạn Ngọc Thảo luôn tự tin cùng màu áo ngành Kiểm sát |
Thời gian đầu khi tiếp cận với các môn luật, cô bạn chưa xác định được phương pháp học và cách làm bài thi cho phù hợp nên kết quả không được như mong đợi. “Lúc ấy cũng hụt hẫng lắm nhưng mình càng quyết tâm tìm ra cách học hiệu quả nhất”, Ngọc Thảo nhớ lại.
Nhận thấy vấn đề của bản thân, Thảo chăm chỉ tìm nhiều bài tập tình huống, đề thi tham khảo để làm và tham khảo ý kiến các thầy cô, anh chị học khóa trước.
Quả ngọt của những cố gắng
Trần Ngọc Thảo đại diện phát biểu trong Lễ bế giảng và trao bằng cử nhân cho sinh viên Đại học Kiểm sát Hà Nội |
Trong quá trình theo học tại Đại học Kiểm sát Hà Nội, Ngọc Thảo đã đạt được khá nhiều thành tích đáng nể. “Mỗi thành tích là một sự ghi nhận quý giá đối với mình nhưng có lẽ giải Ba cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp Bộ với đề tài về "Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” là điều khiến mình tự hào nhất", Thảo cho biết.
Thảo và nhóm nghiên cứu đã trải qua những đêm không ngủ để chỉnh sửa từng chi tiết, chau chuốt câu chữ để đề tài hoàn thiện nhất có thể. “Mình nhớ nhiều hôm đau đầu vì ý tưởng và kết cấu đề tài bị thay đổi. Mình và nhóm nghiên cứu phải còng lưng viết rồi lại sửa”, Thảo vui vẻ kể về kỷ niệm của mình. Vượt lên tất cả, Thảo và cả nhóm đã luôn trách nhiệm và nỗ lực thật nhiều để đạt mục tiêu.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có bằng khen cho đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm Thảo. “Điều này khiến mình cảm thấy vô cùng trân trọng và hạnh phúc vì những nỗ lực đã được ghi nhận”.
Hành trình xây dựng ý tưởng, bắt tay thực hiện và bảo vệ thành công đề tài là một hành trình dài, có vất vả nhưng vô cùng ý nghĩa và đáng nhớ với Thảo. Cô bạn chia sẻ rằng: “Với mình, sự ngọt ngào không chỉ ở thành quả đạt được, mà còn ở trên hành trình gặt hái”.
Thảo (thứ ba từ phải sang) đạt giải nhất Phiên tòa hình sự trong vai trò kiểm sát viên do trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức (Ảnh tư liệu) |
Là một trong 90 thủ khoa xuất sắc của thành phố Hà Nội năm 2021 được UBND thành phố tuyên dương vào tháng 11, do tình hình dịch bệnh căng thẳng tại địa phương, Thảo không thể trực tiếp tham gia lễ tuyên dương và ghi danh Sổ Vàng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. "Đây là điều khiến mình cảm thấy nuối tiếc nhất!”, Ngọc Thảo tâm sự.
Trần Ngọc Thảo nhận Bằng khen của Đoàn khối các cơ quan Trung ương do có thành tích xuất sắc trong hoạt động Đoàn |
Những kỷ niệm không quên
Trên chặng đường cống hiến sức trẻ của mình, Thảo đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện cùng các bạn trong lớp. “Trung thu ấm áp” tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Chương Mỹ (Hà Nội) là hoạt động tình nguyện mà Thảo nhớ nhất: “Hội trăng rằm năm đó với mình và các đoàn viên chi đoàn K4L vì thế mà cũng trở nên đẹp đẽ và đáng nhớ hơn”.
Thảo cùng các em nhỏ tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Chương Mỹ, Hà Nội (Ảnh tư liệu) |
Buổi tình nguyện đã giúp Ngọc Thảo nhận ra rằng: Hạnh phúc quả thật không phải khi chúng ta được sở hữu hay đón nhận một thứ gì đó mà là khi biết cho đi.
Thảo khẳng định: “Mọi thứ đều rất giản dị nhưng đủ khiến mình hiểu giá trị thật sự của hạnh phúc chính là cố gắng làm cho cuộc đời ai đó trở nên hạnh phúc! Câu chuyện của các em đã giúp Thảo hiểu hơn về bản thân, về những giá trị thật sự của cuộc sống. Các hoạt động ngoại khóa giúp mình có cơ hội gặp gỡ và làm quen với rất nhiều những người bạn nhiệt thành và đáng yêu".
Ngọc Thảo luôn giữ vững sự lạc quan, vui vẻ |
Thảo còn bật mí, cô bạn cũng từng trải qua giai đoạn không biết bản thân muốn gì và đã phải dành thời gian tìm hiểu chính mình. Việc xác định được sở thích, năng lực của bản thân và mạnh dạn theo đuổi nó là chìa khoá quan trọng để có cuộc sống hạnh phúc và thành công. Khi chúng ta biết mình là ai và dám sống thật với chính mình, cuộc sống sẽ dễ chịu và tốt đẹp hơn rất nhiều.
Cô bạn thả dáng thướt tha trong tà áo dài truyền thống |
Mỗi thành công hay vấp ngã, cô gái trẻ vẫn luôn có những người thân yêu sát cánh, đồng hành cùng mình. Đây là nguồn động lực to lớn để Thảo nâng quyết tâm cao nhất cho việc học tập và rèn luyện.
“Con đường phía trước còn dài nhưng mình sẽ luôn giữ mãi tình yêu thương và ngọn lửa nhiệt huyết đó để phấn đấu nhiều hơn, bước nhiều bước tiến xa hơn nữa trong tương lai”, Ngọc Thảo chia sẻ.