Tỷ lệ học sinh 13-15 tuổi hút thuốc lá điện tử gia tăng nhanh
Ngộ độc thuốc lá điện tử, chàng trai trẻ hai lần cấp cứu Đề nghị Quốc hội ra nghị quyết cấm thuốc lá điện tử |
Đó là thông tin từ các chuyên gia, y bác sĩ thuộc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tại Tọa đàm “Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh”.
Các chuyên gia, y bác sĩ thông tin tại chương trình tọa đàm |
Mắc bệnh từ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Ths.DS. Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, ở nước ta gánh nặng bệnh không lây nhiễm chiếm 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật. Theo anh Tú, hiện nay có sự gia tăng và biến đổi của các yếu tố nguy cơ, trong đó có tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Số liệu của Bộ Y tế chỉ ra, trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023); sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 - 24 tuổi) với tỉ lệ là 7,3%; nhóm tuổi 25 - 44 là 3,2% và nhóm tuổi 45 - 64 là 1,4%.
Ths.DS. Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chia sẻ |
Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: Dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
Nghiên cứu mới của trường Đại học Y tế công cộng được hỗ trợ bởi Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu Vital Strategies mới công bố cho thấy, có 96,2% và 37,8% học sinh nhận thức được sự tồn tại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống. Bởi thế, Ths.DS. Nguyễn Hữu Tú đề xuất, cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường lên 40%.
Chuyển đổi số y tế, ứng dụng AI
TS.BS. Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, bệnh viện đã có nhiều chương trình về chuyển đổi số và có cách tiếp cận mới làm sao phát hiện được bệnh lao, hô hấp trong cộng đồng - tiếp cận chủ động và tại các cơ sở y tế - tiếp cận tích cực, sử dụng công nghệ, kỹ thuật mới hiện có để sàng lọc, phát hiện bệnh, với số lượng lớn bệnh nhân, phát huy vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm XQ.
TS.BS. Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ |
Qua thực tế cho thấy, ước tính với hơn 20% bệnh nhân nếu không ứng dụng AI để khám sàng lọc thì sẽ bị bỏ sót bệnh và không được phát hiện sớm bệnh lao phổi. Từ đó người bệnh sẽ bị nặng lên và là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số trong khám, sàng lọc và quản lý bệnh.
Cùng với ý kiến của TS.BS. Nguyễn Kim Cương, các chuyên gia, y bác sĩ cũng đồng tình với giải pháp nghiên cứu ứng dụng AI như một công cụ tiền sàng lọc các bệnh không lây nhiễm và chuyển đổi số y tế.
Việc chuyển đổi số y tế sẽ giúp giảm tải cho nhân lực y tế, bởi tự động hóa và hỗ trợ của AI giúp giảm gánh nặng công việc cho nhân viên y tế, cho phép họ tập trung hơn vào việc chăm sóc bệnh nhân và ra quyết định điều trị.
Các ý kiến cho rằng, chuyển đổi số và ứng dụng AI trong y tế không chỉ giúp tăng hiệu quả chẩn đoán, điều trị và quản lý y tế, mà còn mang lại trải nghiệm tốt hơn cho bệnh nhân. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, tương lai của y tế số hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng hệ thống y tế thông minh và bền vững.
Tại chương trình Toạ đàm diễn ra chiều 13/11, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng đã tổng kết Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024 và chương trình CAREME. Theo đó, số lượng thầy thuốc trẻ tham gia hành trình: 21.217 người (vượt chỉ tiêu đề ra); số lượng người dân được tư vấn, khám bệnh, phát thuốc miễn phí: 1.136.135 lượt người (gấp 11 lần chỉ tiêu) với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 117 tỉ đồng. |