Tạo điều kiện để kinh tế tập thể phát triển nhanh và bền vững
Nhiều mô hình hiệu quả
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 2.538 hợp tác xã, trong đó có 1.483 hợp tác xã nông nghiệp... Số hợp tác xã hoạt động tốt, khá chiếm khoảng 65%.
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nhiều hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Sản phẩm của các hợp tác xã ngày càng đa dạng, phong phú, có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Điển hình như Hợp tác xã Thỏ Việt Nhật (xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ) là mô hình mới, sản xuất theo quy trình khép kín. Hợp tác xã này là mô hình ứng dụng công nghệ cao, thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết giá trị trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Hiện tại, hợp tác xã đang nuôi 400 con thỏ giống, trên quy mô 1ha.
Hợp tác xã Thỏ Việt Nhật (xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ) là mô hình mới, sản xuất theo quy trình khép kín |
Giám đốc Hợp tác xã Thỏ Việt Nhật Lâm Thị Hương cho hay, toàn bộ sản phẩm đầu ra của hợp tác xã đã được một doanh nghiệp của Nhật Bản bao tiêu. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng hỗ trợ hợp tác xã về kỹ thuật chăm sóc thỏ an toàn, theo tiêu chuẩn của Nhật Bản.
Hiện nay, các hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động.
Tiêu biểu như Hợp tác xã Đoàn Kết huyện Ứng Hòa với mô hình máy bay phun thuốc không người lái, hay nhiều hợp tác xã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất Vietgap, hữu cơ, đã đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể như gạo thơm bối khê của Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng, chuỗi thực phẩm AZ của Hợp tác xã Hoàng Long, rau hữu cơ Hợp tác xã Văn Đức...
Nhìn chung, các hợp tác xã cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của thành viên, hộ thành viên. Đặc biệt, có hợp tác xã nông nghiệp đã tổ chức trên 10 khâu dịch vụ, làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất…
Các hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm |
Qua đó, góp phần duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp kịp thời vụ, đảm bảo diện tích gieo trồng, tạo sự gắn kết giữa thành viên với hợp tác xã, thành viên tin tưởng vào sự điều hành cùa hội đồng quản trị hợp tác xã. Đến nay, đã hình thành các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm…
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Các hợp tác xã, tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với quy mô và nội dung hoạt động đa dạng.
Đáng nói, các hợp tác xã đã tự hạch toán và chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh, chủ động xây dựng phương án sản xuất, bảo đảm về số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, một số hợp tác xã đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, sử dụng công nghệ sản xuất chế biến thân thiện với môi trường.
Trong số đó, có nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, không những đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Các hợp tác xã, tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với quy mô và nội dung hoạt động đa dạng. |
Từ những phân tích trên cho thấy, trong những năm qua, hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể đã chứng tỏ được vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, để kinh tế tập thể đi vào chiều sâu và phát triển đúng hướng, cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp, quyết liệt hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới hiện nay, vị trí và vai trò của kinh tế tập thể lại càng được đặt ra quan trọng hơn bao giờ hết. Để kinh tế tập thể phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nông thôn mới, theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể.
Cùng với đó, thành phố sẽ có cơ chế chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ Hợp tác xã để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Mạnh dạn triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các Hợp tác xã trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cán bộ phụ trách kinh tế tập thể, thành viên các hợp tác xã, cán bộ chủ chốt hợp tác xã nhằm đáp ứng nhu cầu công việc. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã về quản lý, liên doanh, liên kết mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ.
Đặc biệt, thành phố sẽ tiếp cận các chương trình, dự án, đề án để tạo điều kiện cho các hợp tác xã được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Qua đó, từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ của kinh tế hộ, để mạnh dạn góp vốn giúp hợp tác xã thay đổi về chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội |