Nâng sức cạnh tranh cho kinh tế tập thể, hợp tác xã
Vẫn còn tồn tại các HTX hoạt động không hiệu quả
Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn TP hiện có 1.297 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Các HTX cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên. Nhiều HTX đã tạo sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.
Các HTX đã và đang làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh chú trọng cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, một số HTX đã liên doanh, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, góp phần gia tăng giá trị kinh tế.
Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp thành phố TP Hà Nội ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh cũng đa dạng hơn.
Toàn TP hiện có 1.297 HTX nông nghiệp đang hoạt động, các HTX cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên. |
Các hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy nhanh quá trình xây dựng Nông thôn mới ở các địa phương.
Với yêu cầu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, kinh tế hợp tác xã đã có bước phát triển mới cả về số lượng, hiệu quả hoạt động với nhiều loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm.
Đơn cử như Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã và đang trồng nhiều loại rau, củ theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Hợp tác xã đã đầu tư lắp đặt hệ thống camera, lưu trữ dữ liệu 30 ngày gần nhất để minh bạch quá trình sản xuất, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, nhiều hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Một số lượng lớn các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, thậm chí nhiều hợp tác xã đã ngừng hoạt động nhưng gặp khó khăn trong việc giải thể.
Trong số các HTX buộc phải giải thể, số lượng HTX hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất. Theo đánh giá của Liên minh HTX TP Hà Nội, điều này phản ánh thực tế là hiệu quả hoạt động nông nghiệp của các HTX không cao khi so sánh với các HTX thuộc các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, xây dựng...
"Nâng chất" cho hợp tác xã
Để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt là các hợp tác xã, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đã ký ban hành Kế hoạch số 325/KH-UBND với mục tiêu phát triển kinh tế tập thể đến năm 2025.
Theo Kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2021-2025; đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường; cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro đan xen, tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển KTTT, HTX của Thành phố.
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển khu vực KTTT, HTX Thành phố Hà Nội nhận bằng khen, kỷ niệm chương của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. |
Kế hoạch phát triển KTTT, HTX năm 2025 phải đặt trong Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của Thành phố; phù hợp với Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, kế hoạch của Trung ương.
Kế hoạch này tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, từ đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và thành viên hợp tác xã, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Thành phố đang đặt mục tiêu củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã để họ có thể đóng góp tích cực vào tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND TP. Hà Nội đã đưa ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được nhấn mạnh là đẩy mạnh công tác tuyên truyền triển khai thực hiện Luật hợp tác xã năm 2023; Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ quản lý Nhà nước phụ trách hợp tác xã; đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã...
Cụ thể, một số mục tiêu UBND TP. Hà Nội đề ra trong năm 2025 bao gồm: Tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 100 hợp tác xã, 2 Liên hiệp hợp tác xã; Số hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã hoạt động loại tốt, khá chiếm từ 65 - 70%;
Doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt 3 tỷ đồng/năm; Thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã là 65 triệu đồng/năm; Lãi bình quân của hợp tác xã khoảng 220 triệu đồng/năm.
Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội |