Khơi dậy sức mạnh kinh tế tập thể, hợp tác xã
Cùng hợp tác để phát triển
Huyện Ba Vì (Hà Nội) có 102 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 14 hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, 9 hợp tác xã ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và 7 hợp tác xã được cấp các loại giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Thông qua liên kết sản xuất, các mô hình kinh tế tập thể của huyện Ba Vì đã phát huy lợi thế, thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Nông dân nhận thức rõ hơn về vai trò của kinh tế tập thể, tự đứng ra thành lập các tổ, hội trên tinh thần cùng hợp tác trên từng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi.
Đơn cử như tại Hợp tác xã chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội. Khai thác thương hiệu “Gà đồi Ba Vì”, anh Ngô Trọng Hiển đã mạnh dạn cùng các hộ dân địa phương thực hiện chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.
Gà đồi Ba Vì được chăn nuôi, sản xuất theo chuỗi mang lại giá trị kinh tế cao |
Trên diện tích khoảng 40.000m2, các chuồng nuôi được đầu tư hệ thống giàn lạnh làm mát, nước uống tự động, lò ấp trứng công suất 4 vạn trứng/mẻ, mang lại cho gia đình anh Hiển 15-16 tỷ đồng/năm. “Để thịt gà thơm ngon hơn, ngoài việc thả gà ra môi trường tự nhiên, chúng tôi còn phối trộn thêm ngô hạt, khô đậu tương, cám gạo, chế phẩm sinh học... làm thức ăn cho gà”, anh Hiển chia sẻ.
Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì Nguyễn Văn Tài cho hay: “Có giai đoạn, gà và trứng gà của Hợp tác xã dù có thương hiệu, đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giá bán vẫn thấp... Đến nay, nhờ đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô khép kín, chất lượng sản phẩm bảo đảm, thương hiệu “Gà đồi Ba Vì” ngày một tiêu thụ mạnh”.
Hiện hợp tác xã đang tích cực xây dựng chuỗi liên kết với nhiều đối tác: Hệ thống siêu thị Metro, Lan Chi mart, Vinmart, Lotte; làm việc với chuỗi siêu thị Bác Tôm, hệ thống nhà hàng Pao Quán... Hy vọng, việc tiêu thụ theo chuỗi sẽ tăng mạnh.
Chính quyền xã Tản Lĩnh đã tích cực hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật để đưa hai loại cây này thành cây thế mạnh |
Hay như tại thôn Cua Chu và thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) có lợi thế trồng cây đào và cây mai trắng. Vì vậy, chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật để đưa hai loại cây này thành cây thế mạnh. Không những vậy, nông dân nơi đây còn đẩy mạnh việc thành lập hợp tác xã làng nghề, chi hội nghề nghiệp trồng đào, mai để phát triển hơn nữa loại cây này.
Tạo ''đòn bẩy'' phát triển kinh tế tập thể
Dù đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, tuy nhiên, sự phát triển của các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội hiện nay vẫn chưa tương xứng tiềm năng, kỳ vọng. Số lượng hợp tác xã hoạt động chưa thực sự hiệu quả còn lớn. Nhiều hợp tác xã đã ngừng hoạt động nhưng gặp khó trong việc giải thể...
Nhằm khơi dậy sức mạnh kinh tế tập thể, hợp tác xã, ngày 24/4/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 127/KH-UBND về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn thành phố năm 2024.
Theo đó, năm 2024, thành phố đặt mục tiêu tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 100 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã, 145 tổ hợp tác; số hợp tác xã hoạt động tốt, khá chiếm 65 - 70%; doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt 2,7 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã đạt 60 triệu đồng/năm…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. |
Để đạt được những mục tiêu này, cơ quan quản lý cần có kế hoạch phù hợp và nên đầu tư, hỗ trợ cho hợp tác xã phát triển về chất lượng hơn là mở rộng. Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám, để hợp tác xã phát triển, sản xuất hiệu quả, đầu ra cho sản phẩm ổn định, thì cần có các nhóm chính sách ưu đãi về vốn, ứng dụng công nghệ… Ngoài ra, cơ quan quản lý cần hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực về quảng bá cũng như tính liên kết.
Để hướng tới những mục tiêu thành phố đặt ra, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Sở cũng hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chứng nhận chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)...; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh có hiệu quả hơn.
Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội |