Tạo điều kiện cho ý tưởng đổi mới của công nhân được phát huy
Lan tỏa những tấm gương gia đình công nhân, lao động tiêu biểu Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai Công nhận nghề truyền thống kim hoàn - đậu bạc Định Công |
Hiệu quả kinh tế, xã hội từ sáng kiến của công nhân
Trong những năm qua, từ phong trào thi đua “Lao động sáng tạo” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động năm 1996, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã triển khai cụ thể bằng phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô”.
Chị Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng phòng quản lý chi phí Công ty TNHH Canon Việt Nam có nhiều sáng kiến nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa hiệu suất làm việc, làm lợi hơn 160 tỷ đồng cho công ty |
Gần 3 thập kỷ qua, phong trào tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực, có tính lan tỏa rộng lớn trong các khu vực, nhất là khu vực sản xuất, kinh doanh. Đến nay, phong trào vẫn khẳng định vị thế là phong trào trọng tâm trong CNVCLĐ Thủ đô, được các cấp chính quyền, Công đoàn, chủ doanh nghiệp và đông đảo người lao động hưởng ứng tích cực.
Những sáng kiến không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, nâng cao năng suất lao động mà còn tạo ra nhiều giá trị mới, mang lại sự phát triển lâu dài. Nhiều sáng kiến đã giúp tiết kiệm nguyên vật liệu, cải thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường, có ý nghĩa tích cực về mặt an sinh xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn Thủ đô.
Chị Nguyễn Ngọc Hà - nhân viên Công ty TNHH Canon Việt Nam là một trong 100 công nhân tiêu biểu, có nhiều sáng kiến xuất sắc được tuyên dương tại Hội nghị tuyên dương “Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô” năm 2024.
Chị Hà cho biết, trong quá trình phát triển, Canon Việt Nam không chỉ chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đặc biệt quan tâm đến việc phát huy khả năng sáng tạo và cải tiến trong công nhân viên.
Theo đó, hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do các cấp Công đoàn phát động, Công đoàn Công ty đã phối hợp cùng Ban Giám đốc Công ty triển khai các phong trào thi đua, các hoạt động đào tạo, hướng dẫn nâng cao kiến thức và tay nghề cho công nhân lao động trong toàn Công ty.
“Mỗi năm, công ty đều tổ chức các cuộc thi tay nghề, tạo điều kiện cho các công nhân thuộc nhiều bộ phận khác nhau được trải nghiệm, nâng cao tay nghề và kiến thức. Đó chính là môi trường lý tưởng để tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác có thể phát huy hết tiềm năng của mình, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Những phong trào thi đua và các cuộc thi sáng kiến tại công ty đã trở thành nguồn động lực, không chỉ giúp chúng tôi đóng góp vào sự phát triển bền vững của công ty mà còn mang lại giá trị thực tiễn cho cuộc sống và công việc hàng ngày”, chị Hà tâm sự.
Chia sẻ về những sáng kiến, sáng tạo của bản thân, chị Hà cho biết, là một nhân viên Phòng Quản lý chi phí trực thuộc bộ phận gián tiếp, trước tình hình khó khăn về nguồn nhân lực lao động cũng như sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tình hình kinh tế trên thị trường nói chung, Tập đoàn Canon trên toàn thế giới và Công ty TNHH Canon Việt Nam nói riêng, chị cùng các đồng nghiệp luôn trăn trở, mong muốn cải tiến tìm ra những đề án làm việc mới nhằm hỗ trợ khắc phục những khó khăn. Chị Hà cùng các đồng nghiệp không ngừng tìm hiểu, học hỏi, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của ban lãnh đạo Công ty để đưa ra phương thức làm việc mới áp dụng tự động hóa nhằm giảm gánh nặng cho nguồn nhân lực, tăng tính chính xác, giảm thời gian làm việc.
Không chỉ riêng nội bộ Canon Việt Nam mà chị Hà và đồng nghiệp còn kết hợp với phía Tập đoàn sáng tạo những cải tiến về chi phí sản xuất nhằm đưa đến tay khách hàng tiêu dùng những sản phẩm với chất lượng cao nhất có chi phí thấp nhất, nâng cao thị phần máy in Canon Việt Nam trên thị trường thế giới.
“Nhờ sự cải tiến này, chúng tôi đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng, đồng thời cải thiện đáng kể hiệu suất sản xuất. Dự án đã được sự ghi nhận của Ban lãnh đạo Công ty, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất, LĐLĐ thành phố Hà Nội. Đây là niềm tự hào lớn đối với chúng tôi và cũng là động lực để tiếp tục tìm kiếm những giải pháp mới trong công việc hàng ngày”, chị Hà bộc bạch.
Từ thực tiễn sáng kiến sáng tạo của mình, chị Hà đúc rút: “Tôi tin rằng, mỗi cá nhân trong doanh nghiệp đều mang trong mình tiềm năng sáng tạo và khả năng đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung. Điều quan trọng nhất chính là việc chúng ta có được một môi trường làm việc thuận lợi, khuyến khích và tạo điều kiện cho những ý tưởng đổi mới được phát huy. Tôi hy vọng rằng, Công đoàn các cấp sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình, triển khai nhiều hơn nữa những phong trào thi đua thiết thực, mang tính đổi mới, giúp chúng tôi có thêm nhiều cơ hội để cống hiến, phát triển bản thân và góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước”.
Doanh nghiệp đồng hành cùng người lao động
Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế của cả nước, là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp với khoảng 250.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 2,7 triệu người lao động. Trong đó, hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại 9 khu công nghiệp với khoảng 160.000 lao động.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, việc đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cải thiện đời sống cho người lao động trở thành nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.
Ông Okutani Masahiro - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam - đơn vị tiêu biểu trong việc chăm lo và tạo điều kiện cho người lao động phát huy sáng kiến, sáng tạo |
Đồng hành cùng cấp ngành và Công đoàn, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức các phong trào thi đua, khen thưởng cho người lao động có sáng kiến, cải tiến trong công việc.
Ông Okutani Masahiro - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam cho biết, tính đến tháng 9/2024, Công ty có tổng số 4.100 lao động, thu nhập trung bình đạt 11 triệu đồng/người/tháng.
Kể từ khi thành lập đến nay, Công ty luôn đồng hành cùng người lao động để nâng cao chất lượng cuộc sống và tinh thần của người lao động. “Chúng tôi luôn ý thức rõ là cần tạo dựng một môi trường làm việc lý tưởng trong công ty. Một môi trường làm việc lý tưởng là nơi đảm bảo sự hài hòa giữa “cho đi” và “nhận lại” từ cả công ty và người lao động”, ông Okutani Masahiro nhấn mạnh.
Để nâng cao môi trường làm việc lý tưởng cho người lao động, Công ty đã thực hiện nhiều chính sách ưu việt như: Luân chuyển công việc, làm việc tại nhà, chính sách D.E.I.B đảm bảo một môi trường làm việc thực sự đa dạng, công bằng, hòa nhập thuộc về người lao động. Để đa dạng lực lượng lao động, Công ty có chính sách tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc.
Bên cạnh đó, Ban Giám đốc Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam luôn coi trọng sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quản lý. Ban Giám đốc và toàn thể người lao động luôn cố gắng hết sức để ngăn ngừa tai nạn, thiệt hại về sức khỏe và xây dựng văn hóa an toàn toàn công ty.
Để nâng cao trình độ, năng lực của nhân viên, Công ty xây dựng chính sách tạo dựng văn hóa “Học tập suốt đời cùng YAMAHA”. Các phương pháp đào tạo đa dạng nhằm tạo cơ hội cho người lao động học tập mọi lúc, mọi nơi như: Đào tạo trong công việc, đào tạo trên lớp, đào tạo trực tuyến, đào tạo định hướng. Đồng thời, chính sách phát triển nhân tài cũng tạo cơ hội để phát hiện sớm, nuôi dưỡng và giữ chân nhân tài tại Yamaha, ghi nhận sự phát triển năng lực của công nhân viên.
Công ty cũng quan tâm thực hiện các chế độ phúc lợi bằng tiền như: Tỷ lệ tăng lương bình quân hằng năm từ 7 - 8%, thanh toán làm thêm cao hơn luật quy định 20 - 50%, lương bổ trợ thêm vị trí lao động nặng nhọc 7%. Tiền thưởng cuối năm từ 2 đến 3 tháng lương, thưởng công nhân viên xuất sắc trung bình 2 triệu đồng/người, thưởng doanh số 3,5%... Ngoài ra, chế độ phúc lợi cho người lao động còn có 7 trợ cấp thông thường (như nhà ở, đi lại) và 15 phụ cấp trợ cấp đặc thù công việc (như trợ cấp công tác, trợ cấp đào tạo xa nhà, trợ cấp ngoại ngữ)… Người lao động còn được hưởng thêm 17 chế độ phúc lợi không thanh toán bằng tiền.
Ban lãnh đạo Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam cũng luôn đề cao sự gắn kết giữa Công đoàn để tạo điều kiện về thời gian và hỗ trợ thêm kinh phí tổ chức phong trào thi đua nội bộ, tổ chức nhiều các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để người lao động có tinh thần làm việc cao, giúp tăng hiệu suất lao động.
Có thể thấy, việc triển khai, phát huy tốt phong trào “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” đã tạo ra những giá trị kinh tế, xã hội to lớn, không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn khẳng định vai trò, vị trí của người lao động, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của thành phố.