Kỳ vọng những quyết sách quan trọng để triển khai Luật Thủ đô
Đảm bảo yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật Thủ đô HĐND TP Hà Nội xem xét 16 nghị quyết thi hành Luật thủ đô Khai mạc kỳ họp chuyên đề triển khai Luật Thủ đô |
Biện pháp ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng
Sáng nay (19/11), HĐND TP Hà Nội tổ chức kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) xem xét, ban hành các nội dung triển khai, thi hành Luật Thủ đô năm 2024 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của HĐND TP.
Theo đó, HĐND TP Hà Nội xem xét nhiều nghị quyết, nội dung quan trọng như: Quy định về điều kiện, thủ tục xét tặng danh hiệu công dân danh dự Thủ đô; quy định áp dụng các biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm; chính sách tiếp tục hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ; đề án giao thông thông minh của thành phố; nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng của một số khu công nghiệp…
Luật Thủ đô có những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước |
Trước những vấn đề nóng được đặt ra, nhiều người dân quan tâm theo dõi sát sao thông tin tại kỳ họp. Anh Nguyễn Văn Thao (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tình trạng chủ đầu tư không tuân thủ, không chấp hành các quy định pháp luật về trật tự xây dựng, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Vì vậy, chúng tôi rất ủng hộ quy định “biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi xử lý vi phạm” trong Luật Thủ đô 2024. Hy vọng, sau khi HĐND TP Hà Nội thông qua, quy định này sẽ sớm được triển khai thi hành”.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, khi đưa nội dung ngừng cung cấp điện, nước vào Khoản 2, Khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô 2024, việc đánh giá tác động đã được TP Hà Nội thực hiện công phu. Đây là biện pháp quản lý hành chính chứ không phải xử lý vi phạm hành chính.
Chính sách đặc thù này đến thời điểm hiện nay chỉ có Hà Nội thực hiện, được thể hiện trong Luật Thủ đô. Nghị quyết khi được HĐND TP Hà Nội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, chỉ áp dụng với công trình phát sinh sau ngày 1/1/2025 mà không “hồi tố”, tức áp dụng với công trình vi phạm trở về trước.
Dự thảo quy định thẩm quyền yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo hướng giao cho chủ tịch UBND cấp xã, bởi đây là cấp sát dân, sát công trình vi phạm. Từ khi chính quyền cấp xã lập biên bản xác định chủ công trình cố tình vi phạm, chỉ trong 2-3 ngày phải áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước.
Việc ban hành nghị quyết không làm tăng biên chế, không tạo ra yêu cầu bổ sung nhân lực cho bộ máy Nhà nước, không tạo ra sự cồng kềnh trong tổ chức.
Tiếp tục hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau lũ
Đáng chú ý, tại kỳ họp này, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với một số cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão năm 2024.
Hà Nội sẽ chi hơn 37 tỷ đồng hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau bão lũ |
Theo tờ trình của UBND TP, đầu tháng 9/2024, cơn bão số 3 (bão Yagi) và mưa lũ sau bão đã ảnh hưởng rất lớn đến các tỉnh phía Bắc trong đó có Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão như: Tập trung các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục hậu quả sau bão, xử lý môi trường; quản lý, chăm sóc diện tích cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng; phòng trừ dịch bệnh, phục hồi sản xuất; triển khai ngay việc hỗ trợ phục hồi sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND; bổ sung nguồn vốn qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách TP Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ Khuyến nông để người dân vay vốn khôi phục sản xuất.
Để tiếp tục hỗ trợ người sản xuất giảm bớt một phần khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, động viên người dân nhanh chóng, tích cực khôi phục sản xuất, việc xây dựng Nghị quyết về hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với một số cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão năm 2024 là rất cần thiết. Tổng kinh phí dự kiến hơn 37 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Kinh phí hỗ trợ thực tế sẽ được cụ thể hoá trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
Ủng hộ cao quyết sách này, cô Trần Thu Hiền (sống tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bày tỏ: “Ảnh hưởng của cơn bão số 3 quá khủng khiếp, đặc biệt là một số huyện ngoại thành của Hà Nội. Vì thế, tôi hoan nghênh quyết định của thành phố khi tiếp tục dành ngân sách hỗ trợ người dân các vùng bị thiệt hại bởi bão lũ. Đây là hành động nhân văn, rất mong chương trình hỗ trợ sẽ được triển khai sớm, đúng đối tượng và nhanh chóng”.
Luật Thủ đô có những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước, trong đó thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội nhưng cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong việc thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của Nhân dân.
Vì thế, Kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 19) được HĐND TP Hà Nội tổ chức là sự chủ động, kịp thời của HĐND, UBND TP trong triển khai Luật Thủ đô, đảm bảo Luật sớm đi vào cuộc sống.