Tạo cơ chế để liên kết vùng hiệu quả
Còn nhiều bất cập
Hiện nay, vùng Thủ đô có 10 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình, trong đó có 6 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và 4 tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.
Ảnh minh họa |
Trên thực tế, vùng Thủ đô đang có quy hoạch xây dựng theo Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Luật Quy hoạch năm 2017, xác định có 6 vùng kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho việc triển khai các nhiệm vụ giữa các vùng, do có sự chồng lấn về các đơn vị hành chính. Sự phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch của vùng thành phố Hà Nội hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập.
Cụ thể như, về phát triển công nghiệp chưa có sự liên kết và hợp tác sản xuất trong công nghiệp, mỗi lĩnh vực công nghiệp đều phát triển độc lập, chưa phát triển công nghiệp phụ trợ và các dịch vụ phát triển công nghiệp. Tính chất của các khu công nghiệp đều giống nhau, đều có các nhà máy cơ khí, dệt, may, điện tử, tin học, hoá chất, vật liệu xây dựng...
Các khu công nghiệp không được chuyên môn hoá và hợp tác trong sản xuất. Việc phân bố các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong vùng Thủ đô cũng không có sự phối hợp giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh mà biểu hiện phát triển tự phát của từng tỉnh và cạnh tranh giữa các tỉnh kế cận.
Các tỉnh đua nhau phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp bám sát các đường quốc lộ, đường liên tỉnh đã gây ra nạn ách tắc xe cộ và nhiều tai nạn giao thông trên các đường quốc lộ vào Hà Nội.
Về thương mại vùng thành phố Hà Nội hiện nay, chưa hình thành hệ thống thương mại toàn vùng, bao gồm hệ thống bán buôn bán lẻ kho tàng hậu cần, chưa có sự liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh với thành phố Hà Nội, sự liên kết hợp tác còn ở mức thấp.
Về du lịch vùng Thủ đô, chưa có sự liên kết và hợp tác để tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương, bao gồm du lịch cảnh quan, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa phục vụ cho nhiều đối tượng khách trong nước và quốc tế.
Cấp thiết sửa đổi luật
Trước những bất cập trên, việc sửa đổi Luật Thủ đô là yêu cầu cấp thiết, kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, giúp Thủ đô “cởi bỏ” những cơ chế ràng buộc; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh nhằm xây dựng Thủ đô thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước.
Mạng lưới đường vành đai, đường hướng tâm vùng Thủ đô |
Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm có 7 chương, 60 điều (tăng 3 chương, 33 điều so với Luật Thủ đô 2012), quy định toàn diện trên các lĩnh vực.
Về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô chủ yếu nằm ở chương V được quy định từ Điều 46 đến Điều 52 của dự thảo Luật, điều chỉnh cả những hoạt động kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, có quy định giao Thủ đô vai trò: “Chủ trì điều phối thực hiện và quản lý quy hoạch Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Bên cạnh đó, thẩm quyền về đầu tư các dự án có tính chất vùng, việc đầu tư sang địa bàn tỉnh khác của các địa phương, các ưu đãi đầu tư đối với dự án của Vùng, các cơ chế, quy định đặc thù về liên kết vùng trong các lĩnh vực: Hạ tầng kỹ thuật, môi trường, giáo dục, lao động, quản lý dân cư, phân vùng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, logistic, dịch vụ - vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía Tây Thành phố, về giáo dục, đào tạo, khoa học - vùng Hòa Lạc, Xuân Mai.
Theo PGS.TS Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, quy định về khái niệm Vùng Thủ đô cần phải tính đến không chỉ là mục tiêu phát triển của Thủ đô mà cần phải tính đến nhiều yếu tố khác. Thứ nhất, Vùng Thủ đô phải nhằm mục đích không chỉ phục vụ sự phát triển của Thủ đô mà phải là sự phát triển bền vững của cả khu vực xung quanh Thủ đô.
Thứ hai, quy định rõ về mục đích thiết lập Vùng Thủ đô phải có nội dung phù hợp để khuyến khích và thu hút được sự phối hợp chủ động của các tỉnh ở thành phố trực thuộc Trung ương xung quanh Thủ đô để họ nhận thấy rằng việc tham gia phối hợp để thúc đẩy kinh tế xã hội của Vùng Thủ đô là lợi ích của bản thân mỗi địa phương chứ không phải chỉ vì sự phát triển của Thủ đô.