Liên kết vùng tạo đà cho các địa phương phát triển mạnh
Diễn đàn giúp các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX), Hiệp hội ngành nghề, nhà sản xuất có thêm những góc nhìn góp phần thúc đẩy liên kết vùng phát huy thế mạnh kinh tế tập thể, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, cùng cả nước đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).
Tham dự diễn đàn có lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành: Liên minh HTX Việt Nam; Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương); Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT); Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT); Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) và 200 đại diện của các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã...
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam |
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết liên kết vùng dù là câu chuyện đã được nói đến nhiều, nhưng thực thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, kinh tế - xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; Quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Liên kết kinh tế vùng cũng chưa được mở đường, dẫn dắt mạnh, trong khi chủ thể liên kết quan trọng là doanh nghiệp, là HTX và các tổ chức về kinh tế chưa phát huy được vai trò của mình. Chính những hạn chế này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động liên kết vùng. Bên cạnh đó, chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX hình thành cụm liên kết ngành.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh, điều mà chúng ta cần làm trong thời gian tới là phải bứt phá khỏi cách làm cũ, nhất là cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau. Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.
Quang cảnh tọa đàm |
Để các mục tiêu, yêu cầu trên trở thành hiện thực và liên kết vùng là động lực phát huy thế mạnh địa phương, triển vọng cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, cần giải quyết được các thách thức, điểm nghẽn về hợp tác và liên kết vùng ở các địa phương; Cần tạo kênh thông tin thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, huy động đa dạng các nguồn lực đế hỗ trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững; Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, công chức, viên chức liên quan về lợi ích của liên kết vùng…
“Tôi hy vọng các địa phương sẽ có sự dẫn dắt mạnh hơn trong liên kết vùng, để là điểm tựa cho DN, HTX đi vào guồng máy liên kết, cùng nhau “kéo” sức tăng trưởng kinh tế phục hồi tốt và vươn lên tầm cao mới”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam kỳ vọng.
Tại Diễn đàn, các diễn giả tập trung đề cập những vấn đề - những cơ hội và thách thức trong thúc đẩy liên kết vùng ở Việt Nam; Vai trò của liên kết vùng trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam; một số giải pháp hoàn thiện về thể chế liên kết vùng; Liên kết vùng từ góc nhìn địa phương; Thực trạng mô hình liên kết vùng ở các địa phương…
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) |
TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, hội nhập buộc từng địa phương và từng vùng ở Việt Nam phải hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng, sự khác biệt của mình, phải có sự sắp xếp, phân công lao động hợp lý trong từng vùng. Với đặc điểm nền kinh tế, sản xuất còn nhỏ lẻ… các vùng ở Việt Nam cần có những điều chỉnh thích ứng, đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang phương thức sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chuyển đổi theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp ở các địa phương khác trong vùng.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh hướng đến ổn định sản lượng, hạn chế tổn thất cho người nông dân. Đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương, kết nối doanh nghiệp sản xuất, phân phối các tỉnh, thành phố; cần chiếm lĩnh thị trường nội địa; Hỗ trợ phân phối hàng hóa qua một số kênh nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như: Central Group, Aeon, Lotte, MM Mega Market...
Các chuyên gia tham dự diễn đàn cũng đưa ra những khuyến nghị để thúc đẩy liên kết phát triển các địa phương. Qua đó góp phần tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương… các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, tăng tốc phát triển kinh tế ở các địa phương, góp phần cùng cả nước đạt được các mục tiêu kinh tế trong thời gian tới.