Quy hoạch đúng, Hà Nội sẽ phát huy vai trò đầu tàu, lan tỏa, dẫn dắt phát triển
Đó là chia sẻ của Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong tại Hội thảo khoa học “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp tổ chức sáng nay (29/9).
Không đặt vấn đề cạnh tranh trong quy hoạch
Đánh giá cao những phát biểu tham luận tại hội thảo cũng như những góp ý, gợi mở của các chuyên gia, nhà khoa học đối với Quy hoạch Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, những ý kiến này không chỉ cung cấp thêm cho TP các vấn đề mới trong quy hoạch mà góp phần định hướng nhiều lĩnh vực.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo |
"Liên quan đến nông nghiệp, lâu nay, TP mới chỉ quan tâm đến nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ… mà chưa quan tâm tới nông nghiệp đô thị. Từ những ý kiến tham góp tại hội thảo, TP sẽ có những điều chỉnh hợp lý về định hướng phát triển nông nghiệp Hà Nội trong tương lai"- Phó Bí thư Thành ủy cho biết.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, nếu Hà Nội có được một quy hoạch đúng, trúng thì sẽ phát huy chức năng quan trọng là đầu tàu, động lực, lan tỏa, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Đồng chí cũng cho biết, quan điểm là TP không đặt vấn đề cạnh tranh với các tỉnh, thành trong cả nước mà phải sánh tầm với các quốc gia trong khu vực, thế giới; Đồng thời, phấn đấu đến năm 2045, Hà Nội trở thành TP kết nối toàn cầu.
“Làm thế nào để hài hòa giữa phát triển văn minh, hiện đại, văn hiến là điều mà TP quan tâm. Mỗi giai đoạn lịch sử, TP có những chức năng và mối quan tâm khác nhau, vì thế, quy hoạch cũ còn nhiều bất cập cần sớm được khắc”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Khẳng định những ý kiến đóng góp tại hội thảo lần này hết sức ý nghĩa và thiết thực với TP, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: TP Hà Nội xin lĩnh hội và tiếp thu một cách nghiêm túc các giải pháp, kiến nghị của các nhà khoa học, các quý vị đại biểu để bổ sung và cụ thể hoá vào các chương trình, kế hoạch; Đặc biệt là đối với việc tổ chức triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô đang trong giai đoạn nước rút, nhằm hoàn thiện sản phẩm quy hoạch tích hợp đầu tiên của Thủ đô đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Phó Bí thư Thành ủy mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, giảng viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP, cũng như ý kiến kinh nghiệm của các tỉnh thành trong cả nước và bạn bè quốc tế đối với quy hoạch Hà Nội trong thời gian tới.
Quang cảnh hội thảo |
Ưu tiên đặc biệt để có nguồn nhân lực vượt trội
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 11 ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, như: “Một số nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội” của GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; “Phát triển cải tạo và tái thiết các không gian công cộng, không gian xanh đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội” của PGS.TS.KTS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; “Phát huy vai trò dẫn dắt và kết nối của thành phố Hà Nội để phát triển vùng Thủ đô hiện đại và bền vững” của PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương; “Một số ý kiến góp ý đối với đề cương định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp.
Với tham luận “Phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô - nền tảng và động lực cho “văn hiến - văn minh - hiện đại”, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cần được ưu tiên đặc biệt để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, vượt trội.
“Chương trình giáo dục đóng vai trò nền tảng, quyết định đến việc hình thành những thế hệ công dân Thủ đô phát triển toàn diện, có phẩm chất, năng lực ưu tú, có năng lực hội nhập quốc tế và giữ được bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy, các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường cần chủ động phát triển chương trình quốc gia phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và tiệm cận với xu hướng quốc tế.
Trong quá trình điều chỉnh, bổ sung chương trình quốc gia và triển khai thực hiện, cần có sự tham gia của các nhà khoa học giáo dục, các trường đại học sư phạm, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác đào tạo, nghiên cứu với việc thực hiện chương trình ở cơ sở giáo dục, giữa lý thuyết với thực tiễn” - GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Trong tham luận Quy hoạch mạng lưới y tế Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS.BS Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, với vị thế là Thủ đô, Hà Nội cần xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, với chiến lược hướng đến xây dựng nền y tế nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, thay cho chiến lược tập trung phát hiện và điều trị bệnh.
Nêu quan điểm về phát triển hệ thống y tế Thủ đô, GS.TS.BS Tạ Thành Văn cho rằng, Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, là trung tâm giao lưu, phát triển các quan hệ quốc tế và hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của đất nước.
Theo đó, thành phố cần xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến, hiện đại, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu của người dân và hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả...