Sẵn sàng cấp nước phục vụ bà con gieo cấy vụ Xuân
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủy lợi Hà Nội kiểm tra công tác lấy nước phục vụ nhân dân gieo cấy vụ Xuân tại Trạm bơm Ấp Bắc
Bài liên quan
Sau hai đợt xả nước, Hà Nội vẫn chưa lấy đủ nước gieo cấy
Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ xuân, tăng cường phòng chống dịch
Tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ thủy điện để gieo cấy
Hà Nội tập trung cao độ lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp
Hà Nội tiến hành lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Xuân
Chuẩn bị sẵn sàng các phương án
Do tập quán canh tác của người dân địa phương nên một số huyện như Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm (Hà Nội) thường gieo cấy vụ Xuân muộn hơn so với các địa phương khác. Hiện nay, tổng diện tích gieo cấy của các huyện này mới chỉ đạt khoảng 40-50%, trong đó, riêng tại huyện Gia Lâm, người dân chưa tiến hành xuống đồng làm đất gieo cấy.
Để chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước và thời tiết bất thường, thành phố Hà Nội chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ sản xuất nông nghiệp, hoàn thành công tác lấy nước và gieo cấy vụ xuân trước ngày 25/2/2020. Hiện tại, các đơn vị liên quan và nông dân Thủ đô đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thực hiện chỉ đạo này.
Đơn cử như Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủy lợi Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ tưới, tiêu cho địa bàn các huyện Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, Sóc Sơn và một phần quận Long Biên. Trong đó, diện tích tưới vụ Xuân 2020 theo kế hoạch là 26.908,84 ha (diện tích đổ ải là 22.441,44ha). Nguồn cấp nước tưới trên địa bàn chủ yếu lấy từ các sông: Hồng, Đuống, Cầu, Cà Lồ, Ngũ Huyện Khê...
Công nhân kiểm tra các tổ máy trước khi vận hành để lấy nước phục vụ bà con gieo cấy vụ Xuân |
Để chuẩn bị tốt cho công tác chống hạn vụ Xuân 2020, ngay từ tháng 10/2019, Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủy lợi Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hiện trạng công trình chống hạn trên địa bàn quản lý. Theo đó, công ty đã chủ động xây dựng và thực hiện các công trình, phương án quản lý, vận hành, khai thác bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi; nạo vét khơi thông các bể hút, cửa khẩu các tuyến kênh trọng điểm; lắp đặt các trạm bơm dã chiến...
Đồng thời, công ty cũng kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai từ công ty đến các xí nghiệp, quán triệt đến cán bộ, công nhân phương án phòng chống hạn, các biện pháp nhằm ứng phó với diễn biến thất thường của thời tiết. Ngoài ra, công ty phân công cán bộ, người lao động thường xuyên túc trực tại các công trình trọng điểm.
Nói về công tác lấy nước phục vụ nhân dân trên địa bàn bốn huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm sản xuất vụ Xuân, ông Nguyễn Đức Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủy lợi Hà Nội cho biết: Sau hai đợt lấy nước, Tổng Công ty đã bơm 12.963 giờ, tổng lượng nước khoảng 17.131.427m3. Diện tích có nước 19.282,14/22.441,44 ha, đạt 86%, diện tích gieo cấy là 10.537,32ha đạt 47%.
Trong đó, tại huyện Sóc Sơn, diện tích có nước là 7.985,07/9.388,82ha đạt 85%, diện tích gieo cấy là 6.361,82ha đạt 68%. Tại huyện Mê Linh, diện tích có nước là 4.432,07/4.664,39ha đạt 95%, diện tích cấy 2.111,5ha, đạt 45%. Huyện Đông Anh, diện tích có nước là 5.865/5.956,85ha đạt 98%, diện tích cấy 2.050ha đạt 34%. Riêng tại huyện Gia Lâm, do tập quán canh tác muộn nên công tác lấy nước chậm hơn so với các huyện còn lại, cụ thể hiện nay, diện tích có nước trên địa bàn huyện là 1.000/2.431,38ha, đạt 41%, diện tích gieo cấy khoảng 10,5ha đạt 0,5%.
Vận động người dân khẩn trương làm đất, gieo cấy
Trực tiếp đi kiểm tra công tác lấy nước đổ ải phục vụ bà con nhân dân gieo cấy vụ Xuân tại Trạm bơm Ấp Bắc (xã Võng La, Đông Anh), ông Nguyễn Văn Hải, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách điều hành Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủy lợi Hà Nội cho biết: Để chủ động thích ứng với tình trạng dòng chảy bị thiếu hụt, các Xí nghiệp đã chủ động lắp đặt trạm bơm dã chiến và vận hành máy bơm lấy nước sớm, đồng thời tăng cường tối đa các trạm bơm lấy nước từ các sông trong các đợt xả nước của hồ thủy điện. Ngoài ra, Công ty cũng chỉ đạo các đơn vị phải quản lý chặt chẽ nguồn nước tưới và tiết kiệm nước trong quá trình đổ ải, gieo cấy.
Hiện tại Công ty đang quản lý 486 trạm bơm tưới tiêu kết hợp; 7.891 tuyến kênh tưới tiêu kết hợp; 56 hồ chứa; 25 bai đập dâng. Đợt ba lấy nước sẽ bắt đầu thực hiện theo đúng kế hoạch (ngày 19-21/2). Công ty sẽ tập trung vận hành các trạm bơm lấy nước từ các sông để đổ ải cho diện tích còn lại và tưới dưỡng. Công ty phấn đấu hoàn thành đổ ải xong trước ngày 20/2 và gieo cấy xong trong tháng 2.
“Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã tích trữ đủ nước trong các hồ chứa, hệ thống kênh, ao để phục vụ bà con nhân dân đổ ải và gieo cấy vụ Xuân. Chỉ cần người dân chuẩn bị xong mạ cấy là sẽ có đủ nước dẫn vào đồng ruộng. Riêng một số xã thuộc huyện Mê Linh do địa hình đất cát, không có khả năng giữ nước nên công ty đã chuẩn bị sẵn các phương án để cấp nước đầy đủ phục vụ nhân dân gieo cấy và tưới dưỡng”, ông Hải nhấn mạnh.
Dự kiến sẽ sớm hoàn thiện nhiệm vụ lấy nước đổ ải và gieo cấy vụ xuân trước ngày 20/2 |
Đang là thời gian cao điểm lấy nước phục vụ sản xuất nên lúc nào Trạm bơm Ấp Bắc cũng duy trì vận hành cả 25 tổ máy. Ông Nguyễn Mạnh Nhất, Phó Giám đốc Xí nghiệp phụ trách Cung cấp nước thô và Xây dựng cho biết: Ngoài nhiệm vụ cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Bắc Thăng Long, xí nghiệp còn phục vụ hơn 4.000ha đất sản xuất nông nghiệp cho bà con hai huyện Đông Anh và Sóc Sơn.
“Để đảm bảo lấy nước đúng tiến độ phục vụ nhân dân gieo cấy, từ cuối tháng 1 đến nay, xí nghiệp luôn vận hành hết công suất các tổ máy. Trung bình, chúng tôi cung cấp khoảng 130.000-150.000 m3/ ngày/ đêm. Dự kiến, xí nghiệp sẽ sớm hoàn thiện nhiệm vụ lấy nước đổ ải và gieo cấy vụ xuân trong tuần tới”, ông Nhất nói.
Để lấy đủ nước gieo cấy vụ xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã đề nghị Tổng cục Thủy lợi và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục điều tiết nguồn nước trong đợt lấy nước thứ ba (từ 0h ngày 19/2 đến 24h ngày 21/2). Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi vận hành tối đa công trình các trạm bơm: Đan Hoài, Ấp Bắc, Thanh Điềm, Phù Sa… khi mực nước sông Hồng đạt yêu cầu; tranh thủ nguồn nước hồi quy và thủy triều lấy nước tạo thế chủ động và tiết kiệm nguồn nước xả của các hồ chứa.
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục tổ chức vận động, hướng dẫn người dân tăng cường thực hiện việc làm đất để giữ nước trên ruộng, gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước và tiết kiệm nước cho tưới dưỡng lúa Xuân.
Trang thông tin có sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội