Rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực của lực lượng phòng, chống thiên tai cấp xã
Ảnh minh họa |
Công văn nêu rõ, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành của thành phố tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 20/8/2021 của UBND thành phố về việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thành phố đề nghị các sở, ngành, địa phương chủ động lồng ghép các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của chương trình trên vào mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; Tham mưu, phối hợp thực hiện danh mục các nhiệm vụ, đề án, dự án chủ yếu của chương trình, bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ.
Trong đó các đơn vị cần tập trung thường xuyên rà soát, tham mưu kiện toàn cơ quan quản lý và tham mưu chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai các cấp, các ngành bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai; Tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai theo nhiệm vụ được giao, phù hợp với đặc điểm, tình hình thiên tai trên địa bàn thành phố.
Về đầu tư nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai: Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ tham mưu chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố để từng bước kết nối trực tuyến với cơ quan phòng, chống thiên tai Trung ương và các cấp ở địa phương, phục vụ chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả trước các tình huống thiên tai; Xây dựng, tu bổ, nâng cấp và quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình phòng, chống thiên tai; Xây dựng, sửa chữa, nâng cấp kết hợp đa mục tiêu các trụ sở chính, công trình công cộng, như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, nhà sinh hoạt cộng đồng thành nơi tránh trú khi xảy ra thiên tai...
Thành phố yêu cầu thường xuyên rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ" trong phòng, chống thiên tai; Điều chỉnh, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp phù hợp với thiên tai địa phương, bảo đảm sinh kế bền vững, giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp;
Đồng thời, các đơn vị rà soát, thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, hoạt động của các cấp, các ngành; Thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm về đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai, các công trình làm gia tăng rủi ro thiên tai; Chủ động bố trí, huy động các nguồn lực hợp pháp tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và ngân sách nhà nước...