Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp
Chi hơn 2.510 tỷ đồng cải thiện môi trường đô thị TP Phan Thiết Nhựa Tiền Phong hướng đến “xanh hóa” môi trường Công ty TNHH Công nghiệp Plus Việt Nam bị phạt nặng do vi phạm môi trường |
Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực Nam Trung Bộ” |
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) vừa phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường, Tạp chí Công nghiệp môi trường tổ chức hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực Nam Trung Bộ” tại TP Đà Nẵng.
Theo đó, hội nghị nhằm kịp thời cập nhật các quy định pháp luật mới về công tác bảo vệ môi trường, cũng như trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khu vực Nam Trung Bộ; đồng thời, giải đáp các vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện quy định pháp luật chuyên ngành.
Đại diện Cục An toàn Môi trường chia sẻ kinh nghiệm trong thực thi các chính sách bảo vệ môi trường |
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Cục An toàn Môi trường cho biết, giai đoạn vừa qua, ngành công thương đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Bên cạnh đóng góp to lớn đó, nhiều lĩnh vực công nghiệp như dầu khí, phân bón, hóa chất, thép, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản… cũng là những ngành phát sinh nhiều loại chất thải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường cao nếu không được kiểm soát một cách hợp lý.
Đặc biệt là các quy định về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, kiểm kê khí nhà kính, quản lý chất thải, quan trắc môi trường, ứng phó sự cố môi trường…
Tuy đã được triển khai thực hiện gần 2 năm, nhưng một số quy định vẫn còn tồn tại những vướng mắc nhất định, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.
Do đó, việc tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quy định, chính sách mới về bảo vệ môi trường cũng như khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường tiết kiệm và thu hồi năng lượng, tái sử dụng và tái chế nước sau xử lý nước thải, rác thải... tại các doanh nghiệp là cần thiết và cần được đẩy mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Trần Văn Lượng chia sẻ tại hội nghị |
Tại hội nghị, các chuyên gia đã phổ biến các quy định mới về bảo vệ môi trường tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 liên quan đến ngành, lĩnh vực công thương và các Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, cũng như cập nhật những quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và một số vấn đề đang đề xuất, sửa đổi…
Báo cáo tham luận tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Liên, Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT) cho biết, khu vực miền Trung và Tây Nguyên hiện còn 184 cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng xử lý nước thải tập trung.
Theo Điều 49 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, các cụm công nghiệp này sẽ không được tiếp nhận thêm các dự án mới mà có phát sinh nước thải công nghiệp.
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường |
Thống kê cho biết, khu vực miền Trung và Tây Nguyên hiện còn 184 cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng xử lý nước thải tập trung - Trong ảnh: Một góc cụm công nghiệp Phước An, tỉnh Bình Định |
Bên cạnh đó, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn một số nơi còn chưa cao. Do đó, đề xuất giải pháp trong thời gian đến, các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên cần bố trí kinh phí để đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước thải; tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp; đối với các cụm công nghiệp thuộc phân cấp quản lý môi trường cấp tỉnh, cấp huyện, cần hướng dẫn, hỗ trợ các chủ đầu tư cụm công nghiệp lập hồ sơ môi trường (cấp giấy phép môi trường/đăng ký môi trường) và thực hiện các quy định của pháp luật hiện nay về môi trường.
Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng đánh giá cao sự quan tâm của Cục An toàn Môi trường, Hiệp hội Công nghiệp môi trường và các đơn vị liên quan trong việc tổ chức hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng khẳng định luôn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường |
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, hội nghị không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên nâng cao năng lực mà còn là dịp để chia sẻ những phương pháp tiên tiến, trao đổi những giải pháp tối ưu hóa trong sản xuất kinh doanh; những nội dung về quản lý chất thải ứng dụng công nghệ xanh cùng các quy trình tiết kiệm tài nguyên, giúp các doanh nghiệp không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trong việc phát triển hài hòa với thiên nhiên.
“Với vai trò là đơn vị chủ nhà, Sở Công Thương Đà Nẵng khẳng định sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của TP Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung”, ông Nguyễn Văn Trừ khẳng định.
Giải đáp vướng mắc các đơn vị, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Trần Văn Lượng nhấn mạnh, Hiệp hội Công nghiệp môi trường có trách nhiệm liên quan đến các vấn đề tái chế như: Giá tiền, trách nhiệm tái chế, đối tượng đóng phí tái chế và thu gom những sản phẩm nhập từ nước ngoài, quy chế chi tiêu tiền quỹ tái chế…
Ngoài ra, ghi nhận các ý kiến thắc mắc của các đơn vị và khẳng định sẽ có những tham vấn cho cơ quan, ban ngành liên quan.