Tag

Những đường thêu đan kết quá khứ và hiện tại

Nghệ thuật 12/11/2024 08:00
aa
TTTĐ - Nằm trong khuôn khổ chương trình Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, workshop “Những khung cửi nhỏ - Thêu xinh” nằm trong dự án Tầng chờ diễn ra tại Cung Thiếu nhi Hà Nội do trẻ chỉ dẫn đã mang đến không gian cảm thức nghệ thuật nhẹ nhàng, đan kết hồi ức của nhiều thế hệ vào những đường kim mũi chỉ tinh tế. Từ già đến trẻ, câu chuyện cuộc đời của những tâm hồn yêu sáng tạo đã đem họ xích lại gần nhau hơn bất kể khoảng cách thế hệ cách biệt.
Quảng bá, giới thiệu sản phẩm thêu ren, lụa, túi vải đến công chúng Giới trẻ sáng tạo những sản phẩm ngộ nghĩnh từ kĩ thuật thêu mới nổi

Đan kết những câu chuyện quá khứ và hiện tại

“Xếp hàng” đăng ký online theo hướng dẫn của các cháu, cô Vũ Thục (Hoàn Kiếm) đã đồng hành cùng người chị em là cô Bích Thuần (Hoàn Kiếm) tới tham dự buổi workshop. Ban đầu, hai người phụ nữ lớn tuổi có chút ngại ngùng khi đa phần người tham gia đều là các bạn trẻ. Tuy nhiên, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Thành đã chủ động “phá băng” bằng sự cởi mở và quản lý Phạm Thị Hồng Nhung đã dẫn dắt hai vị khách trải nghiệm workshop với hình thêu ưa thích của mỗi người.

Những đường thêu đan kết quá khứ và hiện tại
Nghệ sĩ, Giám tuyển Nguyễn Quốc Thành (áo đỏ) trò chuyện cùng cô giáo Vũ Thục

Là một giáo viên Toán đã về hưu và yêu thích sự đơn giản, cô Thục chọn một trái cherry đỏ làm mẫu thêu trải nghiệm. Có nhiều kinh nghiệm thêu thùa may vá từ trước, cô Thục vui vẻ vừa đưa kim vừa tâm sự chuyện đời, chuyện nghề của một nhà giáo dành nhiều tình yêu cho Hà Nội.

“Hà Nội xưa yên bình lắm” – cô Vũ Thục kể - “Thời của cô có tiếng rao hàng xén, tiếng tàu điện leng keng và một “mùi hương” Hà Nội rất yên bình. Lớn lên trong thời đại tuy thiếu thốn của cải, vật chất nhưng lại đong đầy tình người và “chất thơ”. Nó nuôi dưỡng tâm hồn cho những con người đi qua chiến tranh, bỏ đi sắc xám xịt để hướng đến hy vọng cho tương lai nhiều màu sắc hơn”.

Những đường thêu đan kết quá khứ và hiện tại
Chị Bình (áo xanh) - đồng quản lý workshop - hướng dẫn cô Vũ Thục làm việc với các loại kim, chỉ khác nhau

Những đôi tay nhẹ nhàng đi từng đường chỉ, nhưng tâm trí của các bạn trẻ tham gia buổi workshop bị cuốn hút vào lời kể của cô giáo Thục. Một Hà Nội xưa cũ nhộn nhịp, phồn hoa nhưng không xô bồ, ồn ào, mà lắng đọng trong cảm thức nghệ thuật giản dị của những con người của thế hệ đi trước. Nhiều bạn trẻ ngạc nhiên khi cô Thục là cựu giáo viên môn Toán nhưng không hề khô khan. Trái lại, cô yêu nghệ thuật, thích làm thơ, viết văn và có giọng hát rất hay. Đến với workshop Thêu Xinh, cô Vũ Thục đã mang đến một bài thơ tự làm để tặng các bạn trẻ.

Những đường thêu đan kết quá khứ và hiện tại
Bài thơ do cô giáo Vũ Thục tự sáng tác

Theo lời cô Thục, từ ngày còn trẻ, cô đã thích thêu thùa sau những giờ dạy và chấm bài cho học sinh. “Thêu xấu nhưng được cái chăm” là những lời cô giáo Thục dí dỏm chia sẻ. Công việc này giúp cô có được sự bình tâm, nhẹ nhàng hơn sau khi làm việc với những con số phức tạp. Đối với cô, kim và chỉ cũng giống như bút và vở, có thể tự do sáng tạo tùy ý nhưng cần phải tuân theo những quy tắc cơ bản.

Những đường thêu đan kết quá khứ và hiện tại
Giống như muôn vàn sợi chỉ trong một bức tranh thêu, những tâm hồn đồng điệu về nghệ thuật 'vô tình' tìm về bên nhau, đan kết lại bằng sự chân thành và đam mê giản dị

“Toán học cũng vậy, chỉ khác là chúng ta làm việc với những con số, một bài toán có thể biến hóa đa dạng nhưng đều tuân thủ theo những quy tắc, định luật căn nguyên để phát triển. Sáng tạo nghệ thuật luôn cần những ‘kim chỉ nam" hay chính là nền tảng để những ý tưởng được vươn mình lớn lên” – Cô giáo Thục nói.

Khác với người chị, cô Bích Thuần lựa chọn thử thách khó hơn khi vẽ một bông hoa sen cách điệu làm mẫu thêu. Tuy biết sẽ phức tạp, cô Thuần chỉ cười nói: “Làm ngày không đủ thì tranh thủ làm đêm, Thủ tướng đã nói rồi. Một buổi workshop có thể không xong nhưng nhờ các bạn trẻ chỉ dẫn, tôi sẽ tiếp tục hoàn thành hoa sen tại nhà”.

Những đường thêu đan kết quá khứ và hiện tại
Cô Bích Thuần cặm cụi với khung thêu

Sự có mặt của hai người phụ nữ lớn tuổi đem đến một sự chậm rãi, từ tốn như cách sống của chính họ - những người thanh niên của thời đại đi trước – đến với các bạn trẻ Gen Z. Sự vui tươi, năng động của thế hệ Z như được dung hòa với sự chín chắn, trải đời của các vị tiền bối.

Trong căn phòng nhỏ, những câu chuyện của thời đại cũ và mới giao thoa. Vừa họa màu cho những tấm toan nền nhỏ bé, các thành viên ‘tổ thêu’ ríu rít trò chuyện, vui vẻ hướng dẫn nhau từng bước kiên nhẫn. Đường chỉ mềm mại đan kết chặt vào nhau giống như sự chân thành của những tâm hồn đồng điệu yêu nghệ thuật vô tình được hội ngộ trong một không gian thư giãn, nhẹ nhàng.

Những đường thêu đan kết quá khứ và hiện tại
Buổi workshop thu hút nhiều bạn trẻ và cả những người lớn tuổi tham gia

Thêu thực tại, họa bình yên

Xuyên suốt lễ hội, không gian workshop trở thành một khung cửi lớn được tạo nên bởi những khung cửi nhỏ biến tấu từ bàn ghế, góc tường, ô cửa và những đồ vật tìm thấy trong Cung Thiếu nhi. Tại đây len, chỉ, vải không phải thớ sợi duy nhất. Những khung cửi nhỏ mời công chúng cùng thêu, dệt, đan móc, khâu vá, mang quần áo cũ đến sửa sang thêm thắt. Tiếng kéo cắt, tiếng máy khâu, lời hỏi han qua lại xen với những thao tác bện, đan, móc, buộc, giăng, dệt. Giữa những mảng dệt đang thành hình, các buổi workshop có hướng dẫn sẽ diễn ra trong khung giờ từ 15 - 17 giờ chiều hàng ngày cùng team Nhà Sàn Collective.

Những đường thêu đan kết quá khứ và hiện tại
Những cuộn chỉ rối rồi sẽ biến thành những tác phẩm duyên dáng qua bàn tay và sự sáng tạo linh hoạt của những thợ thêu

Bạn Phạm Thị Hồng Nhung – đồng quản lý workshop chia sẻ, đam mê thêu thùa đã được nhen nhóm từ những ngày thơ bé. Ngày ấy, mỗi lần thấy người bà giở kim, lật vải làm những công việc may vá, Hồng Nhung luôn bị hấp dẫn bởi từng đường kim mũi chỉ tinh tế, gọn gàng của bà. Dần dà, học theo đôi tay thoăn thoắt của bà, Nhung làm quen với khung thêu, cái kim, cuộn chỉ.

Những đường thêu đan kết quá khứ và hiện tại
Bạn trẻ Phạm Thị Hồng Nhung

Lớn lên với đam mê nghệ thuật, Nhung theo học chuyên ngành Thiết kế đồ họa và theo đuổi công việc thiết kế freelance để có thể tự do thử thách bản thân trên con đường sáng tạo.

Chia sẻ về đam mê của mình, Nhung cho biết: “Trước đây, mình cần nhiều thời gian để hoàn thành một tác phẩm thêu nhỏ. Một phần do mình khá kỹ tính, một phần cũng do kỹ năng chưa thuần thục, còn hiện tại mình chỉ cần từ 2 – 3 tiếng. Thêu thùa giúp mình bình tâm hơn, tập trung tinh thần vào những đường chỉ. Người thêu tranh cần đặc biệt chú ý đến chất liệu toan nền để lựa chọn loại chỉ phù hợp, đồng thời lên ý tưởng cụ thể và phân bổ bố cục tác phẩm sao cho hài hòa, hợp lý. Để hoàn thiện một tác phẩm ưng ý, không chỉ là kỹ năng được rèn luyện mà còn là chất cảm nghệ thuật cá nhân của mỗi người. Thoạt nhìn hai bức thêu hoa có thể giống nhau về hình dạng và màu sắc, nhưng để ý kỹ hơn, đường chỉ thêu hay cách đi nét của mỗi người sẽ mang dấu ấn cá nhân riêng biệt”.

Hồng Nhung yêu thích những mẫu thêu nhỏ xinh, có thể lấy làm huy hiệu, đồ trang trí cho túi, quần áo thời trang nhiều kiểu dáng. Cô bạn chăm chú đưa kim nhưng vẫn không quên hướng dẫn kỹ càng các bạn trẻ tham gia workshop những bước cần thiết để đảm bảo an toàn và giúp học viên cho ra những tác phẩm hoàn chỉnh ưng ý. Đối với Nhung, thêu tranh mang đến sự tĩnh lặng cho tâm hồn, tựa như bản thân đang sống giữa xô bồ của thực tại nhưng vẫn tìm ra một lối nhỏ bình yên để chữa lành cho chính mình.

“Thêu thùa cũng giống như khi một họa sĩ vẽ tranh” – Nhung chia sẻ - “Chỉ khác thay vì bút lông và màu vẽ, chúng mình dùng muôn vàn sợi chỉ nhiều màu để đưa kim ‘vẽ’ nên tác phẩm. Hiểu chất liệu, hiểu thiết kế và ý tưởng bản thân muốn truyền tải sẽ giúp người thêu tranh tự tin hơn trong mỗi đường kim. Việc này đòi hỏi tính kiên nhẫn và sự tỉ mỉ nhất định. Nếu họa sĩ đưa bút để vạch ra một vệt màu chấm phá, chúng mình cần nhiều công sức hơn khi dụng chỉ, đan kết chúng lại với nhau theo hướng nhất định để tạo nên vệt màu ấy. Thêu thùa không phải cứ đưa kim lung tung các hướng để ‘tô màu’ tác phẩm mà còn yêu cầu nguyên tắc đường thêu, hướng thêu cần được đồng nhất theo bố cục đã định ra. Làm được điều đó, thành phẩm cho ra sẽ đồng đều về màu sắc, độ bóng chỉ theo góc nhìn rất hấp dẫn”.

Những đường thêu đan kết quá khứ và hiện tại
Thêu cườm, thêu chỉ tơ, thêu nổi,.... vô vàn phong cách thêu mà bạn trẻ có thể thực hành

Với sự hướng dẫn tận tâm của các nghệ sĩ, workshop không chỉ mang đến kỹ năng mà còn mở ra không gian thư giãn, giúp người tham gia tìm thấy sự bình yên và niềm vui trong việc sáng tạo. Sự giao lưu giữa các thế hệ đã tạo nên một bản giao hưởng trầm lắng, khi mà mỗi người không chỉ học hỏi từ người khác mà còn tự khám phá thêm về chính bản thân mình. Những câu chuyện của cô giáo Vũ Thục, hay niềm đam mê tỉ mỉ của bạn trẻ Hồng Nhung, đều góp phần thổi vào không gian một làn gió bình yên và ấm áp, giúp từng người tham gia cảm nhận rõ hơn về giá trị của sự chậm rãi, kiên nhẫn và lòng yêu thương.

Những đường thêu đan kết quá khứ và hiện tại
Mỗi chúng ta cũng giống như những sợi chỉ nhiều màu, nhỏ bé nhưng mang chất riêng, đoàn kết lại với nhau để họa nên bức tranh cuộc đời đa màu sắc

“Những khung cửi nhỏ - Thêu xinh” có thể chỉ là một phần nhỏ trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, nhưng chính những trải nghiệm chân thật và giản dị này đã mang lại cho người tham gia một góc nhìn mới về thêu thùa và sáng tạo. Đó không chỉ là kỹ thuật, mà còn là cách để mỗi người kết nối với bản thân và cộng đồng, lưu giữ những cảm xúc trọn vẹn giữa nhịp sống hối hả. Buổi workshop khép lại nhưng những giá trị mà nó truyền tải sẽ còn lan tỏa, góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa sáng tạo của Hà Nội thêm phong phú, sâu sắc và đậm đà bản sắc dân tộc.

Đọc thêm

Nâng cao đời sống tinh thần của người dân, thu hút du khách Nghệ thuật

Nâng cao đời sống tinh thần của người dân, thu hút du khách

TTTĐ - Sau khi tham quan các hoạt động tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhận định nội dung trưng bày, sự kiện, tọa đàm trong lễ hội góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, thu hút du khách đến Hà Nội.
Ứng dụng chất liệu dân gian trong sáng tạo nghệ thuật Nghệ thuật

Ứng dụng chất liệu dân gian trong sáng tạo nghệ thuật

TTTĐ - Những năm gần đây, chất liệu văn hóa dân gian nổi lên như một kho tàng cảm hứng phong phú và hấp dẫn. Từ âm nhạc, thiết kế hội họa, đến phim ảnh, thời trang… các sáng tạo lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian đang len lỏi vào cuộc sống, đưa nét đẹp truyền thống “hồi sinh” trở lại.
Kết nối và đánh thức tinh thần sáng tạo của người Hà Nội Nghệ thuật

Kết nối và đánh thức tinh thần sáng tạo của người Hà Nội

TTTĐ - Tối 9/11, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 khai mạc tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Sự kiện do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc phối hợp với các đơn vị tổ chức là nơi kết nối và đánh thức tinh thần sáng tạo của người Thủ đô.
Cuộc đua gay cấn của những biểu tượng sáng tạo tương lai Văn hóa

Cuộc đua gay cấn của những biểu tượng sáng tạo tương lai

TTTĐ - Ngày 8/11, TikTok Awards Việt Nam 2024, sự kiện được các nhà sáng tạo nội dung trông chờ nhất năm, chính thức khởi động với chủ đề hoàn toàn mới “The Icons of Tomorrow, Today - Dấu ấn hiện tại tạo cảm hứng tương lai".
Hướng tới, quy tụ và huy động đóng góp từ cộng đồng Nghệ thuật

Hướng tới, quy tụ và huy động đóng góp từ cộng đồng

TTTĐ - Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 có hơn 100 hoạt động, hơn 1000 tác phẩm sáng tạo cùng sự góp sức của trên 500 người thực hành thiết kế sáng tạo. Nhiều hoạt động hưởng ứng trải rộng khắp các địa phương tại Thủ đô. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng to lớn của Lễ hội trong cộng đồng. Cộng đồng không chỉ là đối tượng hướng đến của Lễ hội, mà Lễ hội cũng trở thành nơi quy tụ sức sáng tạo mạnh mẽ của cộng đồng.
Giới thiệu di sản Việt Nam được UNESCO công nhận qua điện ảnh Nghệ thuật

Giới thiệu di sản Việt Nam được UNESCO công nhận qua điện ảnh

TTTĐ - Ngày 7/11, triển lãm ảnh “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh” đã khai mạc tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII năm 2024 - HANIFF VII.
Phát huy vai trò của các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật Văn hóa

Phát huy vai trò của các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật

10 năm qua, huyện Gia Lâm đã phát huy tốt vai trò của các câu lạc bộ, đội, nhóm văn hóa nghệ thuật quần chúng trong tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bồi dưỡng giá trị chân – thiện - mỹ cho Nhân dân.
Điểm tựa văn hoá, cầu nối nghệ thuật với giới trẻ Nghệ thuật

Điểm tựa văn hoá, cầu nối nghệ thuật với giới trẻ

TTTĐ - “Culture in You - Điểm tựa văn hoá, cầu nối nghệ thuật” mong muốn trang bị cho thế hệ trẻ hành trang văn hóa vững chắc thông qua các hoạt động nghệ thuật sáng tạo. Từ đó các bạn trẻ được hiểu rõ về cội nguồn, trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, đề cao sự hội nhập và đa dạng văn hóa, đồng thời khơi dậy niềm đam mê sáng tạo.
Triển lãm ảnh nghệ thuật “Đắk Lắk - Hội tụ và bản sắc” Nghệ thuật

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Đắk Lắk - Hội tụ và bản sắc”

TTTĐ - Ngày 1/11, tại Quảng trường 10/3 TP Buôn Ma Thuột, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ trao giải và khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật “Đắk Lắk – Hội tụ và bản sắc” năm 2024.
Họa sĩ Trần Lưu Mỹ và những "Khoảng trống" trong tâm hồn Nghệ thuật

Họa sĩ Trần Lưu Mỹ và những "Khoảng trống" trong tâm hồn

TTTĐ - Từ ngày 2 - 8/11 tại Art Space - Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (số 42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm mỹ thuật cá nhân mang tên “Khoảng trống III” của họa sĩ Trần Lưu Mỹ.
Xem thêm