Nghị lực trên xe lăn và khát khao mang tri thức đến trẻ em
Cảm phục nghị lực vươn lên của đầu bếp 9X mất 2 ngón tay Người phụ nữ nghị lực không khuất phục số phận Nghị lực đáng nể của người đàn ông học chữ nổi bằng môi |
Sinh ra trong gia đình đông con, hoàn cảnh khó khăn, ngay từ nhỏ, Hoàng Thị Dịu đã sớm ý thức về trách nhiệm và nỗ lực không ngừng để giúp đỡ gia đình. Khi chị bước sang tuổi 18 - độ tuổi thanh xuân tràn đầy hoài bão, bác sĩ chẩn đoán chị mắc hội chứng Kallman hiếm gặp khiến Dịu không có buồng trứng và mất đi khả năng làm mẹ.
Dù nỗi buồn ấy sâu thẳm và luôn chất chứa trong lòng, Hoàng Thị Dịu không từ bỏ hy vọng, vẫn chăm chỉ lao động để tự lập cuộc sống và giữ vững tinh thần lạc quan.
Chị Hoàng Thị Dịu mang đến tấm gương về nghị lực kiên cường và hành trình lan tỏa yêu thương đến cộng đồng |
Sóng gió cuộc đời vẫn chưa dừng lại, biến cố lớn xảy ra năm 27 tuổi khiến đôi chân của chị Dịu không còn khả năng đi lại. Căn bệnh xương thủy tinh ập tới đã khiến chị gặp khó khăn trong từng bước đi và phải gắn bó với xe lăn.
Từ ngày mất khả năng đi lại, chị cũng gặp rất nhiều khó khăn từ việc đi đứng cũng như sinh hoạt cá nhân, tất cả đều phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của người thân. Chưa kể, giờ đây cha mẹ Dịu cũng đã có tuổi, không còn khỏe mạnh như xưa, cũng chỉ có thể đỡ đần được cho con phần nào. Chính điều đó thôi thúc chị quay lại con đường học hành, trau dồi năng cao giá trị bản thân.
Một lần nữa, Hoàng Thị Dịu vượt lên nghịch cảnh bằng sự kiên cường, lòng nhân ái và quyết tâm sống ý nghĩa. Chị bắt đầu tiếp xúc với công nghệ, học hỏi qua những kênh mạng và dần bén duyên với nghề dạy học. Ban đầu, do lời ngỏ ý giúp đỡ của anh trai, chị đã nhận lời kèm cặp và chỉ dạy cho đứa cháu trong suốt khoảng thời gian hè. Cũng chính từ lúc đó, chị bắt đầu có niềm say mê với việc dạy học.
“Được giảng bài cho các em nhỏ, tôi thấy vui lắm, cảm thấy mình có ích và được tiếp thêm nhiều động lực để không ngừng trau dồi, làm mới bản thân. Điều đó đã thôi thúc tôi mở ra các lớp học miễn phí tại nhà, đối tượng học sinh chủ yếu là các em mới bắt đầu học lớp một, cần được sự chỉ dẫn uốn nắn nhiều” - chị Dịu tâm sự.
Chị Dịu mở lớp học và thư viện miễn phí ngay tại quê nhà nhằm truyền đạt tri thức và niềm tin cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn giống mình. Hoạt động này không chỉ giúp các em nhỏ có cơ hội tiếp cận với sách vở, mà còn tạo nên một không gian nơi mọi người được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu.
Bạn Nghiêm Thanh Mai xúc động kể về hành trình vượt cả nỗi đau về tinh thần và thể xác của chị Dịu |
Sự xuất hiện của bạn Nghiêm Thanh Mai, một người cháu đã đồng hành chăm sóc chị Dịu từ bệnh viện đến cuộc sống hàng ngày đã mở ra nhiều câu chuyện xúc động về hành trình vượt khó, vượt cả nỗi đau về tinh thần và thể xác của người phụ nữ kiên cường.
Cả hai đã cùng xây dựng một lớp học đặc biệt và tạo nên thư viện với mong muốn “gieo mầm xanh” giúp các em nhỏ tại làng quê nghèo có niềm tin và động lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động ấy đã chứng minh rằng dù không còn đôi chân khỏe mạnh, Hoàng Thị Dịu vẫn có thể bước đi bằng tâm hồn và ý chí mạnh mẽ.
Trong tương lai chị Dịu mong muốn tiếp tục công việc giúp đỡ các em nhỏ học tập tại lớp học “Gieo mầm” của mình và lan tỏa tình yêu sách đến nhiều em nhỏ hơn nữa. Ước mơ ấy sẽ được tiếp thêm sức mạnh từ món quà của chương trình "Trạm yêu thương".
Câu chuyện của chị Hoàng Thị Dịu là một minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó và niềm tin vào giá trị của sự cho đi. Những biến cố khắc nghiệt không làm chị chùn bước, mà ngược lại, còn giúp chị tìm thấy ý nghĩa cuộc sống qua việc mang lại niềm vui và tri thức cho các em nhỏ.
Rất nhiều câu chuyện thú vị về lớp học “Gieo mầm” của chị Dịu sẽ được kể lại trong khung giờ quen thuộc của "Trạm yêu thương" 10h thứ Bảy ngày 16/11 trên kênh VTV1.