Quan điểm của người tiêu dùng Việt về bao bì thân thiện môi trường
Người tiêu dùng sử dụng bao bì thân thiện môi trường tuy nhiên vẫn phải dùng thêm cái túi nylon nhỏ để phân loại thực phẩm |
Các siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn trên thị trường đã chung tay bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng cái túi vải, túi giấy, túi dứa để đựng sản phẩm. Các siêu thị lớn như Vinmart, BigC, Lotte Mart... luôn khuyến khích người tiêu dùng mua bao bì dùng nhiều lần để giảm lượng túi nylon thải ra môi trường. Tiêu biểu chuỗi siêu thị Mega nói không với túi nylon. Khi khách hàng tới siêu thị Mega mua sắm, có thể mang sẵn các loại bao bì thân thiện môi trường, hoặc sau khi mua xong có thể tới quầy đóng gói bằng các thùng carton.
Từ tháng 4/2019, Lotte Mart đã triển khai dự án Lotte Eco Green “Tôi hành động - bạn cũng thế?” với mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa qua nhiều hoạt động ý nghĩa như: Ra mắt túi môi trường L-Care; Tham gia lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa; Tham gia liên minh chống rác thải nhựa; Chương trình cam kết xanh; Cuộc thi vẽ siêu cọ nhí; Triễn lãm sáng tạo từ rác thải nhựa,…
Sau chuỗi những hoạt động lớn nhỏ từ dự án Lotte Eco Green “Tôi hành động - bạn cũng thế?”, tính đến nay Lotte Mart đã cắt giảm được hơn 34 tấn túi nylon và nâng cao số sản phẩm thân thiện môi trường lên 195 sản phẩm.
Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam Kang Min Ho cho biết, hệ thống Lotte Mart đang bán các ống hút giấy, túi eco-green (loại có thể tái chế), vỏ hộp nhựa làm từ bã mía, trứng gà gói bằng bao bì giấy thay vì hộp nhựa thông thường, sản phẩm ống hút bằng bột gạo; toàn bộ đồ ăn chín được bán tại Lotte Mart Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng được đựng trong hộp làm từ bã mía.
Hệ thống siêu thị VinMart đã chính thức ra mắt Chiến dịch “3 xanh” bảo vệ môi trường với các mô hình như “VinMart xanh”, “Khách hàng xanh” và “Nhà cung cấp xanh”. Những “khách hàng xanh” không sử dụng túi nilon dùng một lần tại quầy thu ngân sẽ được tặng túi VinMart sử dụng nhiều lần. Không chỉ vậy, mỗi “khách hàng xanh” lập tức được tặng 1.000 đồng vào hóa đơn. VinMart “chuẩn xanh” còn đặc biệt hơn nữa khi toàn bộ các điểm bán trở thành địa chỉ thu hồi pin đã qua sử dụng, tránh thải pin ra môi trường, gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Không chỉ tạo nên những “siêu thị xanh”, khích lệ người mua sắm trở thành “khách hàng xanh”, tại mỗi điểm bán của chuỗi siêu thị VinMart còn có một khu vực riêng mang tên WE CARE - nơi bày bán các sản phẩm organic, 100% tự nhiên của các “nhà cung cấp xanh”. Theo đó, VinMart sẽ hỗ trợ tối đa cho những đối tác cung ứng sản phẩm thân thiện với môi trường bằng nhiều chính sách đặc biệt như bán hàng không lợi nhuận, quyền lợi ưu tiên trưng bày và quyền lợi về quảng cáo, nhận diện thương hiệu tại siêu thị, cửa hàng...
Ông Kang Min Ho cho biết mặc dù hộp đựng thức ăn chín làm từ bã mía tự nhiên, nhưng vẫn dùng hâm nóng thức ăn trực tiếp trong lò vi sóng hoặc cấp đông sản phẩm đến âm 40 độ C. Ngoài ra, sản phẩm còn có khả năng chứa nước nóng hoặc dầu ăn nóng trên 100 độ C mà không bị biến dạng hay thấm từ trong ra ngoài. Quan trọng hơn cả, đây là sản phẩm tự phân hủy sinh học khi chôn dưới đất trong vòng 45 ngày nên rất thân thiện môi trường.
Song song với việc dùng các bao bì thân thiện môi trường thì túi nylon vẫn không thể thiếu trong giỏ hàng của người tiêu dùng vì sự tiện lợi của nó. Các cửa hàng bán lẻ nói rằng túi nylon được sử dụng nhiều vì giá thành cúa nó rẻ hơn so với túi vải, túi giấy; cộng thêm sự tiện lợi khi mua, bán và sử dụng. Hơn nữa túi nylon dễ dàng in ấn, trang trí đẹp mắt để các nhãn hiệu gây ấn tượng với khách hàng.
Chị Đào Thị Oanh (một bà nội trợ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Thực tế còn rất nhiều cửa hàng hiện nay vẫn sử dụng túi nylon. Cá nhân tôi cũng biết nó rất có hại cho môi trường thế nhưng các cửa hàng đựng sản phẩm thì mình cũng đành chấp nhận. Túi nylon cũng bền hơn so với túi giấy, trông bắt mắt và thu hút hơn”.
Đồng tình quan điểm trên, anh Trần Văn Chiến – người tiêu dùng (quận Đống Đa, Hà Nội) nói: “Nhiều lần đang trong quá trình sử dụng túi giấy thì bị đứt, rách, khiến đồ đạc rơi hết ra ngoài, tôi lại phải chạy đi kiếm một cái túi khác để thay thế. Để người tiêu dung sử dụng sản phẩm túi giấy, theo tồi các đơn vị sản xuất cần có giải pháp khắc phục sự bất tiện trên”.
Còn với người tiêu dùng trẻ thì sao? Bạn Trần Khánh Tâm (sinh năm 1992, ở Đông Anh, Hà Nội) thì cho rằng bao bì sử dụng nhiều lần như bao dứa, túi vải là rất tốt cho môi trường tuy nhiên bản thân tôi hay quên mang theo. “Mỗi lần đi siêu thị lại mua thêm 1 bao bì thì quả là đắt và cũng rất lãng phí. Bản thân mình lại ít khi nhớ phải mang theo các túi dùng nhiều lần. Mà các túi dứa, túi vải thường có hình dáng, màu sắc không mấy đẹp, khiến mình cũng như nhiều người ngại sử dụng”, bạn Trần Khánh Tâm chia sẻ.
Các siêu thị đều bày bán túi thân thiện môi trường nhưng không phải ai cũng sẵn lòng mua chúng |
Rõ ràng là vẫn tồn tại rất nhiều những bất tiện hoặc nhưng yêu tố kém hấp dẫn của túi giấy so với túi nylon.
Người tiêu dùng hiện nay đều mong muốn bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng các bao bì thân thiện môi trường tuy nhiên vẫn gặp nhiều rủi ro khi dùng nó. Hầu hết người tiêu dùng hiện nay phụ thuộc các siêu thị, đại lý, cửa hàng sử dụng loại bao bì nào. Họ cũng mong có các giải pháp tích cực, tốt hơn cho các bao bì thân thiện môi trường, để họ tiện lợi hơn trong việc sử dụng chúng.
Một nghiên cứu mới về bao bì thân thiện môi trường ở Việt Nam sẽ giúp các nhà sản xuất và chuyên gia tiếp thị hiểu sâu hơn về quan điểm và hành vi của nhóm người tiêu dùng quan tâm đến môi trường.
Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam đưa ra định nghĩa đầy đủ của người tiêu dùng về bao bì thân thiện môi trường, nghiên cứu có tên “Định nghĩa của người tiêu dùng về bao bì thân thiện môi trường” được công bố trên tạp chí khoa học về sản phẩm sạch Journal of Cleaner Production.
Chủ nhiệm công trình, tác giả, đồng thời là giảng viên khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư cho biết, kết quả nghiên cứu chỉ ra được ba yếu tố chính tác động lên hành vi của người tiêu dùng, gồm: Chất liệu bao bì, kỹ thuật sản xuất và sức hấp dẫn thị trường.
Nhà sản xuất sản phẩm thực phẩm đóng gói cần cân nhắc giải pháp chi phí hiệu quả đối với những bao bì thay thế thân thiện môi trường để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường và giảm bớt dấu chân môi trường.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư chia sẻ: “Điều này có thể cần chính phủ và các ngành nghề chung tay nhiều hơn trong việc đưa ra những quy chuẩn thiết kế bao bì đảm bảo tác động tối thiểu lên môi trường. Trông đợi người tiêu dùng yêu cầu những sản phẩm có bao bì thân thiện môi trường và chi trả mức giá cao hơn không phải là một giải pháp khả thi”.
Người tiêu dùng bị thu hút bởi những hình ảnh đầy màu sắc trên bao bì hơn và cho thấy họ không hài lòng với những bao bì giấy (được xem là thân thiện với môi trường) có thiết kế nghèo nàn. Điều này một lần nữa khẳng định ngoài việc phải đáp ứng chức năng bảo vệ sản phẩm theo yêu cầu của một nhóm khách hàng, bao bì thân thiện môi trường cũng phải đảm bảo tính thẩm mỹ cần có theo yêu cầu của nhóm khách hàng khác.
Để lan tỏa ý thức “sống xanh”, biện pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của “tiêu dùng xanh” đối với môi trường sống và sức khỏe của con người. Các doanh nghiệp cần hướng mạnh về “sản xuất xanh”, trong đó ưu tiên giảm mức sử dụng năng lượng, chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, đặc biệt là ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Về phía Nhà nước, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về “tiêu dùng xanh”; đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất “sản phẩm xanh”, “dịch vụ xanh”, phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch, đẩy mạnh “xanh hóa” sản xuất, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển “công nghệ xanh”...
Với sự vào cuộc của toàn xã hội, chắc chắn xu hướng “tiêu dùng xanh” sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn, không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp mà khi thực hành, chúng ta sẽ sống lành mạnh hơn, thư thái hơn khi mục tiêu cao cả là chọn “sống xanh”, “tiêu dùng xanh” vì cái chung, vì sự sống đích thực của con người.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |