Phó Bí thư Thường trực Thành ủy kiểm tra Chương trình 02 tại Sóc Sơn
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU, kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình 02 tại huyện Sóc Sơn
Trước khi làm việc với lãnh đạo huyện Sóc Sơn, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cùng đoàn công tác đã đi tham quan một số mô hình thực hiện Chương trình 02-CTr/TU tại xã Minh Phú. Đây là xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) trong năm 2018. Cụ thể, đoàn công tác đã tham quan mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần KMS đầu tư sản xuất và thương mại chuyên sản xuất nấm và mô hình trang trại tổng hợp của hộ gia đình ông Đặng Quang Tiến... Đây là những điển hình trong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế lớn giúp người dân phát triển bền vững.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết: Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân của huyện Sóc Sơn có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, về xây dựng NTM, đến nay huyện đã có 18/25 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã còn lại đạt từ 14 - 17 tiêu chí và huyện phấn đấu sẽ hoàn thành NTM vào năm 2019.
Toàn huyện đã thực hiện dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích 10.845ha. Sau dồn điền, đổi thửa đã hình thành 32 vùng sản xuất chuyên canh tập trung với nhiều mô hình cho giá trị kinh tế cao và góp phần tăng hiệu quả cho người sản xuất từ 1,5 - 2 lần so với trước đây. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện huy động được 1.312 tỷ đồng xây dựng NTM. Nhân dân đã hiến hơn 7.500m2 đất thổ cư trị giá 15 tỷ đồng để phục vụ công tác xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, đời sống người nông dân trên địa bàn huyện từng bước được nâng cao và các thiết chế văn hóa ở cơ sở được tập trung hoàn thiện. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng từ 29,8 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 39,5 triệu đồng/người/năm (năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,72% theo chuẩn nghèo đa chiều; 92% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên...
Tại buổi làm việc, đoàn công tác cũng được nghe một số kiến nghị, đề xuất của ba xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm nay là xã Bắc Phú, Việt Long và Minh Phú.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy biểu dương những nỗ lực của huyện Sóc Sơn trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, nhất là trong công tác dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu huyện Sóc Sơn khắc phục một số hạn chế như: Sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh quy mô lớn của huyện chưa nhiều, chủ yếu vẫn quy mô hộ gia đình. Huyện chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện đã đạt nhưng chất lượng thiếu bền vững, nhất là tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị, thời gian tới, huyện Sóc Sơn cần tập trung phát triển theo hướng đô thị vệ tinh gắn với phát triển du lịch, trong đó, huyện ưu tiên cho công tác quy hoạch, khảo sát, lên phương án, mời các nhà khoa học tư vấn để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương và quản lý chặt chẽ đất đai; nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về xây dựng nông thôn mới, từ đó chủ động tích cực tham gia.
Bên cạnh đó, huyện cần đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh quy mô lớn, nhất là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa để đầu tư vào nông thôn, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết và đề án xây dựng nông thôn mới của các xã gắn với quy hoạch khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn.
Ngoài ra, huyện cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường nông thôn; củng cố, đổi mới hoạt động của các hợp tác xã; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; rà soát những nơi có biểu hiện yếu kém để kiện toàn, củng cố; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức.