Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa
Những năm qua, huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân
Bài liên quan
Hà Nội: Thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi để đảm bảo bình ổn giá thịt lợn
Hà Nội tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phát triển
Hà Nội: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I có nhiều chuyển biến tích cực
Giá lợn hơi giảm mạnh sau khi Việt Nam chính thức cho phép nhập khẩu lợn sống
Tái đàn trong chăn nuôi lợn: Thận trọng để tránh rủi ro
Thay đổi tập quán chăn nuôi
Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cho thấy, hiện tại, huyện có gần 12.500 con gia súc, trong đó đàn trâu trên 8.200 con, đàn bò trên 4.200 con, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 6,4% (tăng 1,4% so với kế hoạch). Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đàn gia súc, huyện đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo mô hình tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh và coi trọng phát triển chăn nuôi theo lợi thế của từng vùng, từng địa phương.
Xác định rõ tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả rộng, nguồn thức ăn dồi dào, gia đình ông Vì Văn Dương, bản Suối Lĩnh B, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, đã đầu tư phát triển chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ một con trâu sinh sản dùng làm sức kéo trong nông nghiệp, đến nay gia đình ông đã nhân đàn lên 17 con trâu, bò, dê, cao điểm đàn gia súc lên tới hơn 40 con. Ngoài ra, tận dụng nguồn nước, ông đào ao thả cá với diện tích 2.000m2 và kết hợp với trồng chè (2ha), cấy lúa (1ha). Tổng các nguồn thu của gia đình hơn 100 triệu đồng/năm.
Ông Dương chia sẻ: "Lúc đầu việc chăn nuôi của gia đình phó mặc cho tự nhiên, không chăm sóc. Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu, tham quan các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn huyện, tôi nhận thấy việc nuôi nhốt gia súc đem lại hiệu quả cao hơn.
Những năm qua, huyện Tân Uyên không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người dân |
Do đó, tôi làm chuồng, chuẩn bị nguồn thức ăn, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc. Nhờ đó, trâu sinh sản đều. Nếu sinh được nghé cái thì gia đình để làm giống, con đực bán lấy tiền đầu tư mua bò về nuôi. Từ việc phát triển chăn nuôi kết hợp với sản xuất nông nghiệp giúp gia đình tôi trở thành hộ có kinh tế khá, có điều kiện sửa lại nhà, mua sắm đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, hiện đại".
Xác định ngành kinh tế mũi nhọn
Chia sẻ về vấn đề phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa trên địa bàn xã, ông Lò Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Hố Mít, huyện Tân Uyên cho biết: Nhiều năm trở lại đây, xã Hố Mít đã xác định lĩnh vực nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn trọng yếu. Từ đó, huyện quy hoạch phát triển vùng cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, trước kia, bà con chủ yếu thả rông gia súc trên bãi, trên rừng, đến vụ mùa cần sức trâu cày kéo mới đi tìm về, dẫn đến việc không quản lý, bảo vệ được gia súc. Những năm gần đây, nhờ được tuyên truyền, vận động, nhiều gia đình đưa gia súc về nuôi nhốt, trồng cỏ voi, dự trữ rơm, rạ làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Thu nhập từ bán trâu, bò, dê của người dân ổn định.
Việc chăn nuôi gia cầm cũng có nhiều chuyển biến, số hộ làm chuồng trại và nuôi theo hướng hàng hóa tăng. Cùng với đó, xã đẩy mạnh phát triển diện tích nuôi thủy sản lên 3ha. Công tác cải tạo ao nuôi, vệ sinh môi trường nuôi, thực hiện thả cá giống được nhân dân quan tâm. 9 tháng năm 2019, tổng sản lượng thủy sản thu hoạch từ ao nuôi đạt 2,8 tấn (tăng 6 tạ so với cùng kỳ năm 2018).
Để chăn nuôi phát triển bền vững, đem lại hiệu quả và trở thành thế mạnh của địa phương, xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đồng thời, xã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ về giống, vay vốn ưu đãi… để khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, gia tăng về số lượng, chất lượng và nguồn thu từ chăn nuôi, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.
Bên cạnh đó, xã cũng tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng định kỳ, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi và chủ động dự trữ thức ăn để bảo vệ và phát triển đàn vật nuôi của Hố Mít. Đặc biệt, vấn đề chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã Hố Mít luôn được chú trọng.
Công tác phòng chống rét trong mùa Đông cho đàn vật nuôi cũn được chính quyền, người dân quan tâm. Cán bộ chuyên môn cùng thú y viên đôn đốc bà con thực hiện các biện pháp phòng chống rét, kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh thú y trên đàn gia súc, gia cầm.
Ông Doãn Ngọ Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cho biết: "Phát triển chăn nuôi gia súc là hướng đi phù hợp giúp người dân huyện Tân Uyên từng bước vươn lên thoát nghèo, mang lại cơm no, áo ấm cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; Áp dụng các tiến bộ khoa học vào chăn nuôi đại gia súc nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, đặc biệt là các biện pháp dự trữ thức ăn vào mùa đông cho đàn gia súc… Góp phần cho việc phát triển ổn định đàn đại gia súc của huyện".
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương