Phát huy vai trò của hợp tác xã trong thời kỳ hội nhập
Các hợp tác xã có vài trò rất lớn trong thời kỳ hội nhập (Ảnh minh họa)
Bài liên quan
Hà Nội tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Thúc đẩy chuỗi giá trị cho các sản phẩm từ bảo tồn
Agribank tiếp sức nông sản Việt ra thế giới
Đô thị thông minh - Xu hướng tất yếu của tương lai
Phát huy hiệu quả sức mạnh
Số liệu thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy: Hiện nay, cả nước có gần 20 nghìn HTX, 150 nghìn tổ hợp tác và 43 liên hiệp HTX đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, với gần 14 triệu hộ thành viên, trực tiếp tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho gần 40 triệu người (chủ yếu là người nghèo, người yếu thế trong xã hội). Có thể nhận thấy rằng, các HTX đóng góp vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, ổn định của đất nước. Đặc biệt, trong tình hình mới hiện nay, người nông dân đang rất cần HTX, đây cũng là thời cơ để Liên minh HTX xác định hoạt động, nâng cao vai trò của mình.
Nhấn mạnh về vai trò của HTX trong thời kỳ hội nhập, PGS.TS. Trần Văn Ơn, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây thuốc Dân tộc Cổ truyền, Cố vấn Chương trình OCOP Quốc gia cho biết: Kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta. Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức đa dạng, từ thấp đến cao, như tổ hợp tác sản xuất, câu lạc bộ sản xuất, các hội nghề,... trong đó HTX là nòng cốt, là một tổ chức tập hợp và liên kết rộng rãi các cá nhân, các hộ sản xuất, kinh doanh, các pháp nhân. Bên cạnh sở hữu của các thành viên, còn dựa trên sở hữu tập thể và được quản lý dân chủ.
HTX giúp những người lao động, những người sản xuất nhỏ tự nguyện tập hợp nhau lại trong một tổ chức kinh tế chung để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề sản xuất, kinh doanh và đời sống của họ, đủ sức cạnh tranh và chống lại sự chèn ép của các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế lớn. Đây cũng là phương thức để bảo đảm lợi ích và xây dựng vị thế của họ trong điều kiện của kinh tế thị trường và hội nhập.
Bên cạnh đó, HTX cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp trong nền kinh tế; cung cấp các yếu tố đầu vào như vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, giảm thiểu rủi ro và chia sẻ thông tin, kiến thức; áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, thiết bị kỹ thuật hiện đại; là nơi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, phổ cập thông tin khoa học - kỹ thuật và thông tin thị trường cho người dân; phát huy hiệu quả kinh tế nhờ quy mô; thực hiện các hoạt động tiếp thị, thương lượng giúp người nông dân có được mức giá bán tốt hơn so với những nông dân hoạt động đơn độc,...
Mặc dù đã phát huy những hiệu quả tích cực nhưng các HTX vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, đòi hỏi phải có những thay đổi kịp thời để có thể đứng vững trong bối cảnh mới toàn cầu hóa và hội nhập với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Vì vậy, các HTX cần phát huy vai trò của mình để giúp nông dân nghiên cứu thị trường, quy hoạch sản xuất theo nhu cầu; tổ chức tiêu thụ sản phẩm; tăng khả năng cạnh tranh giữa các đơn vị, doanh nghiệp…
Gắn phát triển hợp tác xã với Chương trình OCOP
Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, để đẩy mạnh phát triển các mô hình HTX trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội thì các địa phương cần gắn phát triển HTX với chương trình OCOP. Bởi vì, không có mô hình nào tốt hơn HTX để thu hút người dân tham gia sản xuất tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng đem lại giá trị kinh tế cao như Chương trình OCOP. Do vậy, để các HTX tham gia chương trình OCOP phát huy được hiệu quả, cần xây dựng cơ chế, chính sách đối với sản phẩm chủ lực; có hỗ trợ đủ mạnh, tạo niềm tin cho các HTX kiểu mới phát triển.
Ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: Các địa phương cần phải phát triển kinh tế hợp tác, trong đó hình thức kinh tế hợp tác cao nhất là HTX được khuyến khích trong Chương trình thông qua hoạt động hỗ trợ hình thành mới hoặc tái cơ cấu các HTX đã có và đạt điểm cao nhất trong các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng khâu đào tạo nhân lực; phát triển đội ngũ tư vấn. Trong đó, đội ngũ tư vấn trong Chương trình OCOP gồm: Đội ngũ cán bộ OCOP cấp huyện, các cá nhân/tổ chức tư vấn có trách nhiệm bám sát cộng đồng triển khai với nội dung tư vấn đa dạng, gồm: Tư vấn phát triển SMEs, HTX: Tuyên truyền, vận động, hình thành hoặc tái cơ cấu các SMEs, HTX, xây dựng cơ cấu tổ chức, thiết kế mặt bằng, xây dựng các quy chế, phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng phần cứng (cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị), phần mềm (hệ thống các quy trình, thao tác chuẩn, hồ sơ, đào tạo nhân lực,...) để đạt các tiêu chuẩn nhà sản xuất theo luật định; Tư vấn tài chính; Tư vấn phát triển sản phẩm; Tư vấn quản trị doanh nghiệp (SMEs, HTX); Tư vấn kỹ thuật/công nghệ; Phát triển sản phẩm...
Ngoài ra, cần phải liên kết chuỗi giá trị. Cụ thể, hệ thống đối tác OCOP bao gồm các cá nhân, pháp nhân có quan hệ với các chủ thể OCOP theo cách hợp tác cùng có lợi ích, bao gồm: Các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP; Các viện, trường đại học, nhà khoa học trong lĩnh vực ngành hàng của OCOP ở các tổ chức KHCN trung ương, vùng và địa phương; Các tổ chức/doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm, đài phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương: Tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP theo hợp đồng; Các ngân hàng, các quỹ đầu tư…
Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các HTX tham gia chương trình OCOP bằng việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung có ứng dụng KHCN. Cùng với đó, các tỉnh/ thành trên cả nước cũng chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, hình thành các điểm bán hàng OCOP. Đồng thời mở rộng thị trường, tổ chức các hội chợ, tuần kết nối đưa sản phẩm OCOP lan tỏa rộng rãi trên thị trường. Để các HTX tham gia chương trình OCOP phát huy được hiệu quả, cần xây dựng cơ chế, chính sách đối với sản phẩm chủ lực; có hỗ trợ đủ mạnh, tạo niềm tin cho các HTX kiểu mới phát triển.
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương