Nới lỏng giãn cách, nhiều người trẻ vẫn thận trọng, hạn chế ra đường
Giới trẻ và câu chuyện đi làm trở lại hậu giãn cách Giới trẻ “vật lộn” cai nghiện mạng xã hội Giới trẻ ngày càng đam mê “bói” bài tarot, xem tử vi trên mạng8 |
Sau khi thành phố Hà Nội chính thức nới lỏng giãn cách từ 21/9, cho mở lại một số dịch vụ, Nguyễn Hạnh Huyền (23 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng) cảm thấy rất vui mừng và háo hức. Nhiều hàng quán cô yêu thích mở bán mang về hơn so với trước, các dịch vụ sửa xe, gội đầu, cắt tóc và các cửa hàng thời trang cũng được phép hoạt động trở lại.
Hạnh Huyền là một “tín đồ” làm tóc và nail. Dù rất muốn có những kiểu tóc mới, làm nail theo xu hướng hiện đại nhưng cô quyết định chưa vội đặt lịch ngay khi thấy hình ảnh đông đúc ở các tiệm tóc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Dù rất muốn thay đổi kiểu tóc và làm móng tay mới, Hạnh Huyền vẫn thận trọng chờ đợi những tín hiệu từ dịch bệnh |
Những ngày qua, cô gái trẻ vẫn duy trì thói quen đã hình thành trong gần 2 tháng giãn cách xã hội: Chỉ ra ngoài khi thật cần thiết, luôn đeo khẩu trang, không tụ tập và duy trì khoảng cách, hạn chế tiếp xúc với người khác khi ở bên ngoài.
Hạnh Huyền chia sẻ: “Mình nghĩ rằng, dù Hà Nội đã nới lỏng nhưng chúng ta vẫn không nên vội vàng, chủ quan. Biết là tâm lý ai cũng muốn “xõa” sau nhiều ngày quanh quẩn tại nhà nhưng Covid-19 là kẻ thù vô hình và hết sức nguy hiểm. Chúng ta vẫn nên thật cẩn thận, nghiêm túc chống dịch”.
Tới siêu thị gần nhà mua thức ăn vào chiều 3/10, Minh Đạt (23 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân) cảm thấy có phần hơi sợ khi chứng kiến dòng người đông đúc trên phố, tại các trung tâm thương mại và thậm chí không đeo khẩu trang từ người lớn đến trẻ nhỏ. Về đến gần nhà, hình ảnh nhiều bạn trẻ ngồi tại vỉa hè gần các cửa hàng tiện lợi càng khiến chàng trai trẻ lo lắng hơn bởi việc không đảm bảo giãn cách.
Minh Đạt hy vọng mọi người hãy giữ vững những nếp sống trong thời gian giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh |
“Thành phố vẫn đang hạn chế tập trung không quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Nếu trong dòng người đi chơi ấy không may có F0 chưa được phát hiện rồi lây lan cho cộng đồng thì đáng sợ lắm. Những nỗ lực chống dịch của người dân và thành phố thời gian qua không đáng bị đổ bể vì những hành động như vậy”, Đạt nói.
Từ khi dịch vụ giao hàng ăn được mở lại đến lúc nới giãn cách, việc mua sắm nhu yếu phẩm, nhất là mua hàng online của Đạt cũng dễ dàng hơn. Tuy vậy, chàng trai trẻ vẫn giữ những thói quen sinh hoạt đã làm trong suốt 2 tháng qua: Chỉ ra khỏi nhà 2-3 lần mỗi tuần để mua thực phẩm; Cố gắng tự nấu ăn, hạn chế việc tiếp xúc với người khác và luôn trang bị khẩu trang, nước rửa tay mỗi khi đến nơi công cộng. Cà phê hay những món yêu thích, Đạt cũng tranh thủ học cách làm, vừa đảm bảo tuân thủ phòng dịch, vừa nâng cao khả năng bản thân.
Là một cựu du học sinh Trung Quốc, hàng ngày, Nguyễn Lan Phương (26 tuổi, trú tại quận Đống Đa) vẫn tập trung nghiên cứu về ngôn ngữ yêu thích của mình. Khi dịch bệnh có dấu hiệu nghiêm trọng, Lan Phương chủ động hạn chế ra ngoài và quyết định mở thêm một lớp học giao tiếp tiếng Trung online để giúp đỡ các bạn trẻ có nhu cầu cải thiện về ngoại ngữ.
Lan Phương không vội vàng hòa vào dòng người đang "xõa" sau giãn cách |
Từ một hướng dẫn viên du lịch làm bạn với những hành trình, cung đường, Lan Phương bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, đọc sách, học nấu nướng và tìm hướng đi mới cho mình. Những ngày qua, dù thành phố mở cửa các hoạt động trở lại, cô gái trẻ vẫn không vội vàng, tiếp tục quan sát tình hình dịch bệnh.
“Nghỉ dịch ở nhà, cũng có nhiều lúc bức bối, khó chịu nhưng mình hiểu ở nhà là việc cần thiết cho bản thân và cả cộng đồng, nhất là những người không có quá nhiều áp lực về công việc, thời gian như mình cần tự giác.
Mình nghĩ rằng, việc nới lỏng giãn cách chứng tỏ dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Tuy vậy, điều đó chưa đủ để tất cả người dân có thể buông lỏng cảnh giác. Dịch bệnh vẫn ở trước mắt, mọi người vẫn nên góp phần chống dịch theo khả năng của mình. Hạn chế đi lại, thực hiện quy tắc 5K và chủ động tiêm phòng vắc xin chính là việc đơn giản nhất chúng ta có thể làm vì bản thân và cộng đồng”, Lan Phương chia sẻ.