Niềm vui của những đứa trẻ được cưu mang chốn cửa Phật
Nơi gặp gỡ của những số phận long đong
Vừa thoăn thoắt đổ sáp nến vào khuôn, Lò Văn Thảo (15 tuổi) vừa tâm sự rằng em là con thứ hai trong gia đình dân tộc Thái ở Lai Châu. Ở nơi đó, rất ít trẻ em được đi học, đa số đều đi làm từ khi còn nhỏ. Rời xa gia đình khi mới chỉ 13 - 14 tuổi, Thảo một mình xuống Hà Nội bươn chải kiếm sống.
Lò Văn Thảo đang thực hiện các công đoạn làm nến |
Vì tuổi đời còn quá nhỏ, chưa có nhiều va vấp, công việc lại tạm bợ nên chẳng ai dám nhận Thảo vào làm. Sau một thời gian ở Hà Nội, cậu bé dân tộc Thái gặp không ít khó khăn, thử thách. Đã có thời điểm, cậu bé 15 tuổi phải vào làm giúp việc tại một quán bi-a.
“Hóa ra cuộc đời không hề đơn giản như em vẫn nghĩ. Vào thời gian cơ cực nhất, em may mắn gặp được bố Tùng - người đã giúp em từng miếng ăn, chỗ ở khi đang bơ vơ nơi đất khách quê người.
Sau một thời gian ở đây cùng bố, em được học nghề làm nến sạch tại chùa Xuân Trạch, Đông Anh. Công việc cũng đơn giản, chỉ cần học khoảng vài ngày là làm được. Bây giờ em vừa được học nghề, vừa được lĩnh lương theo sản phẩm mình làm ra”, Thảo hào hứng khoe.
Nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, học nghề tại chùa Xuân Trạch |
"Tết này em sẽ được về quê với những đồng tiền đầu tiên em kiếm được. Em sẽ mua quà Hà Nội về cho bố mẹ và mua thật nhiều đồ trang trí ngày Tết.
Sau này, học nghề xong, em sẽ về mở một xưởng nến nhỏ để có thể tự làm nến sạch bán cho mọi người. Dù bước đầu phải cạnh tranh với nhiều loại nến trên thị trường nhưng em tin, nến sạch sẽ chinh phục được khách hàng”, Thảo tự tin nói.
Niềm vui và nụ cười không chỉ đến với Thảo mà còn nở trên môi Lê Văn Trình - cậu bé 17 tuổi suýt nữa tự tử vì cảm thấy cuộc sống khắc nghiệt, bế tắc. Trình quê ở Phú Thọ xuống Hà Nội theo lời rủ của bạn và vào làm tại một quán karaoke. Do dịch bệnh phức tạp, mọi hoạt động phải ngưng lại, Trình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, lang thang mọi nẻo đường phố xá, không định hướng, không mục tiêu.
Khi tưởng chừng mọi thứ như trở nên hoàn toàn khép lại, Trình đã thử tìm đến cái chết. Thật may mắn, khoảnh khắc ấy em đã được một số người khuyên giải và kéo lên khỏi thành cầu. Em cũng được “bố Tùng” cưu mang về chùa Xuân Trạch. Hiện tại, Trình cũng tham gia làm nến, khi rảnh thì phụ giúp mọi người rửa xe ô tô. Một thời gian nữa, khi đủ 18 tuổi, cậu bé sẽ được tạo điều kiện cho đi học nghề lái xe mà mình vẫn mong ước.
Em Lê Văn Trình |
“Bố Tùng đã cưu mang, giúp em nhận ra nhiều điều. Bố Tùng và bác Trung còn cho em một cái nghề mà em chưa bao giời nghĩ tới. Sư thầy, các cô, các bác ở đây đều rất yêu thương tụi em. Mọi người cũng động viên em là tương lai của mình còn ở phía trước, không thể vì những chuyện khó khăn trước mắt mà nghĩ đến rời bỏ cuộc sống. Em thực sự cảm thấy biết ơn mọi người nhiều lắm”, Trình vừa quét sân chùa, vừa nói.
Tại xưởng nến, không chỉ có Thảo, Trình mà một số em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được bố mẹ gửi gắm vào học nghề và làm sản phẩm kiếm tiền. Bên cạnh đó, xưởng nến cũng là nơi tạo việc làm cho các bạn khuyết tật của Trung tâm trẻ khuyết tật huyện Gia Lâm.
Mái nhà của yêu thương
Được biết, nhân vật mà các trẻ nơi đây gọi là “bố Tùng” cũng từng có một cuộc sống với nhiều thăng trầm, vất vả. Nếu như “bố Tùng” là người cưu mang các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn thì “bác Trung” là người định hướng, giúp các em học nghề để tự nuôi sống bản thân, có ích cho xã hội.
“Bác Trung” tên đầy đủ là Khúc Thành Trung, chủ sở hữu của Công ty TNHH Du lịch và Vận tải Anh Luân. Sau khi gặp anh Tùng, có chung một suy nghĩ, hai người quyết định cùng kết hợp để tạo việc làm cho những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ, kém may mắn và cả những người khuyết tật.
Anh Khúc Thành Trung (bên phải) |
“Chúng tôi đều được sư thầy trụ trì chùa Xuân Trạch cảm hoá nên mong muốn được giúp đỡ mọi người. Vì vậy, hai anh em đã mượn nhà chùa một khu riêng lập xưởng nhỏ làm nến sạch. Những bạn có sức khỏe tốt, trưởng thành sẽ sang công ty ở nội thành để học rửa xe, lái xe. Còn những bạn nhỏ không có sức khỏe tốt sẽ làm việc và học nghề tại xưởng nến.
Để nhận nuôi các cháu cũng rất khó khăn. Nhiều cháu không có giầy tờ tùy thân nên chúng tôi cũng phải làm việc với bên cơ quan chức năng để có thể hoàn tất những thủ tục nhận nuôi, giúp đỡ hay tạo việc làm. Đúng là phải thật sự yêu thương và tin tưởng lắm thì mới làm được”, anh Trung chia sẻ.
Nói về sản phẩm nến sạch, anh Trung cho biết: “Nguyên liệu làm nến 99% là bơ, an toàn cho sức khỏe cả người làm và người tiêu dùng. Khi tạo ra thương hiệu Nến bơ cúng dường - Phật Tâm Tuệ, tôi cảm thấy rất an tâm. Dù bước đầu cũng chưa tạo ra thu nhập cao nhưng dần dần, tôi mong có thể phát triển lớn hơn để tạo được việc làm cho những bạn trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn”.
Đại đức Thích Thanh Hải - trụ trì chùa Xuân Trạch |
Chùa Xuân Trạch tại xã Xuân Canh hiện tại vẫn đang trong quá trình xây dựng và phát triển. Đại đức Thích Thanh Hải, trụ trì chùa Xuân Trạch cho biết rất mong muốn được quan tâm và tạo điều kiện để ngày càng phát triển hơn. Từ đó, chùa có thể xây dựng thêm nhiều cơ sở thiện nguyện khác như khu dành cho người già neo đơn, khám chữa bệnh từ thiện, khu chăm sóc những người gặp hoàn cảnh không may.
Chùa Xuân Trạch là bến đỗ bình yên cưu mang nhiều hoàn cảnh khó khăn, giúp các bạn trẻ bắt nhịp cuộc sống |
Anh Khúc Thành Trung tâm sự: “Chúng tôi rất may mắn khi được gặp thầy, được phân tích những điều hay, lẽ phải để thay đổi cách nhìn về cuộc sống. Nếu không gặp thầy, tôi cũng không biết phải giúp đỡ, giáo dục các con như thế nào để trở thành người có ích cho xã hội.
Mong rằng, trong tương lai, mái chùa yên bình Xuân Trạch tại huyện Đông Anh sẽ ngày càng phát triển, có thể gặp gỡ và giúp đỡ thêm được nhiều hoàn cảnh khó khăn, làm nhiều công tác thiện nguyện hơn nữa".
Đại đức Thích Thanh Hải, trụ trì chùa Xuân Trạch, Đông Anh: "Việc thiện vốn có sẵn ở mỗi con người, ai cũng có, chỉ có điều là gặp nhân duyên nào thì con người ta có thể nhận ra và thực hiện được. Theo giáo lý nhà Phật có 3 điều là nhân, duyên và quả. Bất kỳ ai, hoàn cảnh nào mà có nhân duyên với đạo Phật, nhân duyên với nhà chùa, chúng tôi đều tiếp nhận, cưu mang. Tôi mong sẽ có một môi trường thật tốt để sinh hoạt Phật pháp, làm các hoạt động thiện nguyện, tạo thêm nhiều việc tốt cho cộng đồng, xã hội và con người. Càng có thêm nhiều trẻ em, người khuyết tật hay người gặp hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ thì việc thiện sẽ ngày càng được nhân lên, xã hội sẽ thay đổi tích cực và cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp hơn". |
Nội thất Hoà Phát thay đổi thương hiệu thành Nội thất The One |
Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội |
Cùng PRIME sẻ chia thịnh vượng |