Điểm tựa của những đứa trẻ lang thang
Vợ chồng ông Tiến, bà Oanh
Bài liên quan
Giao lưu những tấm gương "Làm theo lời Bác dặn"
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội biểu dương "Người tốt, việc tốt" năm 2019
Những năm 80 của thế kỷ XX, vợ chồng ông Tiến, bà Oanh có một quán cơm nhỏ ở Quán Sứ, để thêm thắt đồng ra đồng vào nuôi con ăn học. Quán nằm ở vị trí thuận lợi và trên trục đường đông đúc nên là nơi dừng chân của nhiều người, trong số ấy có những trẻ em lang thang.
“Chúng cứ đi đi lại lại trước cửa nhà để chờ ăn những đồ thừa của khách khiến tôi cảm thấy day dứt. Thế là tôi gọi chúng lại, cho chúng cái ăn. Rồi lũ trẻ truyền tai nhau kéo đến quán ngày một đông hơn, tôi bàn với chồng mình tổ chức một bữa ăn tối cho các cháu. Buổi tối khách vãn, số thức ăn chưa bán hết sẽ được làm lại, nếu thiếu sẽ mua thêm về nấu, để 6 giờ tối kịp tặng cơm miễn phí cho lũ trẻ” – bà Oanh kể.
Từ đó “bữa ăn chống đói qua đêm” hình thành. Hằng ngày, bà dặn nhân viên ở quán nấu thêm 2kg gạo và mua thêm thức ăn để đủ cho các cháu đến ăn được no. Khi ăn xong chúng lại tìm về bến xe, công viên, nhà ga hay mái hiên ngủ tạm, mai lại tiếp tục hành trình đi xin ăn hay làm thêm của mình.
Những đứa trẻ đến với bà từ khắp nơi như Hưng Yên, Thanh Hóa, Lào Cai, Hà Giang…và đều có hoàn cảnh éo le. Qua một thời gian, khi đã gần gũi truyện trò, bà biết những đứa trẻ này không được học hành, có đứa chỉ học lớp 1, lớp 2 nhưng đi lang thang lâu quá đã quên hết những gì học được. Bà nảy ra ý định dạy học cho lũ trẻ ngay tại quán cơm của mình.
Ông Tiến dạy các em nhỏ học đàn |
Ăn cơm tối xong, bà xếp các bàn ngay ngắn, bày sách vở, bảng viết đã mua sẵn để dạy chúng con chữ. Ngoài dạy chữ, bà còn dạy những đứa trẻ học cách đối nhân xử thế, các giao tiếp, ứng xử hằng ngày. Một thời gian sau lũ trẻ ý thức được về việc làm, xin ở lại quán rửa bát, không đi móc túi, hay ăn xin nữa.
“Tôi bảo bác không bắt các cháu rửa bát, bởi các cháu đang còn bé quá nhưng chúng bảo nếu không cho làm ở quán sẽ lại quay về nghề cũ. Đêm, hai vợ chồng tôi trằn trọc suy nghĩ, cho chúng cái ăn chỉ là giải pháp tình thế, không lâu dài được. Phải tìm cho chúng một việc nào đó để tự kiếm sống. Cuối cùng cũng đưa ra được phương án cho các cháu đi bán báo” – bà Oanh kể
Mấy hôm sau, vợ chồng bà Oanh gọi bọn trẻ tới cho biết ý định của mình và nhanh chóng được sự hưởng ứng, quyết tâm cao từ bọn trẻ. Năm 1990, “Tổ bán báo xa mẹ” chính thức ra đời. Mọi vốn liếng do vợ chồng bà Oanh bỏ ra. Hằng ngày, ông Tiến đến các sạp báo, các toàn soạn viết cam kết bảo lãnh để được lấy báo về cho lũ trẻ đi bán. “Số tiền bán báo được chia cho trẻ để ăn sáng và trưa, còn bữa tối thì ăn ở nhà tôi và ngủ ở đây. Số còn lại để các cháu chữa bệnh lúc ốm đau, dành gửi về nhà hoặc để cất đi, tết về quê đưa cho bố mẹ” - bà Oanh kể.
Tiếng lành đồn xa, những trẻ em lang thang, cơ nhỡ từ khắp nơi tìm đến với “mái ấm” của gia đình bà để nương tựa.
Do biến cố lịch sử Tổ bán báo xa mẹ hoạt động đến năm 1996 thì ngừng. Trước khi khép lại chặng đường hoạt động của tổ bán báo, bà gọi lũ trẻ lại nhắn nhủ: "Cháu nào muốn được ăn học thì bà nuôi. Trường hợp, các cháu không thích thì tự mưu sinh hoặc về quê. Đó là quyền của các cháu". Rất nhiều trẻ đã đồng ý ở lại với ông bà.
Một buổi học do bà Oanh giảng dạy |
Sau đó, ông Vũ Tiến mở dịch vụ phục vụ ăn uống, giải khát tại số 13 Ngô Văn Sở (Hoàn Kiếm - Hà Nội) để giúp lũ trẻ có việc làm thêm, trên cơ sở tự nguyện. Từ đó, nơi đây trở thành mái ấm của những đứa trẻ lang thang. Kinh phí nuôi lũ trẻ đều từ hoạt động kinh doanh du lịch, quán ăn và cà phê của vợ chồng bà.
Theo bà Oanh, có kinh phí để duy trì "Tổ xa mẹ" là chuyện không đơn giản, nhưng dạy kỹ năng sống cho trẻ còn khó khăn hơn, bởi mỗi cháu một cá tính, một hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, để thấu hiểu và dạy bảo được các cháu, ông Tiến, bà Oanh phải bên cạnh bảo ban mỗi ngày và đưa ra quy định rất cụ thể. Mặc dù vậy, đôi lúc, vẫn có cháu không nghe lời, bướng bỉnh khiến bà phiền lòng. Những lúc đó, bà chọn cách tha thứ, bao dung và lắng nghe thay vì quở trách.
Gần 30 năm, từ mái ấm ấy, có người đã trở thành những đầu bếp chuyên nghiệp ở nhà hàng lớn, có người đã tốt nghiệp thạc sĩ và có một công việc ổn định. Từng ấy năm tháng nuôi dạy con người khác, ông Tiến và bà Oanh không nhớ hết được số lần “vào vai” bố, mẹ mang trầu, cau đi hỏi vợ cho con, cháu nuôi. “Hơn 600 đứa trẻ trưởng thành ở mái ấm xa mẹ, tính ra chúng tôi có đến cả nghìn đứa con dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại” - ông Tiến tự hào nói
Khi được hỏi về lý do ông bà mở lòng cưu mang, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đáng thương, ông Tiến cho biết, ông cũng từng là trẻ lang thang. Với ông, thời thơ ấu giống như một nốt trầm, cả đời không thể lãng quên.
"Những đứa trẻ đến với chúng tôi như một cái duyên. Chúng tôi không nỡ để bọn trẻ lang thang ngoài đường với một cái bụng đói. Bởi sau bữa đói, rất có thể, nhiều đứa trẻ sẽ trượt dài với những lỗi lầm” - ông Tiến chia sẻ.