Những tấm gương phi thường giữa... đời thường
Biết chấp nhận để vươn lên
Từng là thợ mộc lành lặn, yêu nghề, một tai nạn bất ngờ năm 2014 đã khiến anh Phạm Ngọc Thịnh (SN 1986, ở Gia Lai) bị liệt cả 2 chân và chấn thương cột sống. Ngược lại, chính từ nghịch cảnh đó, một Phạm Ngọc Thịnh mới được “tái sinh” mạnh mẽ.
Anh Thịnh chia sẻ: “Năm 2018, sau một thời gian đi bán vé số dạo, lăn lộn từ Đắk Lắk, Quảng Nam đến TP Hồ Chí Minh, tôi quyết định về Gia Lai khởi nghiệp cùng cây nấm”.
Bỏ ngoài tai những lời nghi ngại, anh Thịnh đã kiên định với lựa chọn của mình. Bao lần thất bại nhưng không bỏ cuộc, đến nay, anh đã có trong tay 3 trại nấm, tổng diện tích 100m2 cùng mức thu nhập ổn định từ 20-30 triệu đồng/tháng. Chưa kể, anh còn tạo điều kiện cho nhiều anh chị em cùng cảnh ngộ tới trại nấm của mình học hỏi, cùng nhau phát triển.
Hiện nay, tại cơ sở sản xuất phôi nấm của anh Thịnh có trung bình từ 5-8 nhân viên, trong đó có 2 hộ người khuyết tật, 2 hộ nghèo. Bên cạnh đó, anh Thịnh còn hỗ trợ và đồng hành cùng các anh chị em khuyết tật và bà con nghèo tại địa phương duy trì 7 trại nấm quy mô lớn nhỏ khác nhau do bà con tự chủ động.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy trao Bằng khen tới thanh niên khuyết tật tiêu biểu |
Một mảnh đời khác, chị Trần Thúy Nga (SN 1985, ở Nghệ An) không may mắn vì không có cơ thể khỏe mạnh như bao người bình thường khác. Phải sống chung với căn bệnh tàn phá các khớp xương, không tự bước đi được từ năm 13 tuổi thế nhưng niềm say mê đọc sách đã giúp chị Nga vượt qua đau đớn, quyết tâm vươn lên, không đầu hàng số phận.
Chị Nga nảy ra ý tưởng mở một thư viện miễn phí dành cho mọi người, khi tìm được sự sẻ chia qua từng trang sách. Năm 2004, thư viện của Thúy Nga ra đời, ban đầu chỉ vài chục cuốn sách. Để có tiền mua sách, chị Nga đã mở một cửa hàng online. Đến nay, thư viện của chị Thúy Nga đã có trên 4 ngàn cuốn sách với nhiều đầu mục, phục vụ hàng trăm lượt mượn sách mỗi ngày từ học sinh tới giáo viên, từ những người làm quản lý đến cả những người lao động.
Sứ mệnh “Gieo duyên đọc sách - lan tỏa yêu thương” suốt 16 năm qua của chị Nga đã bước đầu cho quả ngọt khi nhiều người từng đọc sách từ thư viện của chị nay đã thành công, trở thành những người có ích cho xã hội.
Chị Nga tâm niệm: “Tôi luôn nhắc nhở mình nhìn vào mặt tích cực của cuộc đời để có niềm tin rằng điều tốt đẹp vẫn tồn tại, để thấy cuộc sống này đáng sống, giá trị bản thân mình vẫn xứng đáng để sống và lan tỏa".
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy trao Bằng khen tới đại biểu |
Chị Nga hay anh Thịnh chỉ là 2 trong số 50 tấm gương người khuyết tật vượt khó vừa được Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Công ty TNHH TCPVN vinh danh tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt 2021” tổ chức tại Hà Nội ngày 13/12 vừa qua.
Truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều người khuyết tật khác nói riêng và tầng lớp thanh thiếu niên nói chung, những con người không bao giờ gục ngã trước số phận này chính là minh chứng sống động cho nguyên lý: Sức mạnh không đến từ thể chất, nó đến từ bản lĩnh, sự nỗ lực vươn lên luôn tiềm ẩn trong mỗi người mà đôi khi, nghịch cảnh lại là chất xúc tác mạnh mẽ giúp khơi dậy và lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đó.
Dũng cảm vươn lên bằng ý chí, nghị lực của chính mình
Phát biểu tại buổi gặp mặt và tặng quà cho các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong khuôn khổ chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt 2021”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định: “Các bạn vươn lên bằng ý chí nghị lực, lòng dũng cảm và tự trọng của con người. Các bạn không chỉ đóng góp cho sự đa dạng của cộng đồng xã hội mà còn là nguồn cảm hứng, động lực tiếp thêm sức sống cho các bạn trẻ, cho người khuyết tật nói riêng mà rộng hơn là cho cả xã hội”.
Không chỉ thay mặt lãnh đạo Quốc hội biểu dương, bày tỏ sự khâm phục nghị lực của các tấm gương khuyết tật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định còn cho biết, Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật; Đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, phát triển bền vững đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng thời đánh giá cao Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phối hợp Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Công ty TNHH TCPVN tổ chức hiệu quả chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”, góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân đạo trong đời sống.
Các đại biểu tại đêm vinh danh trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt 2021” |
Lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, định hướng giới trẻ sống trách nhiệm, trung thực và nghị lực cũng đồng thời là sứ mệnh mà TCPVN, đơn vị đồng hành cùng Hội LHTN Việt Nam trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” nói riêng và các hoạt động dành cho thanh thiếu niên xuyên suốt nhiều năm qua theo đuổi nói chung.
“Chúng tôi hy vọng những đóng góp từ TCPVN trong chương trình sẽ trở thành một phần trong bệ phóng thôi thúc thanh niên Việt Nam giữ vững tinh thần lạc quan, sẵn sàng vượt qua những thử thách, hướng tới tương lai bằng nguồn năng lượng tích cực tiềm ẩn trong mỗi con người.
Trong thời gian tới, TCPVN sẽ tiếp tục chung tay cùng Hội LHTN Việt Nam triển khai thêm nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện để người khuyết tật nói riêng và các tầng lớp thanh niên nói chung thêm tự tin, mạnh mẽ, sống cống hiến hơn mỗi ngày và lan tỏa những nguồn năng lượng tích cực đến toàn xã hội”, ông Nguyễn Thanh Huân, Tổng Giám đốc Công Ty TNHH TCPVN chia sẻ.
Tại chương trình, mỗi tấm gương thanh niên khuyết tật đã nhận được Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam, biểu trưng và một phần quà từ đơn vị đồng hành cùng chương trình như một phần hỗ trợ thiết thực giúp những con người đầy nghị lực tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.