Những suy nghĩ non nớt của tuổi đôi mươi
You Can biến suy nghĩ “tôi không thể” thành "tôi có thể" Gia đình trong suy nghĩ của thế hệ trẻ Bạn trẻ bày tỏ suy nghĩ về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội |
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tuổi kết hôn trung bình của ở nam giới là 27,2; con số này ở phụ nữ là 23,1.
Trên thực tế, không ít bạn trẻ đã thành vợ, thành chồng ngay từ 18, 19 tuổi. Không ít trong số đó lựa chọn bỏ học sau kết hôn khi không có đủ tài chính, kinh nghiệm sống chưa vững vàng…
Hôn nhân là hai người yêu thương rồi về ở cùng nhau
Phạm Bích Hằng, sinh năm 2002, hiện là sinh viên năm hai Cao đẳng Y dược Hà Nội. Sau đợt giãn cách xã hội kéo dài bởi dịch COVID-19, Hằng phát hiện mình có bầu với bạn trai. Tháng 9 năm nay, em chính thức lấy chồng.
Chia sẻ về quyết định có phần vội vàng của mình, Hằng kể: “Ngay từ năm cấp 3, bạn bè em đã cưới chồng rồi, nhiều bạn sinh 2003, 2004 cũng như thế mà. Lớp đại học em cũng có một số bạn lập gia đình rồi nhưng vẫn quay lại đi học được”.
Thực tế, cô gái trẻ không hứng thú ngành học của mình. Ngày trước, nghe lời khuyên của họ hàng, học dược để sau này về quê buôn bán thuốc cũng đủ sống, Hằng đăng ký vào Cao đẳng Y dược Hà Nội nhưng công việc cô yêu thích lại là đi làm người mẫu ảnh.
Trong suy nghĩ của Bích Hằng, sau khi mang thai và cưới chồng, cô vẫn có thể đi học bình thường dù bản thân không thích chuyên ngành hiện tại |
Chồng của Bích Hằng hơn em 1 tuổi, là sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ở tuổi ăn, tuổi chơi, lo chưa đến, hai bạn trẻ vẫn quyết định giữ lại cái thai và xin bố mẹ tổ chức lễ cưới. Hằng kể, khi báo tin, mẹ em khóc rất nhiều.
“Thật ra, việc có em bé là ngoài ý muốn; khi đó, em cũng rất bất ngờ. Em nghĩ hôn nhân là hai người yêu thương nhau rồi về ở cùng nhau thôi”, cô gái trẻ bình thản.
Hiện tại, Hằng và chồng đã dừng hẳn việc học để đi làm. Lương tháng của chồng cũng chỉ khoảng 7 triệu đồng. Đôi vợ chồng trẻ may mắn có bố mẹ hai bên đỡ đần, hứa sau này cho vốn làm ăn kinh doanh.
Bích Hằng là trường hợp may mắn vì được gia đình hai bên khá ủng hộ. Với nhiều cô gái “lỡ bước”, tình yêu thương đôi khi là một thứ xa xỉ.
Nguyễn Thị Hậu, sinh năm 1999, có thai ngoài ý muốn khi vào cuối năm hai. Khi biết tin, cảm xúc đầu tiên Hậu nhớ lại là “áp lực và sợ kinh khủng”. Cô gái trẻ suýt rơi vào trầm cảm sau những lần cãi nhau với người yêu liệu có nên bỏ thai hay không. Khi đã quyết định giữ lại đứa con trong bụng, Hậu mới dám nói với bố mẹ.
Nguyễn Thị Hậu lấy chồng vào năm hai đại học. Con đường đi đến hạnh phúc của cô gái trẻ gian nan hơn khi không có sự đùm bọc của gia đình |
“Nhà mình là một gia đình truyền thống nên không có chuyện chấp nhận con gái có chửa trước. Bác cả là một người có tiếng nói trong gia đình lớn của mình còn tuyên bố từ mặt, không nhận con, nhận cháu. Lúc đó, rất tủi thân và đau khổ”, Hậu tâm sự.
Biến cố xảy ra khi ông nội phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Để thỏa mãn di nguyện của ông, gia đình đành cho Hậu cưới.
Hậu chia sẻ trước khi cô không coi trọng việc học đại học. Sau khi sinh con, Hậu tiếp tục đấu tranh với gia đình để quay lại đại học. Trách nhiệm gia đình cùng những thay đổi hậu sinh như giảm trí nhớ, cơ thể suy nhược khiến Hậu mất 6 năm mới có tấm bằng tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Giờ đây, Hậu làm kế toán ở quê, mỗi tháng lương cũng được khoảng 5 - 6 triệu đồng.
Rất khó để can thiệp quyết định bỏ học
Mỗi năm ở các trường đại học, trường hợp sinh viên cưới sớm, nhất là sinh viên năm nhất, năm hai không phải chuyện hiếm. Thế nhưng chưa bao giờ các thầy cô không khỏi ngạc nhiên “sao lại cưới sớm thế!” cùng nỗi lo sinh viên bỏ học.
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Kim Xuyến (trường Đại học Công Đoàn) cho biết, khi làm đơn xin nghỉ học, nhiều sinh viên không nêu thật lý do, vì vậy cho đến nay chưa có một thống kê chính xác về thực trạng này. Mặt khác, khi đã đủ tuổi kết hôn, việc lập gia đình là sự lựa chọn cá nhân của bạn trẻ; nhà trường không thể can thiệp vào.
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Kim Xuyến, giảng viên Đại học Công đoàn |
Tuy nhiên “khi sự việc vỡ lở, không ít bạn trẻ lại thay đổi suy nghĩ, quyết tâm hoàn thành tấm bằng cử nhân để không lép vế với gia đình bên kia, nhất là các bạn nữ”, đó là những chia sẻ rất thật của cô Vũ Minh Nguyệt, giảng viên Đại học Công đoàn.
Từng nhận được không ít thiệp mời mừng cưới của sinh viên, cô Nguyệt luôn băn khoăn về tương lai của những cô cậu tuổi ăn tuổi chơi, đặc biệt những trường hợp kết hôn vì lý do mang thai ngoài ý muốn: “Không chỉ các em nữ, nhiều em nam cũng đi cưới sớm. Đã có trường hợp đến học trễ giờ vì đưa vợ đi khám thai. Ngoài ra, tôi từng nghe câu chuyện một em sinh viên sau khi cưới, cả chồng và nhà nội đều không quan tâm, chăm sóc. Sau khi đẻ con, em này ôm con về nhà mẹ ruột ở. Từ đó, người mẹ đi làm vừa phải nuôi con, vừa phải nuôi cháu, rất vất vả”.
Cô Vũ Minh Nguyệt, giảng viên Đại học Công đoàn |
Nói về việc bỏ học cưới sớm, Tiến sĩ Lê Thị Thủy, chuyên gia Tâm lý học (Đại học Công đoàn) lý giải: “Chính việc không coi trọng sự nghiệp, không có mục tiêu cho tương lai khiến các bạn có những sai lầm. Bên cạnh đó, chúng ta không thể bỏ qua yếu tố môi trường sống. Khi xung quanh mình có quá nhiều người coi việc kết hôn sớm, sinh con là điều bình thường, các bạn trẻ sẽ dần xem đó là một điều hiển nhiên mà không biết đến những hậu quả tiềm tàng.”
Tiến sĩ Tâm lý học Lê Thị Thủy |
Khi biết có thai ngoài ý muốn và quyết định tiến tới hôn nhân, ít nhiều Bích Hằng, Nguyễn Hậu và nhiều bạn trẻ khác đều nghĩ đến tương lai của bản thân. Tuy nhiên, các dự định giờ đây phải chia sẻ cho những nỗi lo về gia đình, con cái, tiền bạc. Thêm một gánh nặng, không ai biết những cô, cậu ở đội tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” sẽ đương đầu như thế nào; Chỉ biết không ít trong số họ, đã lựa chọn bỏ học.