Người trẻ không ngại tìm kiếm sự cân bằng khi tìm việc
Bí quyết giúp giới trẻ theo đuổi lối sống lành mạnh, đơn giản, tiện lợi Khi người trẻ nỗ lực trả lại sự sống cho những dòng sông Trung Quốc: Giới trẻ cúng ảo, công đức bằng mã QR |
Không ngại nêu ý kiến
Trong một vài năm trở lại đây, dưới tác động của đại dịch COVID-19 và mạng xã hội, “work-life balance” (sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống) đã trở thành một trong những tiêu chí được ưu tiên hàng đầu nơi công sở, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
Do ngày càng tiếp xúc nhiều với các nền tảng trực tuyến nên việc học theo những KOLS (nhân vật có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) ngày càng phổ biến. Dù có thể mới chỉ đang loay hoay tìm kiếm công việc đầu tiên nhưng không ít người trẻ đã lo lắng đến sự cân bằng như một tiêu chí không thể thiếu.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chính tình trạng cách ly kéo dài trong đại dịch đã khiến người trẻ, đặc biệt là Gen Z quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần. Nó cũng làm cho nhiều người nhìn nhận lại và ưu tiên hướng tới một cuộc sống viên mãn, dung hòa mọi khía cạnh.
Dù có thể mới chỉ đang loay hoay tìm kiếm công việc đầu tiên nhưng không ít người trẻ đã lo lắng đến sự cân bằng như một tiêu chí không thể thiếu |
Bước chân vào thị trường lao động, những người trẻ hiện đại mang theo hoài bão tạo ra sự thay đổi trong công việc mà không cần làm tới kiệt sức. Họ mong muốn các nhà quản lý có thể thực sự thấu hiểu tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi. Thế nhưng, tiêu chí này thường dễ bị đánh đồng với lười biếng trong mắt người quản lý.
Thu Hằng (23 tuổi, nhân viên truyền thông) cho rằng không dễ để nói về vấn đề này trong một buổi phỏng vấn xin việc hay một cuộc họp khi một người mới đi làm. Tuy nhiên, đây là điều nên được bàn luận và làm rõ.
“Mình thấy GenZ đang phải chịu định kiến lười biếng chỉ vì muốn có một công việc cân bằng được với cuộc sống. Đã có vài lần mình thẳng thắn đặt câu hỏi với người quản lý tuyển dụng và mong muốn làm thay đổi suy nghĩ của họ về hình mẫu nhân sự phải luôn cần mẫn và cống hiến hết mình.
Dù vậy, sẽ rất khó để hỏi những câu như vậy nếu bạn mới đi làm, nhất là khi người tuyển dụng lại thuộc thế hệ “cũ”. Vì vậy, mình đã luôn tự nhắc mình rằng chỉ làm đủ số lượng công việc được giao, không hơn, không kém. Như vậy không hề có nghĩa là mình lười biếng”, Thu Hằng nói.
Thu Hằng cho rằng không dễ để nói về vấn đề cân bàng cuộc sống - công việc trong một buổi phỏng vấn xin việc |
Còn với Trần Ngọc Hải (22 tuổi, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội), chàng trai trẻ không ngại đặt vấn đề. Hải cho biết mình đã nhiều lần hỏi về sự cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi khi kiếm việc làm. Trong khi hầu hết nhà tuyển dụng đều trả lời rằng họ đang quan tâm thì nhiều nơi lại từ chối thảo luận về chủ đề này.
“Việc hỏi sớm về những vấn đề khó mở lời như vậy là cần thiết để hai bên hiểu nhau hơn và xác định xem có phù hợp hay không. Nó là lý do quan trọng để mình quyết định xem có nên lựa chọn công việc và cống hiến hay không”, chàng trai 22 tuổi bày tỏ.
Lựa chọn cách thức và thời điểm hợp lý cho “câu hỏi khó”
Nhận thức được rằng câu hỏi về sự cân bằng trong công việc có thể khiến mình trượt phỏng vấn khi gặp phải nhà tuyển dụng khó tính, nhiều người trẻ đã tạo ra chiến lược để đặt câu hỏi một cách khéo léo.
Hải Anh (23 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Mình thường hỏi xem ngày làm việc của mình sẽ diễn ra như thế nào hoặc hỏi xem có cần làm ngoài giờ nhiều hay không, cụ thể là bao nhiêu lâu một lần, như vậy sẽ không làm cho cuộc nói chuyện trở nên khó khăn hơn”.
Tương tự, Trịnh Thùy Anh, (23 tuổi, sinh viên ngành y tế) chia sẻ rằng cô thường hỏi về trải nghiệm tại công ty của chính người phỏng vấn mình.
Thùy Anh thường hỏi về trải nghiệm tại công ty của chính người phỏng vấn mình khi đi xin việc |
“Bởi vì công việc mà mình quan tâm thường khá căng thẳng nên mình sẽ hỏi xem công ty có cơ chế nào để hỗ trợ giải tỏa áp lực không hay cách thức giúp cân bằng giữa nghỉ và làm việc đang áp dụng tại đó.
Một cách khác cũng có thể hiệu quả đó là tìm hiểu về môi trường làm việc trong và ngoài văn phòng hay xem rằng công ty có quan tâm đến sức khỏe của nhân viên hay không. Đây là những vấn đề không dễ để mở lời nhưng rất quan trọng để ứng viên biết được liệu mình có thể gắn bó được với một tổ chức hay không”, Thùy Anh nói.
Cũng theo Thùy Anh, Gen Z hay những người trẻ nói chung đều sẵn sàng có những cuộc trò chuyện đi vào chủ đề khó để đảm bảo giá trị bản thân phù hợp với công ty và thời gian ngoài giờ làm việc của mình được tôn trọng để có thể cống hiến “hết năng suất” cho nơi mình gắn bó.