Người nổi tiếng và người ăn bổng lộc... sao không làm tấm gương sáng cho đồng bào soi?
Cô bé Nguyễn Ngọc Trinh học lớp 4 dùng toàn bộ tiền lì xì hơn 3 triệu đồng mua khẩu trang, nước rửa tay tạng miễn phí cho người dân tại bến xe Nước Ngầm |
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều coi đại dịch Covid 19 “vô tình đã trở thành một chất thử đối với người Việt Nam”. Xấu hay tốt, tử tế hay giả dối, vô danh vô lợi hay cơ hội trục lợi, chân thành hay ngạo mạn, và cả “bóng tối dưới chân đèn” mà chưa cần hết mùa đại dịch cũng đã được lôi ra ánh sáng công lý. Chúng ta nghĩ gì khi một em bé học lớp 4 dành toàn bộ tiền mừng tuổi mua khẩu trang tặng miễn phí với một người nổi tiếng được thuyết phục vận động 3 tiếng đồng hồ mới đi cách ly, lại còn kêu ca nơi đó ngột ngạt? Chúng ta nghĩ gì khi cả hệ thống chính trị và nhân dân lo lắng vào cuộc ngăn chặn, cách ly y tế từng người một để Covid 19 không lan lây nhiễm, thì những người ăn bổng lộc sống vương giả, lại không tự giác khai báo y tế, không tự giác cách ly, đi hội thảo, đi ăn, đi chơi golf... tiếp xúc với hàng trăm người?
Người xưa nói: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Nhà nước có lúc hưng, có khi thịnh, là một người dân thường cũng phải có trách nhiệm với hưng vong đó. Trách nhiệm ở đây là gì? Là làm tròn bổn phận với đất nước. Bao nhiêu người dân bình thường thu nhập khiêm tốn, bữa ăn đạm bạc, nhưng họ vẫn làm tròn bổn phận với đất nước. Tròn bổn phận đầu tiên là... đóng thuế. Thuế là nguồn thu nhập chính của quốc gia. Thu thuế để có kinh phí nuôi bộ máy vận hành đất nước, bảo vệ đất nước. Thu thuế để tái kiến thiết đất nước, để an sinh xã hội... Tròn bổn phận công dân còn là ý thức xây dựng và bảo vệ đất nước lúc thiên tai địch họa và cả khi hòa bình. Chiến tranh giặc dã thì lên đường cầm súng, hoặc đóng góp công sức bảo vệ tổ quốc. Khi thiên tai thì đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, khắc phục khó khăn, không vô cảm đứng ngoài cuộc hay chỉ biết chăm chăm lo thoát thân, lo vun quén lợi tư...vv.
Cô bé Nguyễn Ngọc Trinh học lớp 4, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm dùng toàn bộ tiền lì xì hơn 3 triệu đồng mua khẩu trang, nước rửa tay tặng miễn phí cho người dân. Bệnh viện K tặng 6.500 khẩu trang và hàng trăm chai dung dịch sát khuẩn cho bệnh nhân ung thư. Chị em phường Cầu Kho, quận 1 thành phố Hồ Chí Minh rủ nhau lập nhóm tình nguyện may khẩu trang với ý nghĩa “khẩu trang vải tải cả yêu thương” tặng người dân trong phường. Công ty Dệt may Huế tặng 70.000 khẩu trang cho người dân...vv. Trong khó khăn hoạn nạn, với đạo nghĩa “bầu ơi thương lấy bí cùng”, không thể nào kể hết những việc làm tình nghĩa của con người với con người.
“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Người công dân bình thường còn lo lắng, còn hành động, dù là làm những việc nhỏ nhất với cộng đồng, dân tộc. Còn người nổi tiếng? Còn quan chức bổng lộc?
Dư luận vừa qua xôn xao khi một anh chàng vốn là bầu showbiz từng tham gia tuần lễ thời trang ở Milan, nước Ý, trở về nước được yêu cầu cách ly 14 ngày tại nhà, sau đó có chỉ lệnh cách ly tập trung. Chàng ta đã “không tuân thủ đúng quy định cách ly tại nhà, phàn nàn việc xét nghiệm, chê bai khu cách ly và "tố" các bác sĩ dùng anh để thu hút truyền thông”. Cơ quan y tế phải mất 3 tiếng đồng hồ vận động anh chàng này mới chịu đi cách ly y tế tập trung. Khi vào nơi “giám sát nhân đạo”, chàng ta còn lớn tiếng kêu ca chỗ ở nóng, ngột ngạt, khó thở, mất ngủ. “Tôi thấy ngột ngạt nên đến đây không bệnh cũng thành ra có bệnh”. Là người nổi tiếng trong làng showbiz, ít nhiều cũng liên quan đến nghệ thuật. Nghệ thuật thì đầu tiên phải là cảm xúc, sau đó đến lao động. Có tin chân thiện mỹ không, khi anh ta đi qua vùng dịch lại không tự giác cách ly bảo vệ sức khỏe cho mình, và cộng đồng. Cái thân mình không trọng, thì cũng phải nghĩ đến cuộc sống người khác chứ.
Có thể thông cảm phần nào ở khả năng ít thích nghi cuộc sống của một số người đang sống vương giả thiên đường. Họ ở biệt phủ, hay căn hộ cao cấp, chăn ấm nệm êm, mát mẻ, thơm tho, rượu ngoại đắt tiền, ăn ngon tự chọn. Họ đến nơi cách ly dân dã, nóng bức, giường giát chiếu mỏng, bữa ăn đạm bạc, chưa hợp khẩu vị... Đó là sự thật, nhưng là người trí tuệ phải chấp nhận, đón nhận. Hoàn cảnh khó khăn, gian nan không chỉ là thử thách mà còn là trải nghiệm. Sống vài ngày vất vả, thậm chí khổ, với người dân bình thường là thiệt thòi, chịu đựng, nhưng với người nghệ sĩ ngoài cái thiệt, cái khó còn là trải nghiệm sống cho các dự án nghệ thuật tương lai. Hàng ngàn người đã trải nghiệm qua 14 ngày ở nhiều địa chỉ cách ly toàn quốc, chẳng thấy ai kêu ca, than vãn. Các cuộc chia tay giữa người cách ly và cán bộ nhân viên phục vụ, đặc biệt ở các doanh trại quân đội, bao giờ cũng ấm áp, bịn rịn trong nước mắt biết ơn. Còn anh chàng bầu showbiz thì lại gây tai tiếng giữa mùa đại dịch.
Dù chia sẻ, cảm thông, cũng rất khó tha thứ cho hành vi phản cảm kêu ca phàn nàn nơi cách ly y tế. Làm người nổi tiếng không dễ. Làm người của công chúng càng không dễ. Cái tâm, cái tầm nghệ sĩ với phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực nghệ thuật chinh phục người thưởng thức thì mới đúng là người nổi tiếng, người của công chúng. Xưa nay người ta cứ hay nhầm lẫn giữa người tai tiếng với người nổi tiếng, càng nhầm lẫn và đánh đồng người tai tiếng với người của công chúng.
“Quan cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Con người đứng trước thiên tai Covid 19 mới lộ diện thiện hay ác, tốt hay xấu, chân chất hay vương giả? Hãy trân trọng nữ ca sĩ Chi Pu ủng hộ 1 tỉ đồng nhập máy móc, trang thiết bị cùng chi phí lắp đặt một phòng cách ly áp lực âm tại Hà Nội và 5.000 bộ đồ bảo hộ phòng dịch cho các bác sỹ, nhân viên chống dịch Covid 19. Hãy nể phục ca sĩ Hà Anh Tuấn là nghệ sĩ Việt đầu tiên quyên góp từ thiện giúp ngành y chống Covid 19. Anh cùng đạo diễn Cao Trung Hiếu và nhà sản xuất Minh Hoàng - tài trợ 3 phòng điều trị cách ly áp lực âm trị giá gần 2 tỷ đồng, nhập khẩu từ Đức tặng cho Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh. Anh nói rằng: “Đây là việc tôi phải làm và quan trọng là có cơ hội đóng góp chút nỗ lực trong công cuộc chống dịch của đất nước”. Thử hỏi, cũng là người trong giới showbiz, anh chàng đang khủng hoảng khi bị “giám sát nhân đạo” kia có thấy ngượng với đồng nghiệp?
Quan chức bổng lộc thời dịch Covid 19 cũng lắm điều tai tiếng, thị phi. Một vị giáo sư được cho là sống vương giả, nhà cửa bề bề, vé chơi golf 3 tỷ đồng cũng lộ diện. Bỏ qua những thị phi, ghét mà nói, nói vống tội lỗi, vẫn thấy ông giáo sư quan chức không thành thực khai báo y tế. Ngồi bên cạnh một người Anh sốt, ho trên máy bay, mà không ý thức tự cách ly và khai báo y tế. Cứ thế mang mầm dịch Covid 19 đi khắp nơi, để ra nông nỗi tiếp xúc với gần 500 người. Dĩ nhiên, cuộc sống của 500 người ấy bị đảo lộn. Nặng thì nhiễm virus, nhẹ thì mất hơn hai tuần chẳng làm việc, không ra tiền, ra lúa ra khoai...
Ngày xưa, đất nước bão giông ngả nghiêng, vẫn có kẻ quan chức không biết can vua, chỉ làm thơ, ngâm vịnh, xướng họa bằng ngòi bút uốn cong. Đất nước lầm than, “thất phu hữu trách”, còn phải chịu trách nhiệm với cái phần địa vị ít học, không được học; thì những kẻ sĩ bằng cấp đầy người, kiến thức chật đầu, quyền cao đầy mặt, bổng lộc suốt đời, phải có trách nhiệm tương xứng. Tiếc thay, lúc đất nước thiên tai dịch virus hoành hành, cả nước lo lắng, chính quyền vào cuộc, thì lại có quan chức bổng lộc sống vương giả. Đời sống vương giả ấy không đúng với năng lực cống hiến, vị trí công tác. Ngồi ghế VIP máy bay ở khoang hạng C. Quan chức bổng lộc đi qua vùng dịch, ngồi bên hành khác nước ngoài ho sốt, mà không khai báo, không tự giác cách ly, đi ăn, đi chơi golf… khiến gần 500 người phải cách ly y tế, thử hỏi quan chức bổng lộc thế có đáng để người dân tin, người dân noi gương?
Chưa qua mùa dịch Covid 19 đã lộ ra thói đạo đức giả, học đòi thượng lưu. Sống vương giả trên lưng người nghèo thấp cổ bé họng mà không xót xa. Trước hay sau thì ánh sáng công lý cũng dọi vào... bóng tối dưới chân đèn