Ngọt thơm chè lam Thạch Xá
Làng cổ Đường Lâm tất bật nấu chè Lam đón Tết Dẻo thơm bánh trái Tết xưa |
Ngọt thơm hương vị truyền thống
Đến làng nghề chè lam Thạch Xá, cảm nhận đầu tiên là không khí rộn rã, tất bật trong mùi thơm của nếp cái rang, của vừng, lạc cùng hương vị ngọt đậm của nồi mạch nha đang sôi lục bục. Cách vài nhà lại thấy một gia đình bày trong sân những dụng cụ làm bánh như máy nhào bột, máy đóng dán bao bì, các kệ kê bánh thành phẩm… Cách đó không xa, các bà, các mẹ cặm cụi cạo gừng, tiếng chuyện trò rôm rả, chốc lát lại cười giòn giã.
Ông Nguyễn Trí Thủy trò chuyện với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Theo ông Nguyễn Trí Thủy, Chủ tịch Hội Làng nghề Thạch Xá, không biết làng nghề có từ bao giờ, chỉ biết rằng lớn lên, khi giúp đỡ được cha mẹ việc nhà, ông đã phụ làm chè lam. Đến đời ông thì có vợ chồng con trai thứ hai nối nghiệp làm nghề truyền thống của gia đình. “Công việc túc tắc quanh năm nhưng có lẽ bận rộn nhất là vào thời gian trước Tết Nguyên đán. Dường như dịp này nhà nào cũng đỏ lửa ngày đêm”, ông Thủy chia sẻ.
Để có những gói bánh chè lam thơm ngon chuẩn vị, Chủ tịch Hội Làng nghề Thạch Xá cho biết, bột chế biến từ bỏng được rang nổ bằng thóc nếp cái hoa vàng chứ không phải gạo nếp thường như các loại bánh chè lam nơi khác.
Hương vị, độ dẻo của chè lam Thạch Xá mang đặc trưng riêng không nơi nào có được |
“Công đoạn nấu chè lam là quan trọng nhất bởi những người thợ lành nghề sẽ biết cân, đong, đo, đếm từng nguyên liệu sao cho vừa vị. Ngoài ra, bột nếp phải được hòa trộn với mạch nha, đường kính, mỡ lợn, gừng, lạc... trên nền nhiệt phù hợp mới có thể cho ra đời mẻ bánh ngon”, ông Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thủy, nồi nước gừng tươi đặt trên bếp than hồng đến một độ nào đó, người nấu sẽ cho đường, mạch nha, lạc rang cộng thêm một chút muối tinh vào cùng lúc. Khi tất cả đã hòa quyện với nhau thành hỗn hợp nước có màu vàng óng gần như keo sẽ đến công đoạn quan trọng nhất là rắc bột. Người thợ phải làm được đủ các bước như thế bánh mới dẻo, thời gian lưu giữ được 3 - 4 tháng mà hương vị vẫn đậm đà thơm ngon.
Bà Khương Thị Minh đóng gói bánh chè lam |
Mang Tết Việt tới năm châu
Theo nghề truyền thống lâu năm, tay thoăn thoắt vừa cắt phên bánh thành phẩm thơm lừng, vừa đặt lên cân để đóng gói, bà Khương Thị Minh (ở thôn Thạch, xã Thạch Xá) chia sẻ: “Tất cả được đun với lửa vừa, khuấy đều tay cho đường tan, hòa với mạch nha và gừng mà không bị cháy khét. Lượng bột phải hợp lý để tạo độ dẻo đúng chuẩn cho chè lam bởi nếu thiếu bột bánh, chè lam sẽ nhão, dính chặt với nhau; nếu cho bột quá tay, chè sẽ rất nhanh cứng, không có độ mềm dẻo khi ăn. Cận Tết, ngày nào gia đình bà cũng dậy từ 2 giờ sáng để chuẩn bị bột làm. Luôn tay luôn chân là thế mà sản xuất vẫn không kịp để giao cho khách”.
Nồi nước gừng tươi, đường, mạch nha, lach rang đặt trên bếp than hồng |
Nói về nghề này, ông Nguyễn Văn Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Xá chia sẻ: “Xã có truyền thống làm bánh chè lam rất lâu đời. Chè lam ngon có thương hiệu nên không chỉ bán ở trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài. Sản lượng trung bình hàng năm bán ra thị trường xấp xỉ 300 tấn. Trong số đó, 70% hàng hóa được gia đình hội viên tiêu thụ trong thành phố và các vùng lân cận. Số lượng tiêu thụ tập trung vào dịp Tết Nguyên đán”.
Được biết, hội làng nghề bánh Chè Lam làng Thạch được UBND huyện cho phép thành lập cuối năm 2015. Hiện nay, hội có 60 hộ gia đình hội viên thường xuyên tham ra sản xuất; dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền thì có đến gần 200 hộ làm bánh để cung cấp cho thị trường.
Công đoạn nhào bột cũng đòi hỏi người thợ phải rất có nghề mới có được mẻ bánh có độ dẻo, ngon vừa đủ |
Có thể xã hội ngày càng hiện đại, có rất nhiều món ngon được nhập khẩu nhưng vị chè lam vẫn là một thức quà ngon, khác biệt và đậm đà truyền thống của người Việt. Vì thế, trong dịp lễ, Tết, bánh chè lam vẫn không thể thiếu được được trên bàn trà của mỗi gia đình.