Ngành Tài nguyên và Môi trường tiên phong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Cùng dự có các cán bộ nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Ủy viên Trung ương Đảng; Các Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo các tỉnh, thành phố; Các Đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Thư và lẵng hoa chúc mừng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong dòng chảy đổi mới
Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập theo Nghị quyết số 02/2002/QH11, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XI. Trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong dòng chảy đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, thể hiện qua những dấu mốc lớn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm (Ảnh: Nhật Bắc) |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, tài nguyên môi trường là yếu tố không thể thiếu đối với sự sinh tồn và phát triển của con người cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là lĩnh vực quản lý rất quan trọng và rộng lớn. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta quan tâm. 20 năm qua, ngành tài nguyên môi trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đặc biệt, việc tham gia thỏa thuận lịch sử Paris về biến đổi khí hậu và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) mang lại lợi ích kép cho Việt Nam trong tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính để tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chỉ số về môi trường có sự chuyển biến, góp phần đưa chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2021 lên vị trí 51/165 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 37 bậc so với năm 2016.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các thế hệ công chức, viên chức, người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường qua các thời kỳ và chúc mừng những thành tích của ngành đã đạt được trong những năm qua, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường phải tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ; Chấp hành và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Xây dựng Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên. Càng khó khăn bao nhiêu, càng phải đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần dân chủ, sức mạnh và trí tuệ tập thể…
Thủ tướng nhấn mạnh: "Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó ngành Tài nguyên và Môi trường có sứ mệnh hết sức quan trọng.
Các nhiệm vụ của ngành tài nguyên và môi trường trong giai đoạn tiếp theo là hết sức nặng nề với nhiều bài toán “hóc búa” cần lời giải. Với truyền thống vẻ vang của ngành; Sự đồng lòng, đoàn kết, trí tuệ, tinh thần đổi mới và quyết tâm cao của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động; Phát huy những thành tích đạt được, tôi tin tưởng rằng, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: Nhật Bắc) |
Đổi mới, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Bộ đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong dòng chảy đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, thể hiện qua những dấu mốc lớn…
Bám sát phương châm kỷ luật, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hội nhập biến thách thức thành cơ hội, Bộ đã đổi mới tư duy làm chính sách chuyển từ thắt chặt quản lý bằng công cụ hành chính sang áp dụng các công cụ kinh tế; Tạo lập môi trường thuận lợi, dẫn dắt và thúc đẩy doanh nghiệp và người dân thực hiện. Đặc biệt, ngành Tài nguyên và Môi trường luôn chú trọng phân tích dự báo các xu thế quốc tế trong điều kiện hội nhập, đánh giá các tác động để chính sách không chỉ giải đúng và trúng các vấn đề đặt ra từ quản lý mà còn tạo dư địa, động lực mới cho phát triển.
Nhìn lại quá trình phát triển, mặc dù có tuổi đời “trẻ” nhưng Bộ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta luôn ý thức được rằng, những kết quả vừa qua chỉ là khởi đầu trong tiến trình phát triển bền vững, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức to lớn đang đặt ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử: Tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, hệ sinh thái ngày càng suy giảm, thậm chí có nguy cơ sụp đổ, dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát…
Tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; Các bộ, ngành thực hiện nghi thức phát động mục tiêu phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.