Miễn phí học nghề, lao động phi chính thức vẫn thờ ơ
Chỉ 3,9% lao động phi chính thức đăng ký học nghề
Những năm gần đây, do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các loại hình kinh tế phi chính thức mới đã hình thành như “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế chia sẻ”, “kinh tế tự do”..., dựa trên nền tảng trực tuyến (qua ứng dụng công nghệ) như: bán hàng trực tuyến, giao hàng, lái xe công nghệ... Đây là những hình thức việc làm mới dựa trên ứng dụng công nghệ và đang ngày càng phát triển, tạo ra số lượng lao động khu vực phi chính thức ngày càng lớn ở nước ta.
Người lao động tìm hiểu thông tin tại phiên giao dịch việc làm |
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, hiện nay, nước ta có khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức. Số lao động phi chính thức làm các công việc có trình độ cao chỉ chiếm khoảng 1,9%.
Theo ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), lao động phi chính thức ở nước ta vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật là một nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc dù thu nhập từ công việc đó đôi khi không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu. Vì vậy, để có một nền kinh tế phát triển và bền vững, chúng ta cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động ngắn hạn, nhằm dần chuyển đổi mô hình, tăng tỷ lệ lao động từ phi chính thức sang chính thức.
Thực tế, đào tạo nghề ngắn hạn (trong thời gian dưới 6 tháng) mang lại hiệu quả cao cho đối tượng lao động phi chính thức, đặc biệt là lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp bởi các chương trình đào tạo sát với nhu cầu người lao động.
Tuy nhiên, số lao động phi chính thức đăng ký học nghề ngắn hạn lại chưa nhiều. Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm tiếp nhận 690.256 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; tuy nhiên chỉ có 27.457 người đăng ký tham gia hỗ trợ học nghề (chiếm 3,9%).
Nguyên nhân là do nhiều người lao động muốn nhanh chóng kiếm việc làm để có thu nhập mà ít quan tâm đến các khóa đào tạo nghề miễn phí. Với những người lao động ở khu vực nông thôn, làng nghề thì khó sắp xếp được nhiều ngày đi học trực tiếp ở lớp.
Cùng với đó, mức hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng còn thấp, nhiều khi không đủ bù đắp chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt của lao động tham gia học nghề…
Kỳ vọng vào Luật Việc làm (sửa đổi)
Trước những bất cập trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.
Tận dụng công nghệ, Sàn giao dịch việc làm Hà Nội kết nối trực tuyến việc làm cho lao động tại các tỉnh, thành phố |
Theo đó, một số nội dung sửa đổi lớn như: Bổ sung quy định về đăng ký lao động; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật đã bổ sung quy định về hỗ trợ chuyển tiếp và giải quyết việc làm cho người cao tuổi; hỗ trợ chính thức hóa việc làm phi chính thức trong bối cảnh già hóa dân số và thực trạng thị trường lao động Việt Nam.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét quản lý lao động bằng “sổ lao động điện tử” gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở khác... để có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc làm sáng tạo, trình độ cao như bảo hiểm, tài chính, YouTuber, Blogger đến các việc làm phổ thông như giao hàng, bán hàng trực tuyến...
Tại Hà Nội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành phố trình HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với các nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, nhằm có thêm chính sách hỗ trợ ưu tiên đến các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức là người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, lao động nữ bị mất việc làm, lao động nông thôn...
Cùng với đó, để thu hút nhiều lao động đăng ký học nghề hơn, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ thông tin về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu, để giúp người học nghề giảm chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt, bên cạnh việc rèn thực hành kỹ năng trực tiếp, Trung tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy lý thuyết. Giáo viên cũng tạo các video hướng dẫn chi tiết cho từng kỹ năng cụ thể, giúp học viên dễ nắm bắt và thực hành hơn. Trung tâm cũng tăng cường kết nối học viên với các đơn vị tuyển dụng, giúp lao động có nhiều cơ hội tìm việc làm.