Trao cơ hội giúp người khuyết tật tiếp cận với việc làm
1.286 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh
Thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tổ chức “Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật lần thứ II năm 2024”. Phiên giao dịch lần này có 1.286 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh.
Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật lần thứ II năm 2024 được tổ chức đồng bộ trên hệ thống Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội, bao gồm: Sàn Trung tâm tại số 215 Trung Kính và 14 Sàn Giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn thành phố, nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động khuyết tật tiếp cận với thị trường việc làm, giúp họ tự tin, chủ động tìm kiếm việc làm, học nghề để có thể tham gia vào thị trường lao động, thiết thực hưởng ứng Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12).
Các đại biểu nhấn chuông khai mạc Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật lần thứ II năm 2024. Ảnh: Trần Oanh |
Tham gia phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật lần thứ II năm 2024 có tổng số 37 đơn vị tuyển dụng, trong đó có 14 doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật. Trong tổng số1.286 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, có 516 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật.
Những lĩnh vực ngành nghề của các doanh nghiệp đăng kí tham gia phiên giao dịch việc làm cho thấy việc khan hiếm lao động đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực, điều này tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là người lao động khuyết tật tiếp cận với thị trường lao động, tìm kiếm được việc làm phù hợp với bản thân.
Tổng hợp từ phiên giao dịch việc làm cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động lao động phổ thông là 796 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 61,9%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Trung cấp – Công nhân kỹ thuật là 289 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 22,5%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Cao đẳng – Đại học trở lên là 201 chỉ tiêu.
Hoạt động tặng quà tại chương trình |
Mức thu nhập từ trên 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng có 208 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 16,2% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của những chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lí, giám sát, dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.
Mức thu nhập từ trên 7 triệu đồng đến 10 triệu/tháng có 491 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 38,2% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: Nhân viên kỹ thuật có tay nghề, kế toán…
Mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng có 582 chỉ tiêu, chiếm 45,3% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập dành cho lao động chưa có tay nghề, các bạn sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian.
Tham gia phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật lần thứ II năm 2024 có tổng số 37 đơn vị tuyển dụng, trong đó có 14 doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật |
Còn lại là mức thu nhập thỏa thuận với 5 chỉ tiêu. Đây là mức lương được thoả thuận giữa doanh nghiệp và người lao động trong quá trình phỏng vấn. Mức lương thoả thuận phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ học vấn, vị trí công việc,…đảm bảo đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.
Đáng chú ý, cơ hội việc làm tại phiên này tập trung chủ yếu vào nhóm tuổi 18 - 25 với 526 chỉ tiêu, chiếm 40,9%. Sau đó là nhóm 26 - 35 tuổi với 482 chỉ tiêu, chiếm 37,5%. Thấp nhất là nhu cầu tuyển lao động ở nhóm tuổi từ 35 trở lên với 278 chỉ tiêu.
Góp phần thay đổi quan niệm về người khuyết tật
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo cho biết: Để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật có công việc phù hợp, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội định kỳ tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật.
Tại phiên giao dịch việc làm lần này có một số doanh nghiệp tuyển nhiều vị trí với mức lương hấp dẫn với các chỉ tiêu tuyển dụng đa dạng |
Tại phiên giao dịch việc làm lần này có một số doanh nghiệp tuyển nhiều vị trí với mức lương hấp dẫn với các chỉ tiêu tuyển dụng đa dạng, đơn cử như: Công nhận may, công nhân sản xuất nhựa, plastic,..; công nhân sản xuất điện tử, kinh doanh – marketing, thợ thủ công mỹ nghệ, Nhân viên kỹ thuật, lái xe… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động chưa có việc làm, cũng như người lao động khuyết tật tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng của bản thân.
Đến tham gia phiên này có 14 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật. Đó là Công ty cổ phần Thương mại đầu tư sản xuất Trường An, Hợp tác xã Trái Tim Hồng, Công ty cổ phần May Nông nghiệp, Trung tâm Vì ngày mai, Công ty TNHH Thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương, Hợp tác xã Vụn Art, Công ty TNHH Xã hội 3/12,… cùng các chỉ tiêu phù hợp và mức lương thỏa đáng: nghề may, thủ công mỹ nghệ, nhân viên kinh doanh, thợ thêu tranh, thợ may công nghiệp…
Có mặt tại phiên giao dịch việc làm từ sớm, chị Vũ Thị Thuỷ (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Từ nhỏ khi sịnh ra, tôi đã không may bị khuyết tật vận động. Hiện hai chân của tôi khá yếu, không thể di chuyển được, tuy nhiên hai tay vẫn khoẻ mạnh bình thường. Tôi đã tham gia học đan và thêu tay. Hi vọng tôi có thể tìm được việc làm phù hợp để tự trang trải cho cuộc sống của bản thân, giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Các phiên giao dịch việc làm đã hỗ trợ thanh niên khuyết tật có nhu cầu tìm kiếm công việc ổn định |
Là đơn vị tuyển dụng, anh Nguyễn Tiến Tuấn là Quản lý Công ty TNHH Giặt là Sẻ chia cho hay: “Qua sơ tuyển ban đầu, chúng tôi thấy có một số bạn phù hợp với công việc giặt là. Hiện nay, Công ty TNHH Giặt là Sẻ chia có 14 bạn khuyết tật làm việc với thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Những bạn ở xa được hỗ trợ ăn, ở nên rất yên tâm làm việc. Các bạn mới trúng tuyển sẽ được chúng tôi đào tạo nghề, sau đó làm việc và hưởng những chế độ như những người khuyết tật đang làm việc tại Công ty Giặt là Sẻ chia”.
Theo Phó Giám đốc Hội Người khuyết tật Hà Nội Trịnh Xuân Dũng, các phiên giao dịch việc làm đã hỗ trợ thanh niên khuyết tật có nhu cầu tìm kiếm công việc ổn định, kết nối doanh nghiệp cũng như mang đến nhiều cơ hội việc làm, tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy của những đơn vị tuyển dụng. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về người khuyết tật, thay đổi quan niệm về người khuyết tật, nhìn thấy ở họ khả năng tự lập, đóng góp cho gia đình và xã hội.